Với mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa chăm lo cho vụ hè thu, người dân Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) hăng hái ra đồng sản xuất để nâng cao giá trị trên những cánh đồng mẫu.
Cánh đồng mẫu - lợi ích lớn
Việc thực hiện “phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn” trên đồng ruộng Cẩm Xuyên cho thấy hiệu quả kinh tế tăng từ 15 - 20% so với sản xuất truyền thống.
Riêng xã Cẩm Thành làm điểm mô hình vào năm 2017, theo đó, mô hình thí điểm tại xã Cẩm Thành trên diện tích 72 ha với 1.550 thửa ban đầu. Sau khi thực hiện phá bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn, số thửa chỉ còn 77 thửa (giảm 1.473 thửa).
Ngoài việc tăng thêm diện tích, trong quá trình làm đất, thu hoạch giảm được 30% chi phí xăng dầu, thời gian so với trước đây. Tính chung, hiệu quả kinh tế tăng 250.000 đồng/sào so với khi sản xuất ở nhiều thửa.
Sau thành công của xã điểm Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh từ vụ sản xuất 2018 đến vụ hè thu 2020, huyện Cẩm Xuyên tiếp tục triển khai trên địa bàn 15 xã, thị trấn, diện tích đạt 740 ha với gần 700 thửa (chiếm 7,5% tổng diện tích sản xuất lúa toàn huyện). Một số xã như: Cẩm Thành, Nam Phúc Thăng, Cẩm Bình đã phá bờ nhỏ đạt 30% diện tích sản xuất.
Anh Trần Danh Quyền, trú tại thôn Tân An, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên chia sẻ: Gia đình tôi làm 2,5 ha lúa. Việc phá bờ thuở nhỏ có rất nhiều ưu điểm giúp công việc đồng áng của gia đình ngày càng thuận lợi hơn. Gieo cấy, gặt hái nhanh, gọn, lại đỡ chuột bọ phá hoại.
Bà Nguyễn Thị Hồng, trú tại thôn Yên Bình, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên cho biết: Gia đình tôi làm hơn 1ha lúa, từ lúc phá bờ thửa nhỏ đến nay công việc đồng áng thuận lợi hơn rất nhiều. Từ đổ phân, làm cỏ, be bờ đến cày, gặt đều giảm được rất nhiều chi phí và nhân công.
Nói về hiệu quả của việc sản xuất lúa trên cánh đồng lớn, bà Trần Thị Trang, cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Sở dĩ người dân nhiệt tình nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu bởi khi làm mô hình này sẽ có nhiều cơ chế hỗ trợ trồng lúa. Nhà nước hỗ trợ sẽ định hướng cho nông dân làm cùng một loại giống, trên cùng một diện tích. Nếu trước đây là 10 ruộng nhỏ với nhiều bờ ngang, dọc thì nay gộp lại thành một ruộng lớn với 4 bờ. Như vậy, sẽ rất thuận lợi cho việc gieo trồng, bà con rút ngắn được ngày công, tiết kiệm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt chuột… nâng cao năng suất. Riêng vụ hè thu này Cẩm Xuyên cơ giới hóa gần hết, với diện tích gần 9.600 ha nhưng chỉ gieo xạ trong vòng 1 tuần là xong”.
Khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép
Khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình thực hiện cánh đồng lớn, ông Lê Văn Danh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cẩm Xuyên chia sẻ: Hiện nay, mặc dù dịch Covid-19 đã tạm ổn trên địa bàn nhưng nhiệm vụ phòng chống dịch vẫn được địa phương quyết liệt thực hiện song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế. Phải nói rằng, lúc mới bắt đầu chúng tôi vấp phải rất nhiều khó khăn vì Cẩm Xuyên là một địa hình không bằng phẳng, đặc biệt, các vùng có ruộng bậc thang, nơi quá cao nơi lại quá thấp, trũng, người dân không đủ năng lực thực hiện. Vì thế, trong quá trình cải tạo với những địa bàn cao phải thuê máy múc từ chỗ cao sang chỗ thấp, kinh phí cải tạo mặt bằng rất lớn.
Hệ thống kênh mương nội đồng không đồng bộ, mùa khô hạn nhiều vùng nước tưới tiêu không đủ làm ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất, chất lượng mùa vụ. Ngoài ra, một phần do tập quán sinh hoạt của người dân từ trước tới nay, mồ mả nhiều, chôn cất lung tung, lẻ tẻ nhiều nơi không theo quy hoạch cụ thể. Do đó, giờ muốn làm được cánh đồng lớn buộc phải cất bốc và quy tập lại. Khi chúng tôi triển khai mô hình nhiều hộ gia đình không hợp tác, gây nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, nhờ sự cố gắng, nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của các ban ngành, đoàn thể từ huyện, xã, thôn và sự đồng lòng nhất trí của toàn thể bà con nhân dân cùng đồng loạt ra quân nên từ năm 2017 đến nay, Cẩm Xuyên đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan. Người dân ý thức được giá trị từ những cánh đồng mẫu mang lại.
Hiện, huyện Cẩm Xuyên đang chỉ đạo người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị cho những cánh đồng mẫu. Đất đai được cải tạo lại tơi xốp hơn, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Vinh, người dân thôn Quốc Tiến, xã Cẩm Duệ vui vẻ nói: “Mặc dù làm theo mô hình hữu cơ trên cánh đồng mẫu bà con nhân dân sẽ vất vả hơn, kỳ công hơn trong việc sản xuất vì bón phân sẽ bón nhiều hơn, làm đồng, làm cỏ sẽ nhiều công hơn nhưng ngược lại có được những tấn lúa sạch, chất lượng thì chúng tôi sẵn sàng. Ai cũng phấn khởi vì những đổi thay tích cực, có chiều sâu trên quê hương”.
Bằng sự tích cực lao động trên cánh đồng, nhất định, bà con Cẩm Xuyên sẽ có thêm một vụ lúa bội thu.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.