Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 7 tháng 12 năm 2024  
Thứ tư, ngày 22 tháng 9 năm 2021 | 17:48

Gỡ thẻ vàng IUU, liệu kết quả có như đích hẹn?

Mặc dù nhiều nỗ lực, nhưng mốc thời hạn đến hết năm 2021 phải gỡ được "thẻ vàng" khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là rất thách thức. Liệu kết quả có đạt được như đích hẹn?

5-1.jpg
Khai thác thủy sản bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc.

 

Hành trình gian nan

Sau gần 4 năm Việt Nam triển khai thực hiện chống khai thác hải sản IUU, phía EC đánh giá cao, ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản IUU.

Đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành của cấp Trung ương với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản IUU và công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

EC khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng; ghi nhận và đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên về kết quả triển khai chống khai thác hải sản IUU...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu cho nhiệm vụ chống khai thác IUU như: Chưa ngăn chặn, chấm dứt được tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bến Tre, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang chưa có chuyển biến; chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong đó các địa phương có tỷ lệ lắp đặt thiết bị VMS còn thấp như Quảng Trị, Trà Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Ninh...

Ngoài ra, công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác hải sản IUU còn rất thấp. Việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng, nhiều địa phương tổ chức thực hiện chưa nghiêm, còn mang tính chất đối phó.

Việc triển khai Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng còn chậm; mới chỉ tập trung làm tốt công tác kiểm dịch; việc thanh kiểm tra theo quy định của Hiệp định để đảm bảo việc kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam là sản phẩm hợp pháp chưa đáp ứng yêu cầu...

Ông Lê Ngọc Linh - Chi cục trưởng Chi cục thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Bình), cho biết: “4 năm nay cả hệ thống cùng vào cuộc để thực hiện các khuyến nghị về khai thác thủy sản IUU, nhưng nghề cá của Việt Nam có xuất phát điểm thấp, quản lý và sự hiểu biết của bà con cũng hạn chế nên so với yêu cầu của Ủy ban Châu Âu (EC) thì khó khăn lắm mới đạt được. Chúng tôi vừa tuyên truyền, động viên, vừa kiểm tra, xử phạt mà kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu”

Từ năm 2020 đến nay, Quảng Bình có 677 lượt tàu cá vượt ranh giới qua vùng biển, đã xác minh được 63 tàu cá, kết quả chủ tàu thừa nhận do đang trên đường di chuyển ngư trường, hoặc trôi dạt vượt qua ranh giới, không có hoạt động khai thác thủy sản, còn 13 tàu cá chưa xác minh. Địa phương đã tuyên truyền, vận động ngư dân ký cam kết không vi phạm.

Việc thực hiện đối chiếu thông tin VMS (thiết bị giám sát hành trình) khi tàu cá cập cảng để bốc dỡ thủy sản, khi tàu cá ra, vào cảng còn hạn chế, chủ yếu thực hiện đối chiếu với nội dung ghi trong nhật ký khai thác, hồ sơ tàu cá do ngư dân cung cấp và số liệu cung cấp từ chủ thu mua, vựa. Vì vậy, chưa đảm bảo độ tin cậy trong kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng.

Mặc dù được Bộ NN-PTNT đánh giá cao trong triển khai công tác IUU, nhưng ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cũng chưa hài lòng về kết quả bởi trong 8 tháng năm 2021, Bình Định vẫn có 16 tàu với 97 thuyền viên bị các nước trong khu vực bắt giữ.

Điều khó khăn cho công tác quản lý là toàn bộ các tàu cá vi phạm đều xuất bến ngoài tỉnh (tại Vũng Tàu: 15 tàu, Bình Thuận:1 tàu). UBND tỉnh Bình Định đã giao Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tiến hành xác minh, củng cố hồ sơ xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.

“Hiện nay, Bình Định có 100% tàu trên 15m đi khai thác đã lắp đặt xong thiết bị VMS. Sở NN-PTNT tỉnh đã tiến hành thu hồi giấy phép khai thác thủy sản của tất cả các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt” – ông Trần Văn Phúc cho biết.

Ông Lư Tấn Hòa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cũng thừa nhận: Bên cạnh những mặt làm được trong kiểm tra, giám sát, việc khắc phục "thẻ vàng" IUU tại Sóc Trăng vẫn còn một số tồn tại như: Việc ghi chép nhật ký khai thác hải sản trên biển còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế; vẫn còn tình trạng các chủ tàu cá chưa nộp hoặc nộp trễ nhật ký khai thác thủy sản...

Mốc thời gian thách thức

Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cảnh báo: Khi bị “thẻ vàng”, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường EU. Nếu không giải quyết được các vấn đề IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”, tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

 

ee.jpg
Tăng cường đầu tư và quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá.

 

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, từ năm 2020 đến nay, do dịch bệnh COVID-19, EC không thể sang Việt Nam kiểm tra thực tế, tuy nhiên kết quả thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của EC thường xuyên được Bộ NN-PTNT cập nhật, báo cáo EC. Hằng năm, Bộ NN-PTNT tổ chức trên 10 đoàn công tác đi kiểm tra tại 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Sau 2 lần sang Việt Nam kiểm tra, EC đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Tuy nhiên, vẫn chưa ngăn chặn, chấm dứt được tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang...

Bộ NN-PTNT đề nghị các bộ, ngành và địa phương cùng phối hợp hỗ trợ để việc tháo gỡ "thẻ vàng" IUU được nhanh chóng thực hiện, đảm bảo đúng yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đã giao, dù mốc thời gian đến hết năm 2021 là thách thức rất lớn.

Ngư dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể gỡ bỏ “thẻ vàng IUU”

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đến hết năm 2021 chúng ta phải chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định để EC gỡ “thẻ vàng IUU”.

Đây không chỉ vì lợi ích riêng của Việt Nam mà vì bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản chung của khu vực và quốc tế, khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng thống nhất với các đề xuất, giải pháp mà các đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã nêu; đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là 28 tỉnh, thành phố, 136 huyện, thị xã và 675 xã, phường, thị trấn có biển phải khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Trong đó các bộ, ngành và Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản IUU phối hợp, hoạt động quyết liệt, mạnh mẽ, thường xuyên hơn nữa; phân cấp, phân quyền rõ ràng, cụ thể.

Trên cơ sở đó triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, quy định của Đảng, Nhà nước về chống khai thác hải sản IUU.

Các ngành, địa phương phải triển khai, quán triệt các chỉ đạo, quy định đến tận người dân; thực hiện nghiêm quản lý Nhà nước, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, đúng đối tượng; tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân hiệu quả, thiết thực để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm”; góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách về chống khai thác hải sản IUU; thúc đẩy và huy động các nguồn lực vào phát triển hạ tầng thủy sản…

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành như: Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành và địa phương kiểm soát chặt chẽ tàu cá để phát hiện, ngăn chặn xử lý nếu có vi phạm.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất ranh giới cho phép tàu cá hoạt động khai thác hải sản tại các khu vực vùng biển chồng lấn; nắm tình hình tại các nước bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam; trao đổi với cơ quan chức năng xử phạt nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời đấu tranh, bảo vệ lợi ích, quyền lợi chính đáng của ngư dân ta.

Bộ Công an chỉ đạo tập trung điều tra, củng cố hồ sơ, xử lý dứt điểm các đường dây môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chống khai thác hải sản IUU ở cơ sở; thúc đẩy đầu tư hạ tầng thủy sản; ứng dụng phát triển hạ tầng số, quản lý tàu tá; thúc đẩy hợp tác quốc tế nghề cá.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí kinh phí hợp lý đầu tư hạ tầng nghề cá, nhất là hạ tầng số nghề cá. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đẩy mạnh đào tạo nghề và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho ngư dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm, cùng các địa phương, Bộ, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, động viên, khích lệ người dân chống khai thác hải sản IUU; triển khai các giải pháp áp dụng công nghệ quản lý tàu cá.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản yêu cầu các doanh nghiệp kiên quyết từ chối thu mua, chế biến thủy hải sản có nguồn gốc khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; phối hợp với các cơ quan chống hợp thức hóa hồ sơ nguồn gốc thủy hải sản…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các cấp, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, chất dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, để EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng IUU”; ngư dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong gỡ bỏ “thẻ vàng IUU”, vì cuộc sống của chính mình, vì phát triển kinh tế đất nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và thế giới.

Phấn đấu gỡ thẻ vàng sớm nhất

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, trong 4 khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về khắc phục "thẻ vàng", có đề nghị hoàn thiện quy phạm pháp luật. Chúng ta đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về thủy sản, cơ bản đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm quản lý, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm. Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật gồm 2 nghị định, 8 thông tư đã quy định đầy đủ các nội dung về chống khai thác IUU. Các văn bản này khi xây dựng đều tham khảo ý kiến của EC.

 

chong.jpg
Xử phạt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp. (Ảnh tư liệu)

 

Tuy nhiên, khi Luật Thủy sản và các văn bản có hiệu lực, quá trình tổ chức thực hiện bộc lộ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, do đó cần sửa đổi, bổ sung. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định hướng dẫn thi hành luật phù hợp tình hình thực tế và theo khuyến nghị của EC.

Trong quá trình thực thi, Thủ tướng Chính phủ cũng đã kết luận trách nhiệm quản lý nhà nước từ tỉnh, huyện, xã cần rõ ràng hơn, đặc biệt là người đứng đầu. Bên cạnh đó, không thể không nói đến trách nhiệm của người dân khi chuyển từ nghề thủy sản nhân dân sang ngành thủy sản có trách nhiệm với quốc tế. Ngư dân cũng phải nâng cao ý thức; thông tin tuyên truyền, giáo dục pháp luật được tăng cường thì chúng ta mới bảo đảm các các yếu tố trong 4 khuyến nghị của EC.

Còn 3 khuyến nghị về quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc và thực thi pháp luật thì các quy định xử phạt ở Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã rất rõ ràng. Vấn đề là các tỉnh, thành tổ chức đồng loạt để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật.

Riêng về truy xuất nguồn gốc, hạ tầng là yếu tố quyết định. Thời gian tới, ngân sách nhà nước sẽ có phân bổ đầu tư công trung hạn để bảo đảm hạ tầng thủy sản, đặc biệt là hạ tầng khai thác, có bước chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho truy xuất nguồn gốc từ đánh bắt, nhập hàng đến cảng, đến nhà máy và xuất khẩu sang các thị trường.

Sắp tới, trong đề án Phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ "thẻ vàng" mà Bộ NN-PTNT đang xây dựng dự thảo, sẽ có quy định việc lắp và kết nối thiết bị giám sát hành trình từ địa phương tới trung ương phải hoàn thành trong năm 2021, từ đó, phấn đấu gỡ "thẻ vàng" sớm nhất, không để ảnh hưởng việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu và các thị trường khác cũng đã quan tâm đến chống khai thác IUU, như Mỹ.

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, các bộ, ngành, địa phương đã xử phạt mạnh với các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt trong khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Tổng cục Thủy sản và lực lượng kiểm ngư vùng thuộc Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện và xử lý đối với 627 trường hợp vi phạm với số tiền phạt trên 2 tỷ đồng.

Bộ Quốc phòng đã phát hiện và xử lý đối với 2.198 trường hợp vi phạm với số tiền phạt trên 54 tỷ đồng, bàn giao 15 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài cho UBND các tỉnh xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Trong hơn 2 năm qua, các địa phương đã phát hiện 8.810 trường hợp vi phạm với số tiền phạt trên 83 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực khai thác thủy sản, đã phát hiện và xử lý 7.095 trường hợp với số tiền phạt trên 68 tỷ đồng; lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát hiện và xử lý 209 trường hợp với số tiền phạt trên 2 tỷ đồng. Về sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản đã phát hiện và xử lý 1.056 trường hợp với số tiền phạt gần 13 tỷ đồng.

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Chống đói nghèo, bài học Việt Nam nhìn từ NHCSXH

    Chống đói nghèo, bài học Việt Nam nhìn từ NHCSXH

    Chính sách xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và xác định là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • “Thay áo” cho vùng đất bãi Đông Anh

    “Thay áo” cho vùng đất bãi Đông Anh

    Gần 20 năm nay, vùng bãi sông Hồng và sông Đuống được nông dân huyện Đông Anh (Hà Nội) “thay áo” bằng việc chuyển từ canh tác rau màu sang trồng quất cảnh và cây ăn quả.

  • Thọ Xuân đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao

    Thọ Xuân đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao

    Ghi nhận thành quả mà huyện Thọ Xuân đã đạt được trong việc thực hiện phong trào chung sức xây dựng NTM. Mới đây, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và công bố huyện Thọ Xuân đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023.

  • Đưa sản phẩm OCOP phát triển xứng tầm

    Đưa sản phẩm OCOP phát triển xứng tầm

    Để nâng cao hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, các sản phẩm OCOP của các hợp tác xã và làng nghề tập trung thúc đẩy quảng bá, giới thiệu, kết nối và phát triển các kênh phân phối sản phẩm OCOP trên thị trường nước ngoài.

Top