Kết hợp tưới nhỏ giọt với bón phân hòa tan, hàng chục hecta cà phê ở Lâm Đồng đã và đang tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng năng suất đáng kể qua từng niên vụ. Ngành nông nghiệp Lâm Đồng đang khuyến khích mở rộng giải pháp “2 trong 1” này.
Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân cho cây cà phê, chi phí đầu tư mỗi vụ giảm gần 60%.
Mỗi vụ cà phê giảm 60% chi phí đầu tư
Theo Công ty cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh, phương pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel trên cây cà phê ở Lâm Đồng được công ty này bắt đầu triển khai từ năm 2010 trên diện tích khoảng 8ha. Đến nay, qua 7 năm hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật phù hợp với từng địa hình canh tác cà phê trên địa bàn Lâm Đồng, Khang Thịnh đã lắp đặt và chuyển giao cho nông dân sử dụng dây chuyền tưới nước tiết kiệm kết hợp với bón phân nhỏ giọt với tổng diện tích khoảng 40ha.
Kết quả qua mỗi vụ cà phê, so với phương pháp hòa tan phân bón tưới tràn lên bồn cây, hoặc rải phân đều xung quanh gốc trước lúc trời mưa xuống, nhiều gia đình áp dụng phương pháp tưới “2 trong 1” đã giảm đến 60% chi phí đầu tư phân bón, nhân công, nhiên liệu, đồng thời tăng thêm 20% năng suất thu hoạch. “Sau một thời điểm hấp thu nước tưới phân nhỏ giọt, hình thái rễ tơ, rễ cám… của cây cà phê ở Lâm Đồng phát triển tích cực, tỷ lệ bung hoa đậu quả khá cao”, báo cáo của Công ty Cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh cho biết.
Tiêu biểu như gia đình ông Lê Thân ở xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, sau 2 năm sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân trên cây cà phê, hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Cụ thể, trên diện tích 1 hecta cà phê, ông Thân đầu tư trọn gói 55 triệu đồng để Khang Thịnh lắp đặt và vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt hòa tan với lượng phân bón phù hợp theo mỗi thời điểm khác nhau, cung cấp đủ dưỡng chất đến từng bộ rễ cây cà phê. Hạch toán trong niên vụ 2016- 2017 với 1ha cà phê của gia đình ông Lê Thân thấy: Tổng chi phí tưới phân nhỏ giọt hơn 15 triệu đồng, trong khi tổng chi phí tưới truyền thống hơn 37 triệu đồng, giảm gần 60% chi phí.
Như vậy, chỉ cần cộng khoản chi phí tiết kiệm từ tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân hơn 2 mùa cà phê, ông Thân đã thu hồi đủ nguồn vốn đầu tư vận hành thiết bị “2 trong 1” ban đầu. Đáng nói là, tuổi thọ của hệ thống này sử dụng đúng theo kỹ thuật có thể kéo dài 15 - 20 năm, tương đương vòng đời cho năng suất ổn định của cây cà phê.
Nhân rộng giải pháp
Qua khảo sát, tổng hợp hiệu quả sử dụng công nghệ Israel tiết kiệm nước từ trong thực tế sản xuất, ngày 07/12/2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành quy trình tạm thời hướng dẫn tưới nhỏ giọt cho cây cà phê vối trong thời kỳ kinh doanh trên địa bàn Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng.
Theo đó, hàng năm có 5 thời điểm tưới “2 trong 1” cho cây cà phê, thời gian giữa các lần tưới nuôi quả là 10 ngày; tưới bung hoa lần 2 cách lần đầu 15- 20 ngày. Đó là thứ tự các thời điểm tưới nhỏ giọt gồm: Thứ nhất, tưới bung hoa lần đầu trong tháng 2. Thứ hai, tưới bung hoa lần 2 trong nửa đầu tháng 3. Thứ ba, tưới nuôi quả xanh mùa khô từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4. Thứ tư, tưới nuôi quả xanh mùa mưa từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 10. Thứ 5, tưới nuôi quả chín từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11. Riêng giai đoạn phân hóa mầm hoa từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 2 năm sau, không được tưới. Cộng chung mỗi vụ cà phê, tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân từ 15 - 18 lần, tổng lượng nước tưới từ 900- 1.200m³/ha.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đánh giá: “Mô hình tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân hợp lý trên cây cà phê đã từng bước thay đổi tập quán tưới nước của nông dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đất và nước”.
Công ty Cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh đề xuất cần quy hoạch những khu vực sản xuất cà phê ở Lâm Đồng có điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo để lắp đặt hệ thống, nhân rộng ngày càng nhiều mô hình tưới nhỏ giọt, góp phần nâng cao hơn nữa thu nhập cho người trồng cà phê, tiết kiệm nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp.
Văn Việt
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…