Hậu Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao với những nông sản đặc trưng không phải nơi nào cũng có. Trên hành trình biến tiềm năng thành hiện thực, Hậu Giang rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh.
Ông có thể cho biết những thành tựu mà Hậu Giang đạt trên lĩnh vực nông nghiệp trong 5 năm qua (2011-2015)?
Nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, có nhiều vùng sinh thái, Hậu Giang hội tụ mọi điều kiện để phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, lúa vẫn được xem là cây trồng chủ lực với diện tích 202.407ha, năng suất bình quân 6,08 tấn/ha, sản lượng 1,2 triệu tấn. Tăng trưởng sản xuất lúa thể hiện qua việc tăng năng suất, sản lượng và chất lượng, góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập cho nông dân và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Mía cũng là cây có lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong vùng ĐBSCL, thế nhưng, do giá cả luôn biến động theo chiều hướng cung vượt cầu, tình trạng buôn lậu qua biên giới không kiểm soát được, thu nhập của người trồng mía ngày càng giảm nên thời gian gần đây, diện tích giảm đáng kể. Trong khi đó, diện tích cây ăn trái có chiều hướng gia tăng, từ 22.962ha (năm 2010) lên 29.000ha (năm 2014), tăng 20%. Sản lượng 262.095 tấn, tăng 54,6% so với năm 2010. Cơ cấu cây có múi có diện tích lớn nhất, chiếm 46,5% diện tích cây ăn quả.
Thủy sản là thế mạnh thứ hai sau cây lúa và tiềm năng nuôi thuỷ sản của tỉnh khá lớn (khoảng 50.000ha). Trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều mô hình nuôi thủy sản an toàn, chất lượng theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), SQF 1000..., hình thành vùng nuôi tập trung như cá tra ở Châu Thành, TX Ngã Bảy; cá đồng ở Vị Thủy, Long Mỹ.
Trong quá trình phát triển, chúng tôi đặc biệt chú trọng vấn đề xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực. Sau 3 năm thực hiện Chương trình phát triển nông sản chủ lực giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020, Hậu Giang đã xây dựng nhãn hiệu cho 10 loại nông sản đặc trưng gắn liền với địa danh của từng địa phương trên địa bàn, các sản phẩm này đã được thị trường biết tới như: cam sành Ngã Bảy, chanh không hạt Châu Thành, khóm (dứa) Cầu Đúc…
Cũng với mục tiêu tập trung phát triển các loại nông sản chủ lực theo chiều sâu, nâng cao giá trị sản xuất cho người dân, hơn năm qua, Hậu Giang đã tích cực xây dựng và triển khai Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2014 - 2016 và định hướng đến năm 2020 (Đề án 1000). Đến nay, đã có 2.960 hộ dân đăng ký tham gia thực hiện trong tổng số 4 hợp phần và 641 hộ đủ điều kiện vay vốn, với tổng kinh phí thực hiện trên 49 tỉ đồng, chiếm 17% tổng kinh phí của đề án.
Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng tôi đưa vào thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng lớn, tỉnh đã chọn 5 điểm thuộc địa bàn của 5 huyện, thị xã, trong đó có 2 điểm chỉ đạo của tỉnh ở xã Vị Thanh (huyện Vị Thủy) và xã Trường Long Tây (huyện Châu Thành A). Với mô hình cánh đồng lớn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiết kiệm tối đa chi phí, nhất là trong sản xuất lúa gạo, giá thành chi phí từ mức 4.100 đồng/kg lúa vào thời điểm 3 năm trước hiện giảm còn dưới 3.000 đồng/kg. Đặc biệt, vụ đông xuân 2015 - 2016 , hạ xuống chỉ còn 2.800 đồng/kg, thấp nhất khu vực ĐBSCL.
Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã định hình các vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh với quy mô khá lớn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu. Đó là vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao 32.000ha, vùng nguyên liệu mía 10.300ha, vùng nguyên liệu khóm 1.500ha, vùng cây ăn trái đặc sản 2.500ha, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 1.500ha, phân bố đều khắp ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Ước tính trên toàn tỉnh có hơn 35.800 hộ có mô hình sản xuất hiệu quả, với doanh thu trên 100 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác đạt gần 87 triệu đồng, tăng 1,93 lần so với năm 2010 và lợi nhuận đạt trên 30%. Còn thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt 24 triệu đồng/năm, gấp 2,4 lần so với thời điểm 5 năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt 400 triệu USD.
Hậu Giang có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, năm 2016, tỉnh phải hứng chịu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Xin ông cho biết giải pháp mà ngành nông nghiệp đề ra để ứng phó với tình trạng này?
Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn.
Không riêng Hậu Giang, thách thức lớn nhất trong quá trình phát triển nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL là vấn đề biến đổi khí hậu. Năm 2016, chứng kiến đợt hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử, nhiều tỉnh trong vùng phải công bố tình trạng thiên tai. Ngày 21/4/2016, UBND tỉnh Hậu Giang cũng ban hành quyết định công bố thiên tai xâm nhập mặn cấp độ 1 trên địa bàn huyện Long Mỹ và TP.Vị Thanh.
Từ trung tuần tháng 4/2016, nồng độ mặn tại Hậu Giang diễn biến phức tạp, có chiều hướng tăng cao chưa từng có tại một số địa bàn như huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy, TP.Vị Thanh. Nồng độ mặn tại nhiều đia phương đo được thường xuyên ở mức trung bình từ 5,2‰ đến trên 15‰… Đã có trên 80% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh bị nước mặn tấn công, trong đó có hơn 1.200ha lúa đông xuân 2015- 2016 bị thiệt hại và một số diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng năng suất. Hơn 6.000ha lúa hè thu không xuống giống được, nhiều diện tích thủy sản, hoa màu bị ảnh hưởng.
Để đối phó với tình trạng thiên tai, tỉnh đã tiến hành nhiều biện pháp trước mắt. Đó là đắp hơn 100 đập thời vụ tạm thời để ngăn mặn, trữ ngọt cũng như xây dựng các công trình dẫn nước ngọt về những vùng bị xâm nhập mặn. Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở vùng bị ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn để giảm tác hại. Cùng với đó, đối với diện tích đất trồng lúa, ngành nông nghiệp Hậu Giang khuyến cáo nông dân sử dụng những giống lúa chịu mặn như OM5451, OM2517, OM6976, OM6162, OM9921, OM6677, GKG1.
Đối với cây ăn quả, cần lựa chọn giống chịu được nồng độ mặn trung bình và nồng độ mặn cao như cam, quýt, bưởi, chanh, mít, ổi, xoài, dừa.
Về lâu dài, chúng ta cần có một hệ thống giải pháp căn cơ và đồng bộ, bởi tác động của biến đổi khí hậu sẽ còn lâu dài và mạnh mẽ hơn nữa.
Để phát huy những lợi thế, giai đoạn 2016 - 2020, ngành nông nghiệp Hậu Giang sẽ có đột phá gì, thưa ông?
Chúng tôi xác định, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ lực nhưng trong giai đoạn mới phải phát triển theo hướng công nghệ cao, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này để nâng cao giá trị gia tăng. Theo đó, sẽ chuyển 3.569,97ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác và đất phi nông nghiệp dành cho xây dựng đồng ruộng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…, ổn định diện tích 77.200ha đất lúa, với diện tích gieo trồng 205.500ha. Ổn định diện tích mía 10.000 ha, năng suất bình quân 115 tấn/ha, sản lượng 1.150.000 tấn. Cải tạo 7.000ha vườn tạp, chuyển đổi đất lúa xen vườn ở Châu Thành và thị xã Ngã Bảy để hình thành vườn chuyên. Diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 là 11.000 ha, tăng 4.000 ha so với năm 2015.
Để mở đường cho doanh nghiệp đến với nông dân, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04 (NQ4) về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2015 - 2020. Theo Nghị quyết này, các dự án (DA) đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được hỗ trợ 2 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị). Trường hợp chưa có hạ tầng đến hàng rào DA, nhà đầu tư được hỗ trợ thêm 70% chi phí xây dựng nhưng không quá 5 tỉ đồng. Ở lĩnh vực đầu tư cơ sở sấy lúa, bắp, khoai và sấy phụ phẩm thủy sản theo phương pháp ướt, nhà đầu tư được hỗ trợ 2 tỉ đồng/DA để xây dựng cơ sở hạ tầng. Lĩnh vực đầu tư cơ sở chế tạo, bảo quản, chế biến (nông - lâm - thủy sản), nhà đầu tư được hỗ trợ 60% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng tổng mức không vượt 5 tỉ đồng/DA; trường hợp DA chưa có hạ tầng đến hàng rào DA thì nhà đầu tư được hỗ trợ thêm 70% chi phí xây dựng nhưng không vượt 5 tỉ đồng/DA…
Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, nhất là khi Hiệp định TPP sắp có hiệu lực, việc tập trung chăm lo cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp và vấn đề giá trị sản xuất nông nghiệp là hết sức căn bản. Do vậy, Hậu Giang ưu tiên khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư, ứng dụng công nghệ sinh học trong lai tạo, nhập nội, nhân giống có hàm lượng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường trong canh tác, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, nhằm giảm tổn thất, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh thị trường trong và ngoài nước.
Xin ông cho biết, đâu là nhóm giải pháp ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang ưu tiên trong thời gian tới?
Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, giúp nông dân vượt qua khó khăn, chúng tôi xác định cần tập trung quyết liệt tổ chức thực hiện 5 nhóm giải pháp, gồm: Nhóm giải pháp về tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa; nhóm giải pháp về xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm; nhóm giải pháp về khoa học, công nghệ và khuyến nông; nhóm giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực; nhóm giải pháp về huy động vốn đầu tư.
Theo đó, tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh, chọn khâu đột phá là “Tiết giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng thu nhập cho nông dân”.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Thái Đào (thực hiện)
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.