Việc Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam liên quan tới phòng dịch Covid-19, ngay sau đó, nhiều sản phẩm cây ăn quả chủ lực vùng ĐBSCL như: thanh long, mít thái đã quay đầu giảm giá, khiến người trồng không có lãi.
Giá thanh long giảm người trồng không có lãi
Tiền Giang và Long An là hai tỉnh có diện tích trồng thanh long lớn ở ĐBSCL. Tuy nhiên, gần đây giá bán mặt hàng này đã quay đầu giảm giá mạnh, chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg, trong khi mức giá để nông dân hòa vốn phải 7.000-8.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Văn Mười, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay, thương lái đang thu mua thanh long với giá chỉ 4.000-5.000 đồng/kg đối với thanh long loại 1, còn loại 2 chỉ còn 500-1.000 đồng/kg… Gia đình có khoảng 1,5 ha chuẩn bị cho thu hoạch, nghe nói Trung Quốc ngưng nhập khẩu một tháng, tình hình này chắc chắn sẽ lỗ. Năm nay, giá phân thuốc tăng quá cao, chưa nói đến lãi, để có thể hòa vốn thì thanh long ít nhất phải bán được với giá 7.000-8.000 đồng/kg…
Thanh long nhiều tỉnh ở ĐBSCL giá khiến người trồng gần như không có lãi.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An, cho hay, thanh long loại I tại kho có giá chỉ còn 15.000 đồng/kg, trong khi mức giá hồi tuần rồi là 30.000 đồng/kg. Mức giá tại vườn cũng giảm một nửa so với tuần rồi và hiện chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg đối với thanh long loại I và loại II chỉ còn 500-1.000 đồng/kg.
Theo ông Trịnh, thanh long khi qua được Trung Quốc vẫn có giá cao, nhưng do nước này hạn chế ở cửa khẩu nên hàng đi chậm, cộng với hàng trong nước còn tồn ở kho lạnh nên giá giảm… Phía Trung Quốc vừa có thông báo tạm ngưng nhập khẩu thanh long Việt Nam. Nhưng, không phải ngưng ở tất cả các cửa khẩu, đây không phải là lần đầu tiên phía Trung Quốc thực hiện việc tạm ngưng này, mà đã từng xảy ra nhiều lần do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Một thương lái cung cấp thanh long cho nhà kho Hoa Cương của Công ty TNHH trái cây Hoa Cương, huyện Châu Thành, tỉnh Long An xác nhận, nhà kho này đã có thông báo ngưng hoạt động từ ngày 31/12/2021 đến ngày 4/1/2022 và huỷ đơn hàng của các đơn vị cung cấp, dù trước đó đã thoả thuận, thống nhất giá cả. Việc thoả thuận của thương lái với nhà kho Hoa Cương chỉ là thoả thuận miệng trên tinh thần tin tưởng nhau. Nhưng, việc họ huỷ không nhận hàng, trong khi thương lái này đã đặt cọc mua từ nông dân, dẫn đến thua lỗ nhiều.
Về vấn đề này ông Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết, ngoài nhà kho Hoa Cương và một số nhà kho khác huỷ đơn hàng thì các nhà kho còn lại vẫn tiếp tục thu mua, nhưng đã giảm giá mua vào.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), thanh long là mặt hàng trái cây có sản lượng lớn nhất ở các tỉnh phía Nam, với hơn 1,3 triệu tấn năm 2021 (trên tổng số 7,1 triệu tấn của toàn vùng). Đây cũng là 1 trong 10 loại trái cây xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, cùng với xoài, chuối, mít, dừa, sầu riêng, chanh, dưa hấu, vải và chanh leo.
Giá mít giảm sâu
Ngoài thanh long, mít thái cũng là mặt hàng bị giảm giá do ảnh hưởng của việc tạm thời không nhập khẩu vào được Trung Quốc. Có hơn 1.000 cây mít (mít Thái) đang vào đợt thu hoạch, ông Phan Văn Nghĩa, ở phường Long Tuyền (Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết, giá mít đang xuống từng ngày. Việc ách tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc thời gian qua đã khiến giá mít ở vùng ĐBSCL giảm sâu. Giá bình quân hiện còn khoảng 4.000 đồng/kg trở lại (tính chung cho cả mít loại 1, loại 2 và 3). Không ngờ là giá còn 4.000 đồng/kg nhưng phải ngóng thương lái tới mua.
Anh Hải, một thương lái chuyên thu mua trái cây ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ cho rằng, việc xuất khẩu (XK) khó khăn đã khiến giá mít giảm sâu, thu mua 4.000 đồng/kg cũng đã là giá để “giữ mối” với nhà vườn làm ăn lâu dài. Hiện anh không dám thu mua với số lượng lớn vì không có đầu ra.
Giá mít thái cũng bị giảm sâu.
Tại tỉnh Tiền Giang giá mít bị rớt giá nặng. Ở huyện Cai Lậy nhà vườn bán mít giá trung bình từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng /kg, nhưng thương lái rất kén chọn. Các trái mít bị xơ đen, côn trùng làm hỏng vỏ...thương lái không thu mua. Tiền Giang là “thủ phủ” vườn cây ăn trái của cả nước với gần 80.000 ha, gồm 11 loại trái cây đặc sản. Việc đầu ra trái cây khó khăn đã ảnh hưởng đến thu nhập người dân.
Anh Huỳnh Văn Tư (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, mít loại 1 tại vườn hiện giảm còn 10.000 đồng/kg, tại vựa là 12.000 đồng/kg; còn mít loại 2 (mít kem lớn) còn 5.000 đồng/kg, mít kem nhỏ còn 3.000 đồng, còn mít bán ở chợ còn 1.000 đồng/kg. Cây mít cho thu hoạch nhiều đợt trong năm và giá lên xuống cũng thường xảy ra. Mặc dầu vậy, với giá bán hiện nay thì người trồng mít không mặn mà đầu tư cho lắm…
Khó khăn chung là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá vật tư phân bón tăng cao trong thời gian qua càng khiến người dân băn khoăn có nên tiếp tục chăm sóc cho trái vụ sau nữa hay không. Một khó khăn khác, theo các thương lái là thiếu kho bãi, bảo quản, nếu thu mua nhiều mà không đi được sẽ hư hỏng, nhiều vườn đành để chín trên cây… Nếu có vốn đầu tư kho chứa thì sẽ mua dự trữ lại, khi thông thương được sẽ đưa ra bán, sẽ mua cho bà con được giá nữa. Bây giờ mình không có dụng cụ, không có kho bãi gì, mua về để đó hư thối, một thương lái chia sẻ.
Không chỉ thanh long, mít mà nhiều mặt hàng nông sản khác ở vùng ĐBSCL cũng bị giảm giá. Anh Trần Văn Tứ (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết, gia đình anh có 2 tấn xoài Đài Loan đang tới mùa thu hoạch nhưng gọi điện mãi mà chủ vựa không đến mua. Tôi gọi nhiều chủ vựa thì họ bảo do cửa khẩu ở Lạng Sơn đang ùn ứ nên xuất đi Trung Quốc không được. Vì vậy, họ không đến hái xoài. Khoảng 2 tấn xoài vẫn còn trên cây chờ rụng, hiện giá xoài chỉ còn 5.000-6.000 đồng/kg, giảm một nửa so với cách đây 1 tuần.
Mít loại 1 tại vườn hiện giảm còn 10.000 đồng/kg
Các loại trái cây khác như: sầu riêng, xoài cát chu, dưa hấu… cũng giảm 4.000-10.000 đồng/kg. Nhiều nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang lo lắng vì họ đã chuẩn bị hàng để bán trong dịp Tết cổ truyền ở Trung Quốc nhưng tình trạng thông quan “nhỏ giọt” khiến hàng hóa ùn ứ, rớt giá thê thảm.
Do nông sản mắc kẹt ở cửa khẩu Lạng Sơn quá nhiều, giá khoai lang tại tỉnh Vĩnh Long chỉ còn 260.000-270.000 đồng/tạ (1 tạ ở đây là 60 kg), trong khi mới tuần trước giá 600.000 - 700.000 đồng. Theo ông Huỳnh Ngọc Có, Giám đốc Công ty CP Khoai lang Nhật Thành (tỉnh Vĩnh Long), từ đầu năm đến nay, khoai lang chủ yếu bán trong nước do phía Trung Quốc đòi hỏi phải xuất khẩu chính ngạch, có truy xuất nguồn gốc.
Cần những giải pháp dài hạn
Liên quan việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nói chung và thanh long nói riêng gặp khó khăn, Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho rằng, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, có giải pháp căn cơ để xử lý dứt điểm tình trạng này. Trong khi đó, các doanh nghiệp, nhà kho cũng cần mở rộng đầu tư hệ thống bảo quản để chủ động ứng phó rủi ro khi có biến động ở thị trường tỉ dân này.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ có Thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến về việc tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc.
Về giải pháp trước mắt, Phó thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu là giải phóng trong thời gian sớm nhất hơn 5.000 xe hàng hóa xuất khẩu đang ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới trên địa bàn 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh. Đồng thời, giao Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các địa phương tỉnh biên giới phía Bắc tiếp tục làm việc, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương, cơ quan chức năng phía Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi tăng thời gian thông quan và lượng hàng hóa thông quan.
Giao Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và các tỉnh có cửa khẩu đánh giá tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn, quyết định điều phối và thông báo cho các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp trên cả nước, trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tạm dừng hoặc cho phép tiếp tục đưa hàng hóa lên cửa khẩu biên giới; bảo đảm không để ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, các Bộ: Tài chính (Tổng cục Hải quan), Công Thương, Ngoại giao phối hợp với các tỉnh biên giới và cơ quan liên quan khẩn trương tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hàng hóa từ phía cửa khẩu biên giới phía Trung Quốc sớm nhập khẩu về Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ Y tế, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và các địa phương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng “vùng xanh”, “luồng xanh” ở khu vực cửa khẩu biên giới (vùng an toàn dịch bệnh) với quy trình, tiêu chuẩn phòng, chống dịch hài hòa với phía Trung Quốc.
Về giải pháp lâu dài, Phó thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố sản xuất nông sản phối hợp với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo người dân, doanh nghiệp sản xuất theo nhu cầu thị trường, bảo đảm đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc để chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch đối với hàng nông sản.
Cùng đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng để tăng số lượng trái cây được chính thức xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, đẩy nhanh đàm phán nghị định thư với Trung Quốc để giảm tỷ lệ nông sản Việt Nam phải kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc. Ngoài ra, các địa phương biên giới phía bắc chú trọng đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, kho bãi, bố trí địa điểm tập kết hàng hóa và phương tiện không quá gần cửa khẩu để hạn chế ùn tắc, kiểm soát, kiểm dịch từ xa…
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.