Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 21 tháng 10 năm 2021 | 21:11

GS Võ Tòng Xuân: Sử dụng 40% lượng phân bón, giá thành sản xuất giảm 50%

Chia sẻ của chuyên gia đầu ngành nông nghiệp - Giáo sư Võ Tòng Xuân với Lao Động về hiệu quả của việc chỉ sử dụng 40% lượng phân bón.

giao-su-vo-tong-xuan.jpg

Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ về cách giảm trên 50% lượng phân bón. Ảnh: NVCC

 

Ông nhấn mạnh: Nông dân Việt Nam phần lớn phí phạm rất nhiều phân bón. Phí phạm ở chỗ, họ đợi cây lúa lên rồi mới bón phân, bón nền thì chỉ bón phân hữu cơ, phân chuồng nhưng phân ure chỉ được bón khi đã sạ lúa hoặc cấy lúa. Mặc dù lý thuyết nêu rõ: Bón phân phải bón nền bởi hạt lúa khi có những rễ đầu tiên (nảy mầm) đã bắt đầu sử dụng phân, lúc đó nếu có sẵn phân đã bón lót thì cây lúa sẽ mọc rất khỏe. Nhưng tiếc rằng, phần lớn nông dân không tin và không làm theo.

Thưa giáo sư (GS), được biết năm 2016-2017, GS đã có công trình thử nghiệm về cách bón phân táo bạo này, đi ngược hoàn toàn với thói quen xưa nay của nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả thử nghiệm đó ra sao, xin giáo sư chia sẻ?

GS Võ Tòng Xuân: Cách đây 5 năm, lúc đó Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan đang là Bí thư tỉnh Đồng Tháp, đã ủng hộ để tôi thử nghiệm tại Hợp tác xã Tân Tiến (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), theo phương pháp bón lót phân trước khi sạ giống. Kết quả đã giúp hạ giá thành 1kg lúa từ 4.000 đồng xuống chỉ còn từ 2.000-2.500 đồng. Khi bắt đầu thực hiện, nông dân vẫn chưa nghe theo, cho rằng chưa có lúa mà bón phân sẽ bị trôi mất, tốn tiền. Tôi có nói rằng, giá thành sản xuất 1kg lúa lên tới 4.000 đồng là cao vì bón phân sai. Bón sai không chỉ gây tốn kém, khiến nhiều sâu bệnh mà còn làm hạt gạo giảm độ ngon.

Nông dân phải hiểu nguyên lý, phân và đất “hút” nhau như sắt với nam châm, nếu bón phân trước khi sạ, sau đó trục để nhào trộn phân nhuyễn với đất và nhận phân sâu xuống dưới trước khi sạ lúa, thì phân bón không thể trôi mất. Tôi đã động viên nông dân làm theo kiểu mới. HTX Tân Tiến đã thực hiện theo cách làm mới trên diện tích 50ha lúa, kết quả là lượng phân bón chỉ tốn 40% so với trước, lúa lên nhiều, năng suất không giảm nhưng giá thành sản xuất đã giảm, chỉ còn hơn 1 nửa.

Trong quá trình thực hiện, cơ quan khuyến nông của Sở NNPTNT Đồng Tháp đã giám sát, tính toán chi phí thì kết quả là, trước đây sản xuất tốn 4.000-4.200 đồng/kg lúa, nhưng làm theo cách này giảm tới trên 50% lượng phân bón, giảm hóa chất bảo vệ thực vật, giảm công, mỗi kilogam lúa chỉ có giá từ 2.200-2.400 đồng. 

Giáo sư cho rằng, cách làm này còn góp phần giảm tỉ lệ sâu bệnh, giảm lượng hóa chất bảo vệ thực vật phải sử dụng. Vì sao vậy, thưa Giáo sư?

GS Võ Tòng Xuân: Cách bón này khiến sâu bệnh ít hơn, bởi nếu lượng phân được bón ở mức vừa phải thì lá lúa không “ngon” như khi bón nhiều phân, nên sâu bệnh cũng “chê”, do đó tỉ lệ sâu bệnh giảm. Điều này có lợi kép: Vừa tốn ít phân (chỉ bón 40%), vừa tốn ít hóa chất bảo vệ thực vật (do ít sâu bệnh). Sau thành công ở vụ thứ nhất, chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm vụ thứ 2 thì kết quả cũng khả quan như vậy.

Rất tiếc là hình thức này đã được nhân rộng tại Đồng Tháp, nhưng nhiều địa phương khác vẫn dùng hình thức cũ, nông dân cứ làm theo kinh nghiệm cha ông để lại “cho chắc ăn”. Chắc ăn, nhưng tốn phân, làm tăng giá thành sản xuất lúa, và còn gây ô nhiễm môi trường. Như vậy là sản xuất không hiệu quả.

 

lua.jpg

Sử dụng phân bón hợp lý giúp hiệu quả sản xuất cao hơn. Ảnh minh họa: Tân Long

 

Vì sao cách bón phân cũ gây ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thưa giáo sư?

-  GS Võ Tòng Xuân: Trên mặt đất và dưới mặt nước có một lớp mỏng ôxy hóa. Lớp ôxy hóa này khiến ure khi bón xuống ruộng bị bốc hơi, bởi lúc này, cây lúa chưa có rễ vươn lên trên để lấy phân nổi trên mặt đất (vì không được sục nhuyễn sâu xuống đất). Phân ure bị ôxy hóa biến thành khí oxit nitơ (NO2 hoặc N2O), cơ sở khoa học cho thấy khí này làm biến đổi khí hậu mạnh gấp 310 lần so với CO2. Mà chúng ta đã biết, carbon là đơn vị tính biến đổi khí hậu.

Như vậy, để tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa bảo vệ môi trường, khí hậu, thì ngay từ bây giờ, bớt phân đạm là thời cơ rất tốt để nông dân thay đổi cung cách sử dụng phân bón, phải bón nền tức là bón lót và chỉ sử dụng 2/5 đến 3/5 lượng đạm, lân và kali để bón lót, sau đó trục kỹ để trộn phân nhuyễn vào đất, san phẳng mặt đất rồi mới sạ. Lượng phân còn lại sẽ được bón vào 2 đợt tiếp theo: Đợt 1 khoảng 25 ngày sau khi lúa lên, đợt cuối bón khi lúa đón đòng. 2 đợt bón sau được cây lúa đã lớn khỏe rồi nên hấp thu rất nhanh. 

Như vậy, trở về câu chuyện cắt giảm 50-70% lượng phân bón đối với cây trồng mà kỹ sư trồng trọt Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) - nêu ra, ông có cho rằng ý kiến này hợp lý?

- Đúng như vậy. Tất nhiên thoạt nghe và chưa được phân tích như trên, sẽ có nhiều ý kiến phản biện lại. Nhưng cần lưu ý rằng, như tôi đã nói ở trên, nếu thực hiện bón lót phân trước khi sạ lúa, sẽ giảm được trên 50% lượng phân bón, vừa tiết kiệm vừa không gây ô nhiễm môi trường và không làm biến đổi khí hậu. Tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng, việc cắt giảm phân bón theo tỉ lệ trên chỉ hiệu quả khi thực hiện bón lót 1/3 và trục kỹ trong đất trước khi sạ lúa. 2/3 lượng phân còn lại được thực hiện vào 2 thời điểm như tôi đã nói ở trên.

Xin cảm ơn giáo sư và chúc ông nhiều sức khỏe!

Theo laodong.vn
Ý kiến bạn đọc
Top