Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 11 năm 2019 | 13:28

Hành động vì sự phát triển nông nghiệp: Cách làm của Đồng Tháp

Sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn đã không còn là nhiệm vụ của riêng ngành nông nghiệp. Các cấp, các ngành, địa phương và sự chung tay của nhà khoa học, doanh nghiệp đều đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành này tại Đồng Tháp.

tr14.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham quan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở Thuận Tân Hội quán. Ảnh: Trọng Đức

 

Vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị

Xác định đầu ra của nông sản tốt sẽ giải quyết được nhiều điểm nghẽn của ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết, thời gian qua, ngành Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát thị trường; tạo cầu nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh với các kênh phân phối hiện đại để đưa nông sản tiêu thụ tại các đơn vị này.

“Hàng hóa đạt chuẩn mà không tiêu thụ được là trách nhiệm của ngành công thương; riêng lúa gạo, cá tra thuộc lĩnh vực xuất khẩu nên phải chịu ảnh hưởng thị trường thế giới”, ông Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, đồng thời cho biết, Sở Công Thương đang khảo sát số lượng hàng hóa đã sản xuất đạt chuẩn mà chưa tiêu thụ được để có giải pháp khắc phục khó khăn này. Sắp tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển nhãn hiệu, bao bì nông sản; xây dựng dựng chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; thực hiện tốt về thông tin thị trường.

Để ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các ngành liên quan, chủ động đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh; ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh học, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp v.v..

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh xác định rõ vai trò quan trọng của mình trong tuyên truyền, vận động người dân liên kết hợp tác, thay đổi tư duy, phương thức sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường, chủ động thực hiện các phần việc thuộc về mình. Đây sẽ là những phần việc mà Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính”

Chuẩn bị tâm thế cho tốc độ tăng trưởng cao hơn của ngành nông nghiệp trong năm tới, cũng như để lĩnh vực này phát triển thực sự bền vững, các chuyên gia đã cung cấp nhiều thông tin về định hướng phát triển cây ăn trái, thuỷ sản - những thế mạnh của Đồng Tháp và đặc biệt là các rào cản kỹ thuật trong sản xuất nông sản, những lưu ý khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện nay, các nước nhập khẩu nông sản đều nâng cao hàng rào kỹ thuật, yêu cầu cơ bản đối với mặt hàng quả tươi là phải có Giấy Chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền cấp và lô hàng không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật; có tiêu chuẩn kỹ thuật và có hệ thống truy xuất nguồn gốc: Mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, mã số nhà máy xử lý.

 

Quy định về truy xuất nguồn gốc là cơ hội lớn nhất chưa từng có để thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam, đầu tiên là thay đổi tư duy của người sản xuất, người quản lý hành chính nhà nước.

 

Đối với trị trường Trung Quốc, đây là thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam nhưng ngày nay không còn là thị trường “dễ tính”. Trung Quốc siết chặt thương mại nông sản theo hình thức trao đổi biên mậu và nâng cao hàng rào về kiểm dịch thực vật, quy định ngày càng khắt khe hơn đối với nông sản nhập khẩu, trong đó có truy xuất nguồn gốc nông sản, cấp mã vùng trồng.

Chia sẻ về xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, cho rằng, việc Trung Quốc yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc đối với nông sản nhập khẩu là vấn đề không mới và là xu hướng của các nước phát triển; truy xuất nguồn gốc chỉ là công cụ, phương tiện để nông sản Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

 

tr14a.jpg
Nhà vườn ở thành phố Sa Đéc chăm sóc cúc mâm xôi phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2020. Ảnh: Nguyễn Văn Trí.

 

Bà Nguyễn Thị Thành Thực đề xuất với tỉnh Đồng Tháp nên phát triển thêm nhiều hợp tác xã để đủ nhân lực thực hiện cấp mã vùng, đảm bảo cho truy xuất nguồn gốc nông sản. Bà cho rằng, quy định về truy xuất nguồn gốc là cơ hội lớn nhất chưa từng có để thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam, đầu tiên là thay đổi tư duy của người sản xuất, người quản lý hành chính nhà nước. Bà Thực khẳng định, mất thị trường Trung Quốc trong thời điểm này này thì nông sản Việt Nam cực kỳ khó khăn, nếu Trung Quốc mất nguồn cung nông sản từ Việt Nam thì không sao cả, vì họ có nhiều lựa chọn.

Sản xuất theo tư duy kinh tế nông nghiệp

Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, trước sự thay đổi và đầy biến động của thị trường thì không thể tự bằng lòng với kết quả đạt được hôm nay. Sắp tới, ngành nông nghiệp phải tiếp tục kết nối, ghi nhận thông tin hữu ích từ những nhà thương mại, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước... để chuyển tải đến với người dân về yêu cầu thị trường, tiêu chuẩn nông sản, điều kiện kỹ thuật đối với nông sản.

Đồng Tháp đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, do đó, ông Hoan yêu cầu báo cáo của ngành nông nghiệp phải đưa vào nội dung về phát triển thị trường (bởi đầu thị trường sẽ khơi thông được đầu sản xuất), trong đó có sự tham gia của các lĩnh vực khác: Khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông, công thương; tích hợp cả thông tin từ doanh nghiệp, thương lái...

Nói đến vai trò của ngành Công Thương, ông Hoan cho rằng, ngành  không chỉ bán hàng đơn thuần mà trong quá trình đó phải nắm bắt thông tin thị trường và phản hồi lại cho bà con để có sự điều chỉnh phù hợp, quan trọng hơn hết là phản hồi một cách nhanh chóng.

Tiếp tục khẳng định, đối với Đồng Tháp thì nông nghiệp vẫn là thế mạnh và còn nhiều dư địa để phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương gợi ý các địa phương mạnh dạn đặt mục tiêu cao hơn để tiên phong phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Ông  Dương chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tự rà soát ở ngành mình, lĩnh vực mình phụ trách để vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Theo đó, ngành nông nghiệp phải hỗ trợ, định hướng, đào tạo để nông dân chủ động nắm bắt cơ hội và thích ứng nhanh với sự thay đổi này, trước mắt là xây dựng và triển khai kế hoạch đăng ký mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản. Ngành công thương phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tăng cường tiếp cận các kênh bán lẻ, bán hàng online, tập huấn thiết kế bao bì, nhãn hiệu, hỗ trợ quảng bá và xây dựng thương hiệu.

Thể hiện quyết tâm đưa nông nghiệp phát triển, ông Dương nhấn mạnh, Đồng Tháp có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, có nhiều loại trái cây ngon, nổi tiếng. Các Hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị nông sản. Vấn đề còn lại là bà con nông dân phải chủ động thay đổi để thích ứng với các rào cản kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhằm cải thiện thu nhập từ chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình.

 

Đồng Tháp có nhiều mô hình mới, cách làm hay

Trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đồng Tháp đầu tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Đồng Tháp có điều kiện rất tốt để sản xuất, phát triển nông nghiệp. Và trên thực tế, trước đây Đồng Tháp là vựa lúa của Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng hiện nay không chỉ có cây lúa mà Đồng Tháp còn có Làng hoa Sa Đéc, nổi tiếng về những mặt hàng cá tra, xoài Cao Lãnh, sen và nhất là trái xoài đã thâm nhập được thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand...

Tỉnh có nhiều mô hình sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, như: canh tác lúa lý tưởng, sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi”, “Ruộng nhà mình”...

Qua khảo sát thực tế mô hình Hội quán, Chủ tịch Quốc hội nhận xét đây là mô hình rất sáng tạo của Đồng Tháp. Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến thăm mô hình này và đánh giá rất cao. Nơi đây đã liên kết nông dân để tuyên truyền kiến thức trong sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Mô hình này còn kết nối tri thức giữa các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp với nông dân, đáng chú ý là kết nối giữa kinh tế nông nghiệp với văn hoá.

 


 

 

 

Ánh Nguyệt
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top