Được ví như “hộ chiếu” cho nông phẩm của Việt Nam XK sang thị trường EU nhưng nếu chỉ coi GlobalGAP như một tờ giấy chứng nhận mà không đi kèm thực hành nông nghiệp tốt thì nông phẩm Việt Nam không thể có chỗ đứng bền vững tại thị trường tiềm năng này.
Tạo chỗ đứng bền vững
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngành sản xuất nông sản, thực phẩm đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp nông sản, thực phẩm quan trọng cho thị trường thế giới.
Năm 2021 là dấu mốc quan trọng khi các loại trái cây như vải, nhãn của Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường nước ngoài.
Theo ông Lê Hoàng Tài, tuy được ví như “hộ chiếu” cho nông phẩm (sản phẩm nông nghiệp) của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU nhưng nếu chỉ coi GlobalGAP (bộ các tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) như một tờ giấy chứng nhận mà không đi kèm thực hành nông nghiệp tốt thì nông phẩm Việt Nam không thể có chỗ đứng bền vững tại thị trường tiềm năng này.
EU hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam với giá trị khoảng 5,5 tỷ USD/năm. Dù đã đạt thành công nhất định song việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này còn nhiều khó khăn.
Một trong những nguyên do chính là việc phát triển vùng trồng đạt chuẩn GlobalGAP còn chậm dẫn tới việc thiếu nguyên liệu đủ tiêu chuẩn cho xuất khẩu.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh cho hay, một trong những điều kiện tiên quyết để nông phẩm Việt Nam thâm nhập thị trường EU là đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP.
Đối tác EU có tổ chức nghiên cứu, thống kê về sản xuất nông nghiệp của Việt Nam và mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững do vậy rất quan tâm và yêu cầu cao với quy trình sản xuất nông phẩm của Việt Nam.
“Có một thực tiễn, doanh nghiệp Việt Nam khi không đủ số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, sẵn sàng thu gom hàng hóa từ nhà sản xuất khác để đáp ứng đủ đơn hàng. Điều này gây e ngại và khiến nhà nhập khẩu muốn phối hợp kiểm soát chất lượng đơn hàng", ông Nguyễn Cảnh Cường chia sẻ.
Trên thực tế, GlobalGAP đã trở thành tiêu chuẩn nhập khẩu rất phổ biến tại các thị trường cao cấp như EU. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhận thức của doanh nghiệp về tiêu chuẩn này chưa thực sự đúng với bản chất.
Nhiều doanh nghiệp vẫn coi GlobalGAP chỉ là một tờ giấy chứng nhận cần thiết để đưa cho nhà nhập khẩu và bán được hàng. Quan niệm này chưa chính xác và nếu có được chứng nhận GlobalGAP thì không có ý nghĩa, bởi GlobalGAP là một quy trình sản xuất, thực hành nông nghiệp tốt, duy trì các quy trình sản xuất này giúp doanh nghiệp đảm bảo sản phẩm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Theo tiến sỹ Hán Quang Hạnh, Đại học Glasgow, Vương quốc Anh, GlobalGAP đem lại rất nhiều lợi ích. Xét về sản xuất, GlobalGAP giúp nâng cao lợi nhuận do giảm chi phí, giảm lãng phí; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Hơn nữa, về thương mại, GlobalGAP giúp doanh nghiệp khẳng định được chất lượng; tạo sự tin tưởng và tiếp cận được thị trường cho dù là khó tính bởi những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường…
Tiến sỹ Hán Quang Hạnh cũng cho rằng, để khắc phục tình trạng này, doanh nghiệp cần tìm hiểu và tuân thủ các điểm kiểm soát theo tiêu chuẩn GlobalGAP; tự đánh giá nội bộ và tự cải tiến; có thể thuê chuyên gia tư vấn.
Với trở ngại hầu hết quy mô trang trại nhỏ gây tốn kém khi đánh giá và thực hành tiêu chuẩn GlobalGAP, phương án liên kết các doanh nghiệp thành một hợp tác xã có quy mô lớn, có hệ thống quản lý là phù hợp.
Khi đó, chuyên gia tiến hành đánh giá các tiêu chuẩn GlobalGAP sẽ đỡ tốn kém chi phí, đồng thời đảm bảo đủ sản lượng cho đơn hàng xuất khẩu lớn. Ngoài ra, các trang trại phải có thời gian thành lập tối thiểu 3 tháng trước khi tiến hành đánh giá.
Nhận định từ các chuyên gia, nông nghiệp Việt Nam đã được thế giới thừa nhận là kỳ tích của châu Á khi từ một nước đói nghèo vươn lên thành quốc gia xuất khẩu nông sản lớn bởi điều kiện tự nhiên thuận lợi, người nông dân giàu kinh nghiệm và rất giỏi.
Tuy nhiên, vấn đề của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là chuyển từ giai đoạn sản xuất theo tiêu chuẩn thông thường, tiêu chuẩn của thị trường trung bình sang giai đoạn sản xuất cho thị trường cao cấp để đạt giá trị gia tăng lớn hơn, phát triển bền vững.
Báo động nông sản xuất khẩu vào EU
Là thị trường tiềm năng, sau hơn một năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nông sản Việt xuất khẩu vào thị trường EU tăng mạnh. Trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19, 8 tháng năm 2021, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đạt 2,38 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ 2020.
EU trở thành thị trường lớn thứ 3 của nông sản Việt Nam. Song, thời gian gần đây, các mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường này liên tục bị cảnh báo về an toàn thực phẩm (ATTP).
Cụ thể, đầu tháng 9/2021, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được cảnh báo từ Liên minh châu Âu đối với sản phẩm đùi ếch đông lạnh do chứa chất cấm nitrofurans (furazolidone) mức dư lượng 17 µg/kg-ppb. Nhà sản xuất là Công ty TNHH Thương mại và chế biến thực phẩm Ngọc Hà, địa chỉ huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Pháp đã thu hồi sản phẩm trên thị trường, còn Thụy Sỹ sử dụng biện pháp tiêu hủy.
Thời gian này, EU tiếp tục cảnh báo sản phẩm bưởi của nhà sản xuất là “Nguyen Truc Thuy”, địa chỉ ấp 1, thị trấn Hộ Phòng, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu). Nguyên nhân do chứa chất cấm propargite 0,23 ppm và fenobucarb 0,032 ppm vượt ngưỡng cho phép. Sản phẩm ngay sau đó bị Na Uy thu hồi trên thị trường.
Đầu tháng 10/2021, Bộ Công Thương thông báo thu hồi lô gạo thơm giống ST25 hiệu Nữ hoàng tại Bỉ. DN xuất khẩu Việt Nam chủ động thu hồi bởi kết quả kiểm tra phát hiện có dư lượng tricyclazolevượt vượt mức cho phép.
Cũng trong tháng 10, một số nông sản như chôm chôm, mộc nhĩ khô, hạt tiêu đen, bột quế, hay sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU cũng bị cảnh báo dư lượng các chất có hại, thậm chí sản phẩm chôm chôm còn phát hiện có chất cấm.
Sau khi cảnh báo liên tục về ATTP đối với nhiều lô hàng nông sản, thuỷ sản của Việt Nam, ngày 3/11, Ủy ban châu Âu đã đăng công báo sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.
Theo đó, tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với các loại rau thơm và hoa quả của Việt Nam cụ thể: rau mùi 72%, húng quế 20%, đậu bắp 20-30%, hạt tiêu 20%, thanh long 10%...
Việc kiểm tra bắt đầu từ 15/11/2021. Theo định kỳ, cứ 6 tháng một lần, Ủy ban sẽ xem xét các danh sách thực phẩm và thức ăn chăn nuôi không có nguồn gốc động vật từ một số nước thứ ba chịu sự tăng cường tạm thời của biện pháp kiểm soát chính thức tại các chốt kiểm soát biên giới để đảm bảo ATTP.
Chạy theo số lượng thì chỉ “ăn xổi”
Nhận định thị trường EU còn nhiều tiềm năng nhưng lại khó tính, có các quy định chặt chẽ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đã đến lúc các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp xây dựng một chiến lược tổng thể và kế hoạch hành động để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang thị trường này.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ba trở ngại lớn nhất đối với nông sản Việt Nam khi vươn ra thế giới là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển trong xu thế tiêu dùng. Trong đó, thế giới đang mạnh mẽ chuyển sang sản xuất và tiêu dùng xanh.
Tại một tọa đàm mới đây, dưới góc độ DN xuất khẩu nông sản, ông Nguyễn Khắc Tiến - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam - cho rằng, các doanh nghiệp cần nghiêm túc hơn trong việc kiểm soát quy trình sản xuất của mình. Kiểm soát từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, đến kiểm nghiệm sản phẩm.
Không chỉ với sản phẩm xuất khẩu của mình, theo ông Tiến, DN cần cẩn trọng ngay khi gia công cho các đơn vị khác. Bởi, nhiều doanh nghiệp hiện chỉ chú trọng việc kiểm soát các sản phẩm của mình, mà quên mất rằng chỉ cần một doanh nghiệp yếu kém thì cả hệ thống sẽ bị ảnh hưởng theo.
Để nông sản Việt Nam xuất khẩu được sang các thị trường, trong đó có EU, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho rằng, muốn xuất khẩu hàng hoá vào thị trường nào thì phải đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn của thị trường đó.
“Người ta đưa ra quy định, nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học thì đương nhiên mình phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu. Chúng ta không nên quá nóng vội, nếu chạy theo xuất khẩu, số lượng thì chỉ ăn xổi”, ông nói.
Thực tế cho thấy, khi tham gia hội nhập sâu rộng, các nước vẫn có những vi phạm, bị cảnh báo thì điều này là bình thường. Điều quan trọng là chúng ta cố gắng tối đa không vi phạm. Vấn đề là sau mỗi cảnh báo, chúng ta rút ra được bài học gì, lý do từ đâu.
Ông Nam cho rằng, với DN thương mại, chế biến cần thay đổi xoay sang việc tập trung vào chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, cần có bộ phận nghiên cứu về kỹ thuật, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. SPS đã chuẩn bị bài giảng cho các doanh nghiệp, HTX, đối tượng sản xuất, thông qua đây họ có thể nắm được các tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường để sản xuất hàng hoá phù hợp.
Doanh nghiệp bắt tay với nông dân: Giải pháp đường dài
Không chỉ người trồng, địa phương chủ động tuân thủ các yêu cầu từ phía EU và các thị trường xuất khẩu lớn, mà với các doanh nghiệp, họ cũng đang tính đường dài.
Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam xuất khẩu nông sản quanh năm, nhưng sau vài năm đi khắp các vùng trồng thu mua nguyên liệu đầu vào, không ít lần sản phẩm mang đi kiểm tra không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện họ đã quyết định làm một vùng nguyên liệu để chủ động kiểm soát chất lượng tốt hơn.
"Chúng tôi chủ động trong chuỗi liên kết, chủ động tìm kiếm thông tin về các thị trường, thậm chí đưa ra những kịch bản nếu các thị trường yêu cầu sản phẩm, tiêu chí như này thì phương án đáp ứng của mình phải như thế nào", ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, cho hay.
Theo đó, Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cũng thành lập một hợp tác, tập hợp xã viên có diện tích đảm bảo những cánh đồng mẫu lớn. Như hộ của anh Bừng (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), sau khi bắt tay với doanh nghiệp, đã mở rộng diện tích trồng bắp cải GlobalGAP lên gấp đôi.
"Mình mở rộng thì mình phải hợp tác, phải làm như thế nào để đảm bảo cây rau được xuất khẩu, sau này mới có thương hiệu", anh Đoàn Sa Bừng chia sẻ.
Hiện Hải Dương là một trong những địa phương đã thành lập được một số vùng sản xuất các loại cây trồng chuyên canh cho từng thị trường xuất khẩu. Chỉ tính riêng giá trị sản xuất vụ Đông vừa qua, tỉnh Hải Dương nơi đạt 208 triệu đồng/ha, gấp hơn 2,5 lần so với mức bình quân các tỉnh phía Bắc.
Châu Âu là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất Việt Nam. 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường này chiếm 11,4%, tức khoảng 4,4 tỷ USD. Bên cạnh đó, việc đưa nông sản được vào thị trường khó tính như EU cũng nâng cao giá trị và thương hiệu của nông sản Việt. Chính vì vậy, việc giữ vững và mở rộng thị trường này là mục tiêu quan trọng của cả ngành trong thời gian tới. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.