Thời gian qua, Hội Làm vườn, Hội Nông dân TP.Đà Nẵng cùng các cơ quan chức năng phối hợp hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất, hình thành những sản phẩm chủ lực để tham gia Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP).
Tạo điều kiện phát triển các sản phẩm OCOP
Được Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng hỗ trợ các thiết bị tiên tiến và tư vấn kỹ thuật, đồng thời được Hội Làm vườn, Hội Nông dân thành phố cho vay ưu đãi 20 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, HTX Nấm Nhơn Phước (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) tạo ra nhiều loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Trong quá trình sản xuất – kinh doanh, HTX Nấm Nhơn Phước được cán bộ chuyên môn tận tình hướng dẫn về lý thuyết, thực hành và định hướng sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Từ đó, HTX này đã có sản phẩm cao nấm linh chi được công nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố hạng 3 sao.
Ông Nguyễn Văn Nhi, Giám đốc HTX Nấm Nhơn Phước, cho biết: “Sản phẩm cao nấm linh chi đã được đăng ký sở hữu trí tuệ, được cơ quan chức năng công nhận sản phẩm có công dụng cải thiện giấc ngủ, tăng cường hàm lượng ôxy và khoáng chất cho cơ thể”.
Trong khi đó, sản phẩm bánh khô mè của Cơ sở Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) được công nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố hạng 4 sao. Cơ sở này cũng được vay vốn lãi thấp của Quỹ Hỗ trợ nông dân, được cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Làm vườn, Hội Nông dân thành phố nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật và tuyên truyền vận động sản xuất sản phẩm OCOP. Từ đó, chủ cơ sở mạnh dạn đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và bánh khô mè nơi đây đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp thành phố hạng 4 sao vào cuối năm 2020.
Ông Huỳnh Đức Khiển, phụ trách Cơ sở Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ, chia sẻ: “Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, chúng tôi đã làm ra sản phẩm thơm dẻo, ngon miệng, mẫu mã đẹp và nguyện phấn đấu giữ vững thương hiệu bánh khô mè Bà Liễu Mẹ là sản phẩm đặc trưng ở Đà Nẵng”…
Gian hàng của HTX Nấm Nhơn Phước (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) tham gia Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang Kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2019 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Đà Nẵng. HTX này có sản phẩm Cao nấm linh chi được công nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố hạng 3 sao năm 2020.
Chương trình OCOP triển khai từ năm 2017, lấy kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân làm nòng cốt, tập trung vào các nhóm sản phẩm: thực phẩm, đồ uống, rau đậu, thảo dược. Qua 4 năm thực hiện, chương trình đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cuối năm 2020, lần đầu tiên Đà Nẵng có 18 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố, trong đó có 7 sản phẩm hạng 4 sao và 11 sản phẩm hạng 3 sao; huyện Hòa Vang dẫn đầu về số lượng với 6 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố.
Định hướng sản xuất
Hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng cùng các cơ quan chức năng, các tổ chức hội nghề nghiệp như Hội Làm vườn, tích cực tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật và định hướng sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cho bà con nông dân. Đồng thời, các cấp Hội Làm vườn, Hội Nông dân đã tạo điều kiện cho 1.418 hộ được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng dư nợ gần 40 tỷ đồng và đang thực hiện 168 dự án, mô hình liên kết sản xuất, trong đó có khoảng 50 sản phẩm có khả năng tham gia OCOP.
Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP. Đà Nẵng Nguyễn Kim Dũng nhấn mạnh: “Qua đúc kết kinh nghiệm thực tế, thời gian đến, Hội đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá sản phẩm OCOP; coi trọng các giải pháp chuẩn hóa chất lượng sản phẩm và hoạt động phát triển chuỗi giá trị gắn với vùng nguyên liệu địa phương của các sản phẩm OCOP”.
Cùng quan điểm, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng Nguyễn Hữu Hạnh cho rằng, để nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP cần chú trọng các giải pháp thúc đẩy nông dân tham gia xây dựng, phát triển các sản phẩm theo Chương trình OCOP; giúp nông dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP nói riêng và sản phẩm nông nghiệp nói chung.
“Thường xuyên định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, chăm lo kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; kịp thời đánh giá, xếp hạng, tạo điều kiện cho nông dân đăng ký sở hữu trí tuệ về sản phẩm tham gia Chương trình OCOP”, ông Hạnh chia sẻ thêm.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó chủ tịch Hội làm vườn TP. Đà Nẵng, cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, Hội Làm vườn thành phố xác định phương châm hoạt động là “Đổi mới phương thức hoạt động của Hội Làm vườn theo mô hình nông nghiệp đô thị” với các nhiệm vụ cụ thể như: tổ chức các lớp tập huấn, tham quan các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, nghiên cứu xây dựng mô hình sinh kế bền vững; tăng cường tuyên truyền về nội dung quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng các vườn sinh thái du lịch như thôn Thái Lai-Hòa Nhơn, thôn Trường Định-Hòa Liên của huyện Hòa Vang; củng cố xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; vận động hội viên tham gia phong trào thi đua làm kinh tế VAC gắn với Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP). Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hội chủ động chuyển từ sinh hoạt trực tiếp sang gián tiếp qua nhóm Zalo, vừa đảm bảo các hoạt động thường xuyên của Hội nhưng vẫn tuân thủ công tác phòng, chống dịch. Hội vận động hội viên, nông dân thực hiện thông điệp 5K, ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19; chấp hành nghiêm các quy định về giãn cách xã hội... |
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.