Giá lợn hơi liên tục giảm mạnh, người chăn nuôi đang đứng bên bờ vực phá sản nhưng thương lái vẫn có thể “hốt bạc”.
Lái lợn kiếm bộn tiền
Gần đây, người nuôi lợn cả nước đứng ngồi không yên khi giá lợn hơi xuất chuồng giảm kỷ lục, tại nhiều tỉnh miền Bắc, giá lợn hơi đã chạm đáy, chỉ còn 15.000-20.000 đồng/kg.
Với mức giá này, người nuôi lợn đang lỗ ít nhất 2,5 triệu đồng/ con. Nuôi càng nhiều, lợn càng to thì lỗ càng nặng, có hộ lỗ đến cả tỷ đồng. Nhiều hộ chăn nuôi lợn còn phải cầm cố sổ đỏ để có tiền mua cám cho lợn ăn. Khi không còn cầm cự được nữa, họ phải cắn răng chịu lỗ, nài nỉ thương lái mua với giá rẻ ngang khoai lang.
Thực tế đáng buồn là giá thịt lợn hơi xuất chuồng xuống chạm đáy, thấp nhất trong vòng 10 năm qua, song giá thịt lợn bán tại chợ và siêu thị vẫn không có dấu hiệu giảm.
Theo ghi nhận của phóng viên VOV tại các chợ và siêu thị trên địa bàn Hà Nội, thịt lợn mông, vai, ba chỉ, chân giò đều ở mức 70.000 - 90.000 đồng/kg, thịt thăn giá dao động từ 90.000-95.000 đồng/kg, sườn 80.000 - 100.000 đồng/kg, móng giò 70.000 – 75.000 đồng/kg,...
Trên thực tế, tỷ lệ thịt móc hàm được khoảng 75 - 78%, tức con lợn 1 tạ, khi giết mổ xong sẽ còn khoảng 75 - 78kg thịt. Nếu mua với mức giá lợn hơi thấp như hiện nay thì thương lái đang lãi quá nhiều.
Chị Phương Anh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, giá lợn hơi giảm nhiều mà giá thịt lợn vẫn không hề thay đổi.
Lý giải về nghịch lý này, ông Việt – chủ một trang trại lợn ở xã Ngọc Lũ, Bình Lục, Hà Nam – “thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc - cho rằng có 2 nguyên nhân chính. Một là do việc bán lẻ thịt lợn phải trải qua nhiều khâu trung gian, qua mỗi khâu người ta lại nâng lên 1 - 2 giá và thay đổi theo mức mà các thương lái, người bán tự thỏa thuận miệng với nhau.
Thứ hai là phần lớn bà con có thói quen mua thịt ở các chợ dân sinh. Tại các chợ này, chủ hàng thịt đã giữ chỗ, việc điều tiết thịt bao nhiêu là do họ nên các các chủ cửa hàng bán thịt dựa vào đó mà tự định giá, độc chiếm thị trường.
Người chăn nuôi có được “cứu”?
Thường thì buôn bán đều phải qua khâu trung gian, nông dân không thể tự đem sản phẩm của mình ra chợ bán được. Song, trong chuỗi phân phối, khâu trung gian đang trục lợi quá nhiều. Trong khi đó, người chăn nuôi phải bán lợn với giá rẻ, còn người tiêu dùng phải mua lợn với giá đắt.
Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT vừa kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng và tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.
Đồng thời đề nghị các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến nhiều thịt như Vissan, Việt Đức, Hapro Hà Nội, Saigon Co.op, các đơn vị quân đội… tăng cường mua giết mổ cấp đông thịt lợn, thịt gia cầm trữ cho các tháng hè sắp tới.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ xem xét, dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt, phủ tạng từ bên ngoài qua Việt Nam vào thị trường các nước trong khu vực để tránh các trường hợp rủi ro.
Trước mắt, Bộ NN& PTNT kiến nghị Thủ tướng giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao đẩy nhanh các biện pháp đàm phán tìm thị trường cho sản phẩm chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn ở cả khu vực biên mậu và chính ngạch.Về lâu dài, cần triển khai các biện pháp tổng thể, trong đó có giải pháp áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước có tiềm năng./.
Ngọc Loan/VOV
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.