Trung bình mỗi kg lợn hơi người nuôi sẽ lỗ khoảng 10.000 đồng, nếu hộ nào nuôi hàng nghìn con số lỗ sẽ là rất lớn.
Thành phố Hải Phòng hiện có khoảng trên 500 trang trại chăn nuôi. Nhưng hiện nay, giá lợn xuống dưới 30.000 đồng/kg đang khiến người chăn nuôi lao đao. Đặc biệt, vào dịp giáp tết, với giá lợn bất thường như thế này, người chăn nuôi vấp phải cảnh "thu không đủ chi".
Tại TP Hải Phòng, hiện giá lợn hơi khoảng 28.000 đồng/kg đối với lợn siêu nạc, còn lợn trắng lai giá xuống còng 31.000 đồng/kg. Nhiều trang trại nuôi lợn vẫn chưa suất thêm được lứa nào vì giá xuống quá thấp.
Anh Phạm Thái Học, thôn Ngọc Khánh, xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, TPHải Phòng cho biết, các trại nuôi lợn cho các công ty vẫn chưa bán được, các trang trại khác cũng ở chung tình trạng.
|
Anh Nguyễn Văn Bàn - xã Đông Hưng, Tiên Lãng, Hải Phòng bên đàn lợn chưa xuất bán được. |
Trang trại của anh Học hoạt động theo hướng tự cung, tự cấp, xây dựng với mô hình chăn nuôi hiện đại, khép kín, được đánh giá là 1 trong những trang trại lớn nhất Hải Phòng, hiện đang có nuôi 400 nái, 1.800 lợn thịt. Riêng đàn lợn nái 400 con đang góp phần vào cải thiện đàn lợn ở Hải Phòng theo hướng nạc hóa. Anh Phạm Thái Học cho rằng, đầu ra cho sản phẩm đang vấp phải nhiều khó khăn.
“Để việc chăn nuôi mang tính bền vững, thành phố cũng như Chính phủ phải có giải pháp quy hoạch vùng và điều tra năng lực tiêu thụ từng hộ dân. Từ đó mới có quy hoạch để phát triển vùng chăn nuôi tập trung, tránh tình trạng khi lợn tăng giá người nuôi tăng đàn ồ ạt, khi giảm giá tất cả cùng chịu chung thiệt hại”, anh Học cho biết.
Anh Phạm Thái Học còn cho biết thêm, đầu tháng 1/2017, thương lái đến đặt tiền để mua 250 con lợn nhưng đến nay vẫn chưa đến bắt. Trước tình hình giá cá lợn hơi hiện nay, tính bình quân trên 1 con lợn 100 kg, người chăn nuôi lỗ khoảng 1 triệu đồng. Lợn càng để to, lỗ càng lớn. Gia đình đã phải vay thêm ngân hàng nông nghiệp 1,2 tỷ đồng để duy trì đàn lợn đến tháng 3. Nếu giá lợn hơi không tăng, gia đình buộc phải giảm số lượng lợn nái xuống còn một nửa.
Trong khi đó, ở HTX chăn nuôi xã Tân Phong, huyện Kiến Thụy hiện có 47 thành viên, với tổng số đầu lợn thịt của HTX hiện còn khoảng 3.000 con. Chị Nguyễn Thị Hòa thôn Thái Lai, xã Tân Phong, huyện Kiến Thụy cho biết, hôm trước mới xuất 1 đàn 12 con với giá 30.000 đồng/kg, tính sơ đã lỗ 12 triệu vì chưa tính tiền thuốc, tiền điện.
Còn anh Phạm Văn Thượng thì cho rằng, lúc cao điểm nhất giá bán lợn được 50.000 đồng/kg, nhưng hiện giá thị trường xuống còn 28.000 đồng/kg, các hộ nuôi hạch toán mỗi kg lợn bị lỗ từ 7.000 – 8.000 đồng.
Điều mà nhiều hộ chăn nuôi lợn ở Hải Phòng băn khoăn hiện này là, trong khi giá lợn hơi giảm hơn 10.000 đồng/kg so với trước đó, nhưng giá thịt lợn bán tại các chợ không giảm. Thậm chí, giá bán còn được đẩy cao hơn trong dịp giáp Tết.
Anh Nguyễn Văn Bàn, chủ trại lợn nuôi 200 lợn thịt cùng 45 lợn nái ở thôn Thủy Hưng, xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng cho biết, khi giá thịt lợn xuống thấp, thay vì bán cho thương lại, gia đình tự thịt lợn đem ra chợ bán để cắt lỗ. Nếu mỗi ngày thịt được 2 con lợn thì chắc chắn gia đình không bị lỗ dù giá lợn hơi có xuống thấp.
Trước diễn biến bất thường của thị trường, chỉ có người chăn nuôi, tiêu dùng chịu thiệt, còn thương lái, cơ sở kinh doanh, tiểu thương vẫn lãi cao. Theo anh Bùi Đình Uy, Giám đốc HTX dịch vụ chăn nuôi Tân Phong, xã Tân Phong, huyện Kiến Thủy, thành phố nên có chính sách hỗ trợ ngay cho người dân, nếu người chăn nuôi bỏ đàn ồ ạt, sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội nếu như giá lợn hơi tăng trở lại. “Tính chung mỗi con lợn nuôi bán thời điểm hiện tại sẽ bị lỗ khoảng 1 triệu đồng. Nếu trang trại nào nuôi đến 3.000 con sẽ bị lỗ một khoản rất lớn. Mong muốn làm sao các ban ngành có chính sách giúp bà con vượt qua thời điểm giá lợn xuống đến tột điểm”, anh Uy đề xuất.
Với tình trạng giá lợn xuống thấp, các trang trại chăn nuôi tại Hải Phòng đều mong muốn chính quyền có một giải pháp kịp thời, tạo đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng "được mùa, mất giá" khi những ngày Tết đang đến gần./.
Thanh Hưng/VOV
KTNT