Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 4 năm 2021 | 15:34

Giải pháp để logistics nâng cao năng lực cạnh tranh

Để logistics đóng góp tích cực vào cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng, ngoài vấn đề về cơ chế, chính sách, kết cấu hạ tầng, cần sự nỗ lực của các ngành,..

t11.jpg
Chi phí logistics ngành nông sản khá cao. Trong ảnh chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH South Vina (Trà Nóc - Cần Thơ). Ảnh: T.HÀ

 

Để logistics đóng góp tích cực vào cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng, ngoài vấn đề về cơ chế, chính sách, kết cấu hạ tầng, cần sự nỗ lực của các ngành, các cấp có liên quan, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá thành.

Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Quốc Phương, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) tại hội thảo “Phát triển thị trường logistics cho doanh nghiệp” vừa được tổ chức mới đây.

Vừa yếu, vừa thiếu

Logistics hiểu đơn giản là dịch vụ vận chuyển, cung ứng hàng hóa theo phương thức tối ưu từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Dịch vụ logistics là thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao

Theo thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), hiện nay 95% số doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về sân chơi.

“Quy mô doanh nghiệp hạn chế là một trong những rào cản khi cung cấp chuỗi dịch vụ logistics hiệu quả, cạnh trạnh ngay cả trên thị trường nội địa, chứ chưa nói trên khu vực và thế giới”, ông Đỗ Xuân Quang, Phó chủ tịch Thường trực VLA nhận xét.

Bên cạnh đó, theo ông Quang, thói quen kinh doanh làm doanh nghiệp Việt mất đi lợi thế ngay chính trên “sân nhà”. Bởi hiện nay, Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công nên giá trị thực tế không cao, giá trị thu được chỉ khoảng 10% mỗi đơn hàng. Khi xuất khẩu, ta giao hàng đến mạn tàu (giá FOB), phía bạn hàng chỉ định hãng tàu và trả tiền vận chuyển. Chính vì vậy, xuất khẩu của Việt Nam dù có nhiều bao nhiêu thì đa số việc vận chuyển đều rơi vào tay những tập đoàn vận chuyển đa quốc gia.

Thống kê của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho thấy, tổng nhu cầu hàng hóa vận chuyển các mặt hàng gạo, thủy sản và trái cây thuộc ngành hàng xuất khẩu trong khu vực ĐBSCL khoảng 17 - 18 triệu tấn/năm. Do chưa phát triển dịch vụ logistics kết nối vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu nên khoảng 70% hàng hóa xuất khẩu vẫn phải chuyển về các cảng ở TP. Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu) bằng đường bộ, khiến các doanh nghiệp phải chịu chi phí vận tải cao hơn từ 10 - 40%, tùy theo tuyến đường.

Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chuỗi cung ứng logistics còn phân tán và manh mún, thiếu các trung tâm logistics đáp ứng toàn diện nhu cầu xuất khẩu. Đồng thời, hệ thống cảng biển tại ĐBSCL còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cộng với việc chi phí lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng dẫn đến nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, xuất khẩu nông sản bị kìm hãm bởi gánh nặng logistics.

Cùng với đó, ĐBSCL còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh; thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn… Do đó, hàng hóa phải vận chuyển qua nhiều địa điểm, đưa lên TP. Hồ Chí Minh để xuất đi các nước.

 Nông sản giảm sức cạnh tranh 

Do những điểm hạn chế nói trên mà nông sản khu vực ĐBSCL đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, trong đó có gánh nặng về chi phí logistics. Theo đánh giá của các chuyên gia và nhà khoa học, chi phí logistics hiện tại đang chiếm đến 30% giá thành sản phẩm, trong khi của Thái Lan là hơn 12%, của thế giới là hơn 14%, điều này khiến cho nông sản ĐBSCL giảm sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp cũng như người nông dân đạt thấp.

Ông Chu Văn An, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho rằng, nếu có dịch vụ tiếp vận hậu cần hợp lý, hàng hóa có thể xuất khẩu trực tiếp từ ĐBSCL không phải đưa lên TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được khoảng 30-40% chi phí. Khi đó, tính cạnh tranh của các mặt hàng nông sản cũng sẽ cao hơn.

Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết, chỉ riêng thị trường Mỹ, cước vận chuyển trái cây tươi hiện ở mức 6-6,2 USD/kg, tăng gấp đôi so với trước đó. Chi phí logistics đang gặp nhiều khó khăn do tăng gấp đôi, tạo điểm nghẽn cho việc xuất khẩu trái cây tươi. Sản lượng trái cây tươi đang có xu hướng giảm dần ở một số thị trường do đi bằng đường hàng không, giá cao.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng, hoạt động logistics phụ thuộc rất lớn vào cơ sở hạ tầng, nếu không có cơ sở hạ tầng thì logictics không thể hoạt động được. Trong khi yếu tố này ở nước ta, đặc biệt là ở những vùng sản xuất nguyên liệu, nhất là ở ĐBSCL - vựa trái cây, vựa thủy sản vùng nông thôn, còn rất thiếu và yếu, sản phẩm thu hoạch xong không được xử lý kịp thời. Chi phí logisctics rất cao trong khi doanh nghiệp chỉ đủ khả năng để đầu tư nhà máy, kho bãi…

Đâu là giải pháp?

Trước những khó khăn trên, nhiều doanh nghiệp, HTX, người nông dân và nhà nhập khẩu mong muốn lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL, các chuyên gia và Chính phủ cần tìm giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề logistics. Đặc biệt, là kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho nông sản, từ canh tác - thu hoạch - thu mua - vận chuyển - làm sạch - lưu trữ cho đến thông quan - xuất khẩu. Từ đó giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho nông sản.

 

t11a.jpg

Cảng Hậu Giang (VIMC Hậu Giang) đang trông chờ kênh Quan Chánh Bố sớm hoàn thiện để đón tàu có trọng tải lớn cập cảng.

 

Ông Võ Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang (VIMC Hậu Giang), kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện, duy tu kênh Quan Chánh Bố, đảm bảo cho tàu biển có trọng tải lớn vào các bến cảng biển trên sông Hậu (10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải). Đây là vấn đề “sinh tử” đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics vùng ĐBSCL.

Đồng thời, mở rộng, nạo vét kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) trên tuyến thủy lộ quốc gia, huyết mạch nối TP. Hồ Chí Minh, Long An với các tỉnh Tây Nam Bộ, đảm bảo cho các loại sà lan trọng tải trên 3.000 tấn hoặc sà lan chở trên 120Teus lưu thông thuận lợi hai chiều không phụ thuộc vào con nước. Từ đó, rút ngắn thời gian vận tải cũng như chi phí vận tải cho hàng hóa.

Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, để giúp kinh tế vùng ĐBSCL phát triển nhanh hơn bằng lợi thế vốn có, cần sớm đưa ra các phương án, chính sách và mô hình hiệu quả, kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho nông sản Việt Nam từ sản xuất - thu hoạch cho đến thông quan - xuất khẩu, hướng tới tối ưu hóa chi phí logistics, tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản, tạo đầu ra bền vững cho nông dân.

“Để đạt đến kỳ vọng này, cần sự chung tay của tất cả các bộ, ngành, địa phương, trong đó, phải đặc biệt quan tâm cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, tạo cú huých cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics phát triển, đặc biệt là logistics nông sản”, ông Thanh cho biết thêm.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết, điểm yếu “cốt tử” của ĐBSCL là hạ tầng giao thông. Là vùng trọng điểm nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia và xuất khẩu nhưng đầu tư cho giao thông chưa tương xứng, đây vẫn là vùng “trũng” của cả nước. “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi, nhưng vẫn phải nói”.

ĐBSCL là vựa lúa, thủy sản và trái cây lớn của cả nước; hàng năm đóng góp một lượng lớn hàng nông sản xuất khẩu. Do hệ thống logistics còn yếu và thiếu, đặc biệt là thiếu các trung tâm logistics trọng điểm mang tầm cỡ liên kết vùng nên xuất khẩu gặp khó. Để tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nông sản Việt đủ sức cạnh tranh về giá thì các tỉnh trong khu vực, Chính phủ cần có sự quan tâm, đầu tư theo chiều sâu, mang tính chiến lược dài hạn.

Tiềm năng phát triển

Phát biểu tại hội thảo “Phát triển thị trường logistics cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, dịch vụ logistics là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn, đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng.

“Việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sẽ thúc đẩy sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo dựng niềm tin giữa các doanh nghiệp. Đồng thời hình thành mạng lưới các doanh nghiệp lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp”, ông Khánh nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, thời gian qua, sự phát triển chóng mặt của thương mại điện tử đã và đang khiến thói quen tiêu dùng thay đổi từ mua bán truyền thống sang mua hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, nền kinh tế mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng với hơn 500 tỷ USD xuất nhập khẩu mỗi năm (theo tính toán, kim ngạch xuất -nhập khẩu của nước ta năm 2021 đạt trên 600 tỷ USD); quy mô vận tải hàng hóa đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt đều rất lớn - đây là mảnh đất màu mỡ để các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics có thể tìm kiếm cơ hội.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 và thương mại điện tử, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics và khởi nghiệp (startup) đã ứng dụng công nghệ giúp thay đổi ngành logistics lên một tầm cao mới, đồng thời, giúp chủ hàng giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, người tiêu dùng được hưởng lợi.

Nhiều doanh nghiệp cho hay, năm 2020 được đánh giá là một trong những năm khó khăn cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực logistics nói riêng, thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.

Trong khi một số nơi, các hoạt động logistics bị ngưng trệ vì dịch bệnh, một số phân khúc khác như logistics phục vụ thương mại điện tử lại trở nên quá tải vì số lượng người mua hàng và đơn giao hàng tại nhà tăng đột biến.

Tuy nhiên, theo báo cáo của ResearchAndMmarket.com, quy mô thị trường logistics toàn cầu ước đạt 3.215 tỉ USD vào năm 2021, tăng 17,6% so với năm 2020. Điều này cho thấy ngành logistics vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn.

Giám đốc bộ phận vận chuyển Lazada Việt Nam Ngô Thị Trúc Anh cho rằng, để dịch vụ logistics phát triển, rất cần sự đầu tư công nghệ của doanh nghiệp vào hạ tầng logistics, “số hóa” các khâu từ giao hàng đến thanh toán... để việc giao hàng nhanh chóng nhất có thể.

“Để nâng sức cạnh tranh, việc chuyển đổi số là rất quan trọng và các doanh nghiệp Việt Nam từ doanh nghiệp sản xuất đến các doanh nghiệp vận chuyển, logistics cần phải nỗ lực số hóa để đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh hiện nay”, bà Ngô Thị Trúc Anh nói.

Đại diện chuỗi cung ứng SmartLog cho hay, hiện nay hầu hết doanh nghiệp logistics Việt Nam đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài những nỗ lực chuyển đổi số trong bản thân mỗi doanh nghiệp thì cũng nên cùng nhau bắt tay hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm.

“Để cùng nhau phát triển thành những doanh nghiệp lớn trong tương lai, chúng ta nên hợp tác, bắt tay cùng nhau làm việc. Bởi muốn đi thật xa không thể đi một mình, mà phải đi cùng nhau”, đại diện chuỗi cung ứng trên nhấn mạnh.

 

Cả nước hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp chuyên nghiệp, trong đó các doanh nghiệp  logistics đa quốc gia hàng đầu trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam.

Quy mô thị trường dịch vụ logistics Việt Nam tuy nhỏ (khoảng 2-4% GDP), nhưng tốc độ tăng trưởng rất cao, ước tăng 20-25%/năm.

 

 


 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top