Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, ngành Nông nghiệp huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hoá tập trung, sản phẩm xây dựng được thương hiệu, mang lại giá trị cao hơn.
Phát huy thế mạnh
Là huyện miền núi nên chăn nuôi gà giữ vai trò quan trọng, chủ lực trong lĩnh vực chăn nuôi ở Yên Thế. Tổng đàn gà duy trì ổn định 3,8-4,2 triệu con, hàng năm cung cấp ra thị trường 12 - 14 triệu con, giá trị sản xuất khoảng 1.400 tỷ đồng.
Sản phẩm gà đồi Yên Thế đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu Chứng nhận “gà đồi Yên Thế”. Hiện, sản phẩm không những trở thành sản phẩm chủ lực của huyện mà trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Gian khi sản phẩm gà qua giết mổ hút chân không, giò gà đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao.
Để giữ vững thương hiệu, ngoài việc thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, Yên Thế đã ban hành nhiều chương trình, đề án, các cơ chế hỗ trợ; quy hoạch, xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung, trong đó quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: lai tạo giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường, sử dụng hệ thống máng ăn, máng uống tự động, hệ thống làm mát...
Theo ông Bùi Thế Chung, Bí thư Huyện ủy Yên Thế, hàng năm huyện cung cấp ra thị trường 12-14 triệu con gà thương phẩm, sản lượng thịt gà xuất chuồng đạt 20.000 tấn và 9,5 triệu quả trứng, giá trị đạt trên 1.400 tỷ đồng. Thời gian tới, huyện đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, chế biến; mở rộng các vùng chăn nuôi gà đồi theo quy trình VietGAP, quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, hình thành các vùng sản xuất gà đồi an toàn. Từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm gà đồi Yên Thế trên thị trường.
Bên cạnh sản phẩm gà, Yên Thế luôn quan tâm phát triển đàn gia súc lớn như: dê, trâu, bò, ngựa, hươu; quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung hàng hóa; hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến sản phẩm. Xây dựng thành công, duy trì, phát triển nhãn hiệu mật ong hoa rừng Yên Thế, xây dựng mới nhãn hiệu tập thể “Dê núi Hồng Kỳ”.
Với diện tích cây ăn quả trên 4.700ha, Yên Thế đã xây dựng, đưa các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhiều công nghệ mới được ứng dụng như: Quy trình sản xuất VietGAP; sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới; ứng dụng công nghệ nano trong phòng trừ sâu bệnh; công nghệ tưới tiết kiệm; giống cây trồng sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, đột biến gen...
Đặc biệt, công tác xây dựng và phát triển nhãn hiệu gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) luôn được huyện quan tâm thực hiện. Hết năm 2020, Yên Thế có 12 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, được Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá là huyện có sản phẩm đạt sao OCOP đứng thứ hai toàn tỉnh và là huyện đứng thứ nhất về công tác tổ chức triển khai, thực hiện Chương trình.
Nâng cao chất lượng nông sản
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp Yên Thế vẫn còn một số hạn chế như: sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, chủ yếu là kinh tế hộ; năng suất, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của thị trường; phần lớn nông sản tiêu thụ ở dạng thô, sơ chế nên giá trị gia tăng thấp; các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn chưa bền vững; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung…
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế, cho biết, thời gian tới, để tiếp tục khai thác lợi thế, thế mạnh sẵn có, Yên Thế sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 23-NQ/HU ngày 30/12/2020 của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025 và Đề án phát triển nông nghiệp bền vững huyện Yên Thế giai đoạn 2021-2025.
Tập trung chỉ đạo phát triển toàn diện về nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; phát triển bền vững các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa địa phương có thế mạnh, gắn phát triển sản xuất với đảm bảo an ninh lương thực. Tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển, giữ vững thương hiệu; sản xuất theo hướng an toàn; củng cố các chuỗi liên kết đã có và xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết mới trong sản xuất, tiêu thụ; đặc biệt là việc xây dựng, thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Theo Đề án hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống dê được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt gần đây thì trong giai đoạn 2021 - 2025, Đề án triển khai tại 8 huyện, xây dựng thành công 10 mô hình sản xuất giống dê, cung ứng, cấp cho người chăn nuôi trên 2.500 con dê cái giữ lại làm nái sinh sản có năng suất, chất lượng tốt và gần 5.000 con dê giống thương phẩm đảm bảo năng suất, chất lượng cao. Tỉnh Bắc Giang sẽ hỗ trợ các cơ sở 100% kinh phí tổ chức 16 lớp tập huấn phổ biến kiến thức về quy trình kỹ thuật; 50% kinh phí mua dê giống; 50% kinh phí mua vắc-xin tiêm phòng; 50% kinh phí mua thức ăn công nghiệp trong 01 năm đầu. |
Chỉ đạo lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu, cấp trên hỗ trợ và của doanh nghiệp đóng góp, nhằm tăng cường kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn, trong đó ngân sách tập trung hỗ trợ xây dựng hệ thống thủy lợi, đường giao thông, điện, phục vụ các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh để tạo thuận lợi trong quá trình sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm.
Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội chợ, hội thảo, diễn đàn xúc tiến đầu tư... Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm; các sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, tham gia các sàn giao dịch điện tử. Hình thành điểm giới thiệu, quảng bá, bán các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn huyện. Thực hiện lồng ghép các đề tài, dự án khoa học công nghệ liên quan để thúc đẩy phát triển bền vững sản phẩm hàng hóa.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, công tác quản lý của các cấp chính quyền, huy động sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, góp phần phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa theo hướng đa dạng, sạch, an toàn, hướng đến tiêu chuẩn hữu cơ.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.