Thời điểm hiện tại, giá lợn hơi tại thị trường miền Nam dao động từ 27.000-28.000 đồng/kg, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2016. Theo tính toán, nếu chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp, với mức giá đó, mỗi con lợn có trọng lượng khoảng 100 kg, người chăn nuôi sẽ lỗ từ 700.000-800.000 đồng.
Do đó, nhiều hộ ở tỉnh Long An đã quyết định dừng chăn nuôi dù trước đó đã đầu tư chi phí khá lớn cho việc xây dựng chuồng trại. Những hộ vẫn tiếp tục chăn nuôi thì chỉ cố gắng cầm cự để chuồng trại khỏi bỏ trống và hy vọng thị trường sẽ tốt lên.
Những năm trước, gia đình anh Nguyễn Hữu Dự, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ thường nuôi trên 100 con lợn nhưng lúc này phải giảm số lượng xuống còn 80 con. Bán hết đợt này, gia đình anh tiếp tục giảm đàn chứ không thể mở rộng thêm vì mức giá quá thấp, nuôi nhiều sẽ phải chịu lỗ nhiều.
Theo anh Dự, những năm trước, nuôi lợn đến mỗi đợt xuất chuồng, anh thu được vài chục triệu tiền lãi. Còn năm nay, đợt nào anh cũng phải bỏ tiền ra để bù lỗ.
Cùng chung cảnh ngộ, gia đình bà Trần Thị Kim Phượng, xã Nhơn Thạnh Trung, thành phố Tân An thường nuôi trên 200 con lợn mỗi đợt. Tuy nhiên, năm qua, gia đình bà liên tục bị lỗ hàng trăm triệu đồng từ nuôi lợn vì giá quá thấp.
Bà Phượng tính toán,chưa có năm nào giá lợn thấp như năm nay, nhất là đợt giảm sâu kỷ lục đầu năm. Sau đợt đó, nhiều người lỗ nặng nên không có vốn để tái đàn, người nào tái đàn thì cũng chỉ cầm chừng. Từ đó đến nay, giá cả lên xuống thất thường nhưng vẫn ở mức thấp nên gia đình không những không dám mở rộng chăn nuôi mà phải giảm đàn xuống rất nhiều.
Nếu mức giá lợn hơi ổn định khoảng 35.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới hòa vốn hoặc có lãi, từ đó mới dám tái đàn để chăn nuôi. Còn giá như hiện tại thì càng nuôi càng lỗ, nuôi ít lỗ ít, nuôi nhiều lỗ nhiều.
Ông Phan Ngọc Châu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Long An cho biết năm 2017, có thời điểm giá lợn đạt mức gần 40.000 đồng/kg nhưng chỉ trong thời gian ngắn, còn lại luôn nằm ở mức thấp; có đợt giảm sâu xuống mức 22.000-23.000 đồng/kg.
Ngành chức năng của tỉnh phải thực hiện nhiều biện pháp để “giải cứu” đàn lợn nhằm giảm bớt phần nào thiệt hại cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, với mức giá của thị trường như vậy thì các hộ chăn nuôi vẫn liên tục phải chịu lỗ nhiều đợt.
Thời điểm cận Tết những năm trước, người chăn nuôi thường tăng đàn khoảng 30% để phục vụ nhu cầu của thị trường. Nhưng năm nay, tình hình chăn nuôi khá ảm đạm. Ngoài các trang trại lớn của các doanh nghiệp thì người chăn nuôi phần lớn không dám tăng đàn, nhất là những hộ không nuôi lợn nái mà phải mua lợn giống về nuôi.
Hiện tổng đàn lợn của tỉnh Long An có gần 230.000 con, giảm khá nhiều so với các năm trước; trong số đó, phần lớn là chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, số trang trại chăn nuôi quy mô lớn trong tỉnh rất ít. Việc tiêu thụ phần lớn phụ thuộc vào các thương lái nên giá cả bấp bênh, không ổn định.
Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, ngành nông nghiệp Long An sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn, theo hướng an toàn (VietGahp, Gahp) đồng thời, tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng, phù hợp với thị trường; vận động các cơ sở chăn nuôi tham gia vào chuỗi liên kết, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định để nâng cao giá trị chăn nuôi.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động phối hợp với các trạm thú ý nghi ngờ có dịch bệnh để kịp thời xử lý, tránh lây lan rộng nhằm tránh tình trạng lỗ chồng lỗ./.