KTNT - Hiện, Tây Nguyên đang bước vào mùa trồng các loại cây ăn trái, nhìn chung vụ mùa năm nay, các loại cây giống đều bán chạy hơn các năm trước, đặc biệt phải kể đến giống mít Thái siêu sớm đang “cháy” hàng.
Hiện nay, giống mít Thái siêu sớm tại Đắk Lắk có giá rất cao nhưng vẫn khan hiếm.
Thông tin này được hầu hết các chủ cơ sở sản xuất, cung cấp cây giống nơi đây xác nhận. Sở dĩ giống mít Thái siêu sớm đang khan hiếm bởi nhu cầu về loại cây giống này năm nay tăng đột biến.
Theo khảo sát của chúng tôi, giá giống mít Thái siêu sớm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm nay tăng khá cao, đạt 40.000 - 45.000 đồng/cây, tăng gấp 3 lần so với những năm trước (mùa vụ 2016, giá giống mít Thái siêu sớm chỉ 12.000 - 15.000 đồng/cây).
Chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Đức Thắng, chủ cơ sở cung cấp cây giống ở đường Phạm Văn Đồng, TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Năm nay do nhu cầu trồng giống mít Thái siêu sớm tăng cao nên giá loại cây này cao lắm. Nếu như năm trước, chúng tôi bán với giá 12.000 đồng/cây thì năm nay phải nhập về với giá rất cao (35.000 đồng/cây) nên bán ra với giá tới 45.000 đồng/cây. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cơ sở chúng tôi đã không còn loại giống này để bán”.
Không chỉ cơ sở bán cây giống của anh Thắng “cháy” giống mít Thái siêu sớm này mà theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các cơ sở kinh doanh, sản xuất cây giống trên địa bàn Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung đã hết loại cây này.
Tình trạng khan hiếm giống mít Thái siêu sớm như hiện nay theo một số chuyên gia đó là do nhu cầu về loại giống mít này quá lớn. Bởi hiện nay, mít Thái siêu sớm đang rất được giá trên thị trường (thương lái thu mua 30.000 – 35.000 đồng/kg) nên nông dân thi nhau trồng.
Tuy nhiên, một số nhà chuyên môn cũng đã cảnh báo nông dân không nên trồng mít Thái siêu sớm theo phong trào, bởi việc đổ xô trồng loại cây này có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu như một số cây trồng khác trước đây, sau đó phải đốn bỏ. Do vậy, bà con cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn cơ cấu cây trồng hợp lý cho mình.
Bá Thăng
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.