Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 9 tháng 6 năm 2018 | 22:16

Giống và vốn là điều kiện tiên quyết tái canh cây cà phê

Bên cạnh sự hỗ trợ của địa phương, sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật thì giống và vốn là vô cùng quan trọng, quyết định sự thành bại của quá trình tái canh vườn cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên... Theo đó, rất cần những "bà đỡ" cho hai khâu cốt lõi này.

c-phe142644978
Cà phê tái canh

Giống: Đã có nguồn tin cậy

Theo TS.Phan Việt Hà, Phó viện trưởng Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên: Hiện tại, Viện đã có trên 11 giống cà phê vối, 5 giống cà phê chè được công nhận phổ biến cho sản xuất ở Việt Nam. Ngoài ra, các tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Nông cũng công nhận một số cây đầu dòng có đặc tính tốt để phổ biến trồng tại các địa phương đó.

TS.Hà khuyến cáo: Các vấn đề về giống khi tái canh bao gồm giống không đảm bảo chất lượng: Giống không được khảo nghiệm công nhận, giống do dân tự chọn tại vườn nhà, tự ươm, hay mua tại các cơ sở sản xuất cây giống không đảm bảo (nguồn giống không tốt, không có vườn sản xuất chồi giống, hạt giống đạt chuẩn về mặt khoa học).

Giống không phù hợp: Ngoài các giống của Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã được khảo nghiệm đại trà ở các vùng trồng cà phê chính của Việt Nam, chứng tỏ khả năng thích nghi rộng với điều kiện sinh thái và tập quán canh tác, thì các giống đầu dòng của các địa phương như Lâm Đồng, Đắk Nông chỉ mới chứng tỏ là phù hợp với điều kiện sinh thái, tập quán canh tác của địa phương đó. Vì vậy, nên cẩn trọng khi phát triển ồ ạt các giống này ở các địa phương khác.

Bà con cũng nên chú ý đến chất lượng cây giống, bầu giống: Cây giống phải đảm bảo theo tiêu chuẩn, theo quy định để đảm bảo sự thành công (chiều cao, số lá, cành...). Ngoài ra, nếu mua cây giống không đảm bảo về mặt sạch sâu bệnh hại (tuyến trùng và nấm có nhiều trong đất ươm bầu) thì sẽ là một nguyên nhân làm cho vườn cà phê tái canh không thành công.

Theo đó, để có được cây giống chất lượng phục vụ tái canh, xét trên điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác cà phê tại Gia Lai, Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên khuyến cáo bà con có thể tham khảo và sử dụng các giống cà phê như giống cà phê thực sinh TRS1, giống cà phê ghép TR4, TR9 hay TR11...

Đây là những giống cà phê có khả năng sinh trưởng khỏe, phát cành thứ cấp mạnh, có khả năng kháng bệnh gỉ sắt rất cao. Năng suất của các giống này có thể đạt 6-7 tấn cà phê nhân/ha với tỷ lệ hạt R1>80. Lưu ý nên mua cây giống tại các cơ sở sản xuất giống được cấp phép và uy tín. Nếu trồng giống ghép thì nên trồng tối thiểu 2 giống trong một vườn để có thể cho năng suất cao nhất.  

 

Vốn: 'Bà đỡ' Agribank

Theo kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai (ban hành theo Quyết định số 587/QĐ-UBND ngày 5/9/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai), diện tích trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 là 13.660 ha (tái canh 13.610 ha, ghép cải tạo 50 ha). TP.Pleiku và 9 huyện có trồng cà phê thực hiện chương trình này. Theo đó, tổng nhu cầu vốn vay để thực hiện chương trình là 2.045,5 tỷ đồng.

Ông Phan Tiến Thu, Giám đốc Agribank Chi nhánh Đông Gia Lai, cho biết: Triển khai cho vay tái canh cà phê giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Gia Lai theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), UBND tỉnh và các quy định về cho vay tái canh cà phê của Agribank, Chi nhánh Đông Gia Lai đã chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc, phối hợp với địa phương có nằm trong kế hoạch tái canh để tuyên truyền, triển khai chính sách cho vay tái canh từ nguồn tái cấp vốn của NHNN đến các hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn. Thực hiện niêm yết công khai bảng tóm tắt quy định cho vay tái canh cà phê, lịch nông vụ, lịch giải ngân tại trụ sở chi nhánh xã, phường, thị trấn.

Mức cho vay do Agribank nơi cho vay và khách hàng thỏa thuận, dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật và nhu cầu vốn hợp lý. Mức cho vay được hưởng ưu đãi lãi suất tối đa là 150 triệu đồng/ha đối với trồng tái canh, 80 triệu đồng/ha đối với ghép cải tạo.

Lãi suất cho vay trong thời gian ân hạn do NHNN công bố hàng năm, nhưng không vượt quá 7%/năm (lãi suất hiện tại là 6,5%/năm). Lãi suất cho vay sau thời gian ân hạn do NHNN công bố hàng năm, cộng biên độ 2,5%/năm.

Cũng theo ông Thu thì đến thời điểm hiện tại, Chi nhánh đã chấp thuận cho vay có điều kiện với 159 khách hàng (diện tích 437 ha), số tiền cam kết cho vay là 72 tỷ đồng. Dư nợ cho vay tái canh cây cà phê là 30 tỷ đồng đối với 99 khách hàng (diện tích 422 ha). Trong đó, khách hàng là doanh nghiệp: 23,5 tỷ đồng cho 2 khách hàng (331 ha); khách hàng là cá nhân, hộ gia đình: 6,5 tỷ đồng cho 97 khách hàng (91 ha).

Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV (Sở NN-PTNT Gia Lai) cho biết: Đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã thực hiện tái canh được 8.195 ha (60% kế hoạch đề ra đến năm 2020). Dự kiến đến cuối năm 2018, Gia Lai sẽ thực hiện tái canh cà phê đạt 11.000 ha.

Theo ông Uyển thì chất lượng cây giống là hoàn toàn yên tâm, tuy nhiên về nguồn vốn, do thủ tục vay vốn chặt chẽ nên số hộ tiếp cận được nguồn vốn để tái canh cà phê là chưa nhiều.

Ý kiến bạn đọc
Top