Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 18 tháng 1 năm 2022 | 12:53

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Điện Biên

Thời gia qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên Phủ đã phối hợp các sở, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Qua đó, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, ổn định sản xuất, đời sống cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

 

cay-trong3.jpg

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương, cây xoài Đài Loan được trồng tại xã Nà Tòng, huyện Tuần Giáo mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa nương.

 

Núa Ngam chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương

Ông Trần Văn Hoài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) cho biết: Những năm gần đây, chi phí mua giống ngô, phân bón đều tăng so với mọi năm  nên lợi nhuận từ trồng ngô giảm. Theo tính toán, chi phí đầu tư giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho 1ha ngô khoảng 14 triệu đồng; trong khi đó, giá ngô thương phẩm chỉ dao động từ 3.000 - 3.500 đồng/kg. Như vậy, 1ha ngô thu khoảng 22 - 24 triệu đồng, trừ chi phí người dân lãi khoảng 10 triệu đồng. Nếu hộ đông nhân lực thì mức lợi nhuận tạm chấp nhận được nhưng đối với hộ neo người, phải thuê nhân công thì lợi nhuận giảm còn khoảng 3 - 4 triệu đồng/ha.

Vì vậy, nhiều hộ dân chuyển sang trồng sắn bởi chi phí đầu tư thấp, từ 2 triệu đồng/ha, cho thu hoạch 19 - 20 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao gấp 2,5 - 3 lần cây ngô. Bên cạnh đó, trồng ngô đầu ra rất bấp bênh, hay xảy ra tình trạng “được mùa mất giá” trong khi đó, trồng sắn có nhà máy thu mua, bao tiêu sản phẩm tại địa bàn, đầu ra ổn định.

Ông Quàng Văn Thân, bản Pá Ngam 2, xã Núa Ngam cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 4ha đất nương. Trước đây, đều trồng cây ngô. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, khi nhà máy chế biến sắn tại xã Na Tông đi vào hoạt động, tôi đã chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng sắn. Năm 2020, năng suất sắn đạt 163 tạ/ha, tổng sản lượng thu được 65,2 tấn sắn tươi. Với giá thu mua của nhà máy 1.500 đồng/kg, trừ chi phí gia đình lãi khoảng 90 triệu đồng.”

Giai đoạn 2018 - 2020, huyện Điện Biên thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư phát triển các dự án nông nghiệp. Trong đó xã Núa Ngam là một trong những địa chỉ được nhiều nhà đầu tư hướng đến. Hiện nay, Công ty Cổ phần Liên Việt Điện Biên đang xin chủ trương đầu tư dự án trồng cây mắc ca tại xã Núa Ngam với quy mô khoảng 700 - 1.000ha; 2 hợp tác xã (HTX) đang liên kết với người dân đầu tư dự án trồng cây bơ xen gừng tại 2 bản: Pá Ngam 1 và Pá Ngam 2 với tổng diện tích khoảng 400ha, đến nay đã trồng được hơn 30ha.

Ông Nguyễn Văn Thăng, đại diện HTX Nông nghiệp dịch vụ và Thương mại Điện Biên cho biết: Dự án liên kết trồng cây bơ xen gừng, HTX đầu tư giống, phân bón và áp dụng cơ giới hóa trong khâu chăm sóc; người dân góp đất, công lao động. Sau 3 năm kiến thiết, dự án bắt đầu cho thu hoạch rộ thì tỷ lệ phân chia lợi nhuận là 50/50. Theo tính toán, đến năm thứ 4, 1ha bơ cho thu hoạch khoảng 30 tấn, với giá bao tiêu sản phẩm loại 1 là 15.000đồng/kg, loại 2 là 12.000 đồng/kg sẽ cho doanh thu ít nhất là 360 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư 3 năm đầu, dự kiến người dân sẽ nhận về khoảng 80 - 90 triệu đồng. Từ năm thứ 5 trở đi, năng suất và sản lượng bơ sẽ tăng lên khoảng 50 tấn/ha và chi phí đầu tư cũng ít hơn so với thời gian kiến thiết. Khi đó, mỗi năm người dân nhận về khoảng 200 - 250 triệu đồng/ha.

Ông Quàng Văn Thắng, bản Pá Ngam 1 cho biết: Thực hiện dự án liên kết sản xuất trồng bơ với HTX Nông nghiệp dịch vụ và Thương mại Điện Biên, tôi đã chuyển đổi 2,5ha đất nương trồng ngô sang trồng cây bơ. Hiện nay, HTX đã hỗ trợ gia đình san ủi đất, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành trồng cây. Trong thời gian 3 năm kiến thiết chưa có thu hoạch, gia đình tôi vẫn còn 2ha đất nương trồng sắn. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” lấy thu nhập từ trồng sắn để đầu tư chăm sóc vườn bơ, hy vọng rằng đến năm 2024, dự án sẽ thành công khi đó gia đình sẽ có thu nhập ổn định.

Chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nương sang trồng cây dứa tại huyện Mường Chà, giai đoạn 2017 - 2021 là mô hình được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá đạt hiệu quả. Với mô hình này, huyện đã thực hiện chuyển đổi 240ha; trong đó, 75ha chuyển đổi năm 2017; 42ha năm 2018; 17ha năm 2019, 36ha năm 2020 và 70ha năm 2021. Thông qua công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã và đang góp phần giảm xói mòn, rửa trôi đất, tăng thu nhập cho người dân (thu nhập tăng gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa nương).

Tương tự, mô hình nuôi hươu sao tại Hợp tác xã Tiến Đạt, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cũng vậy. Hợp tác xã thành lập năm 2021, với 7 thành viên tham gia (trên cơ sở các hộ gia đình đã nuôi từ trước). Hiện nay, hợp tác xã nuôi tổng số 176 con hươu sao; trong đó, 130 con trưởng thành, 46 con còn non. Bình quân 1 hộ thành viên nuôi 8 con, doanh thu của HTX/năm ước tính 1.215 triệu đồng; thu nhập bình quân/thành viên/năm khoảng 170 triệu đồng. Sản phẩm chủ yếu là nhung hươu, ước giá trị 525 triệu đồng và hươu con giống 690 triệu đồng (các hộ để lại đầu tư mở rộng sản xuất).

 

cay-trong.jpg

Người dân xã Mường Nhà, huyện Điện Biên chuyển đổi đất lúa nương kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.

 

Năm 2019, gia đình ông Lò Văn Tương, bản Na Phay, xã Mường Nhà (huyện Điện Biên) đã chuyển đổi một phần diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao (cam, xoài, bưởi). Từ trồng thử nghiệm 100 gốc cam, bưởi, xoài ban đầu, đến nay, gia đình ông Tương đã mở rộng phát triển lên hơn 500 gốc cam, bưởi, xoài. Ông Tương cho biết: Quá trình trồng lúa nương, năng suất không cao, sau một thời gian nghiên cứu tìm hiểu về mô hình trồng cam, bưởi, xoài mang lại hiệu quả kinh tế cao, gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa nương, sau đó, gia đình đã chuyển đổi hẳn sang trồng cây ăn quả để nâng cao thu nhập. Bước đầu, mô hình đang phát huy được hiệu quả. Kết hợp với chăn nuôi trâu bò, đào ao thả cá, cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

Không chỉ với 3 mô hình trên, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; trong đó tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế. Đặc biệt là lúa, gạo, cà phê, chè, chăn nuôi đại gia súc, thủy sản và các cây trồng, vật nuôi mới, phù hợp có giá trị kinh tế cao theo hướng liên kết, tạo sản phẩm hàng hóa bền vững. Năm 2021, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng ước đạt 2.188ha (chưa bao gồm cây mắc ca). Trong đó, chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp dài ngày (cây gai xanh) 7ha trên đất lúa nương; chuyển đổi sang trồng cây ăn quả (dứa, xoài, bơ...) 189ha, chuyển đổi trên đất lúa nương 181ha, trên đất màu 9ha. Ngoài ra, tỉnh còn chuyển đổi sang trồng cây thức ăn gia súc (cỏ và ngô sinh khối) 281ha trên đất lúa nương...

Xác định là cây trồng mới, chủ lực cho giá trị kinh tế cao Điện Biên đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện chuyển đổi cây mắc ca. Tính đến hết năm 2021, tổng diện tích cây mắc ca đã trồng trên địa bàn tỉnh là 3.821ha (trong đó trồng thuần 3.767ha, trồng xen canh 54ha); riêng năm 2021 trồng mới được 929ha chủ yếu trên diện tích đất lâm nghiệp, tăng 62% so với năm 2020. Diện tích này tập trung chủ yếu tại các huyện như: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên. Đến nay, toàn tỉnh đã có 8 dự án trồng cây mắc ca được phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng diện tích 47.046ha, tổng vốn đầu tư 8.812 tỷ đồng; các doanh nghiệp đã trồng được 3.375ha.

Nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trên địa bàn tỉnh bước đầu đã hình thành được các vùng trồng cây ăn quả tập trung như vùng trồng xoài, bưởi, cam, chanh leo tại huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, vùng trồng dứa tại huyện Mường Chà, Tuần Giáo... Nhận thức của người dân có sự chuyển biến tích cực thông qua các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi phương thức sản xuất, chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, tham gia các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, góp phần tạo công việc ổn định cho người dân, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống. Tổng thu nhập trên diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến thời kỳ thu hoạch tăng từ 50 - 300 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với trồng lúa nương và cây màu kém hiệu quả.

 

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top