Những tín hiệu lạc quan từ giá mía tăng từ đầu vụ thu hoạch đã làm cho người trồng tại các vùng mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phấn khởi.
Vùng mía nguyên liệu Mỹ Tú đang bước vào thu hoạch mía sớm với diện tích hơn 2.000ha. Không khí thu hoạch được đẩy nhanh để vừa chạy lũ, vừa đảm bảo bán được giá.
Giá mía tăng giúp các hộ trồng trang trải nợ nần, có tiền đầu tư vụ trồng sắp tới. Đặc biệt, người dân ở đây thêm một vụ mùa sung túc nhờ cây mía.
Niên vụ mía 2014-2015, người trồng mía Mỹ Tú được các thương lái thu mua tận ruộng với giá dao động từ 700-800 đồng/kg.
Niên vụ mía 2015-2016 này, mới đầu vụ thu hoạch, giá mía được các lái thu mua từ 900-1.050 đồng/kg cho mía đạt từ 9-10 chữ đường và sẽ tăng thêm khi mía đạt chữ đường cao hơn.
Ông Thái Thành Lổng ở xã Long Hưng phấn khởi cho biết: "Vụ mía năm nay, người trồng mía mừng lắm vì giá tăng hơn mấy vụ vừa qua. Nếu năm nào thương lái và nhà máy mua với giá hơn 1.000 đồng/kg, người trồng mía sống khỏe."
Tại huyện Cù Lao Dung, địa phương có diện tích mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh và trong Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dù còn vài tháng nữa mới bắt đầu thu hoạch nhưng các tín hiệu lạc quan của giá cả từ thị trường, thương lái và hộ dân thu hoạch mía sớm ở huyện Mỹ Tú có góp phần khích lệ để người dân tập trung chăm sóc cây trồng này để có được vụ mùa bội thu cả về năng suất lẫn giá bán.
Niên vụ mía 2015-2016, nông dân Cù Lao Dung xuống giống được hơn 7.000ha mía, rải đều tại các địa phương trên địa bàn huyện. Tại xã Đại Ân 1, địa phương có diện tích mía lớn nhất của huyện Cù Lao Dung với gần 2.000ha, thông tin giá mía tăng đã làm cho người dân nơi đây vô cùng phấn khởi.
Theo ông Mạch Ngọc Tú, Bí thư Đảng ủy xã Đại Ân 1, sau mấy năm giá mía giảm liên tục, đầu vụ người dân cũng không còn hào hứng với cây mía. Thậm chí, nhiều hộ dân cho các hộ khác thuê đất để trồng các loại cây trồng khác hoặc đào ao để nuôi tôm.
Các hộ khấm khá hơn cố gắng duy trì vì bỏ mía chẳng biết trồng cây gì. Hiện, người trồng mía trên địa bàn xã vui mừng trước tin mía được các nhà máy và thương lái mua cao hơn mọi năm từ 100-250 đồng/kg, đạt mức giá 850-900 đồng/kg cho mía đạt 10 chữ đường. Điều này có tác động rất lớn đến việc sản xuất sắp tới của người dân, kích thích họ đầu tư và gắn bó với cây mía trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Oanh ở ấp Sáu Thử xã Đại Ân 1, chia sẻ: "Người trồng mía mấy năm nay chịu nhiều thiệt thòi do giá mía bấp bênh, quá rẻ. Với nông dân sống dựa vào cây mía gặp tình trạng này như vậy chỉ có nước bán đất. Cũng may năm nay, giá mía giúp người dân yên lòng, chăm sóc cho mía tốt, đạt năng suất cao để bán được giá, trang trải nợ nần của mấy vụ trước."
Theo người dân, với mỗi công mía (1.000m2) thu được từ 12-14 tấn mía, chi phí đầu tư đã gần 7 triệu đồng. Do đó, để đảm bảo được lợi nhuận, giá mía trung bình phải từ 850 đồng/kg trở lên. Nếu như giá mía thấp, năng suất và chữ đường đạt thấp hơn thì coi như nông dân bị lỗ.
Thêm một niên vụ mía với nhiều hy vọng thành công của người dân về niên vụ 2015-2016 được dự báo là sẽ thuận lợi. Với những tín hiệu lạc quan từ giá cả, thời tiết, hy vọng người trồng mía trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng sẽ được hưởng "vị ngọt" từ một vụ mía thành công./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…