Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 3 năm 2022 | 14:59

Hoà Bình đẩy mạnh Đề án Tái canh cây ăn quả có múi

Hiện, tỉnh Hoà Bình đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn quả hàng hóa lớn, tập trung, có điều kiện thâm canh cao, năng suất và chất lượng tốt, cho giá trị kinh tế khoảng 300 - 350 triệu đồng/ha/năm, thuộc diện cao nhất toàn quốc.

Tỉnh Hoà Bình hiện có trên 12 nghìn ha cây ăn quả, trong đó diện tích kinh doanh khoảng 7.500 ha, ước sản lượng hơn 160 ngàn tấn. Sản phẩm cây ăn quả có múi được xác định là 1 trong 9 loại nông sản chủ lực của tỉnh, đây cũng là một trong số ít sản phẩm nông nghiệp của Hoà Bình có khả năng chi phối thị trường các tỉnh phía Bắc.

Để phát triển bền vững và gia tăng chuỗi giá trị trong sản xuất cây ăn quả có múi gắn với tổ chức sản xuất, thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, tháng 9/2021, tỉnh Hoà Bình đã phê duyệt Đề án Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là đề án). Đến nay, một số nội dung đề án đã được triển khai thực hiện như: Sở Nông nghiệp và PTNT đã công nhận 227 cây đầu dòng của 9 giống cây có múi đang trồng phổ biến trong tỉnh.

 

 Năng suất bình quân CAQCM ở Hoà Bình cao nhất cả nước đạt khoảng 22 tấn/ha.

 

Số lượng cây đầu dòng này hàng năm có khả năng cung cấp trên 350 ngàn mắt ghép làm vật liệu nhân giống. Đã nghiệm thu bàn giao, đưa vào sử dụng hệ thống nhân giống 3 cấp theo tiêu chuẩn quốc gia tại Trung tâm Giống cây trồng, Vật nuôi và Thủy sản của tỉnh. Hệ thống nhân giống 3 cấp này cùng với nguồn vật liệu nhân giống đã được công nhận sẽ cung ứng đủ nhu cầu về giống cây ăn quả có múi đáp ứng đầy đủ quy định pháp luật hiện hành.

Niên vụ 2021-2022 giá các mặt hàng quả có múi, đặc biệt giá cam thương phẩm đã tăng khá cao. Dự kiến sản lượng cam các tỉnh phía Bắc trong vài năm tới còn xuống thấp, đây là cơ hội cho diện tích cam đang kinh doanh của tỉnh Hòa Bình tăng thu nhập; đồng thời khuyến khích người sản xuất tái đầu tư trồng cam. Để thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tiến độ của Đề án Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương căn cứ vào nhu cầu thực tế, xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí từ các nguồn để thực hiện Đề án.

Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển cây có múi trên địa bàn huyện. Có cơ chế hỗ trợ cho các HTX, doang nghiệp đầu tư vào lĩnh vực liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến sản phẩm phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, tiếp tục lựa chọn, đề nghị công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, nhất là với một số giống bưởi, cam hiện còn chưa có hay có ít nguồn vật liệu nhân giống (bưởi Diễn, bưởi Da xanh, bưởi đỏ, cam V2).

Đối với huyện Cao Phong, trên cơ sở quỹ đất đã thực hiện luân canh cây trồng khác để lập kế hoạch cụ thể diện tích trồng tái canh cây cam trong năm 2022 và những năm tiếp theo, từ đó có kế hoạch đặt hàng sản xuất, cung ứng cây giống đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh việc hỗ trợ các hợp tác xã nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, mở rộng thành viên tham gia. Lấy hợp tác xã và doanh nghiệp làm hạt nhân để xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực hiện và áp dụng cơ chế chính sách hỗ trợ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Bố trí, cân đối kinh phí, nguồn lực để thực hiện các nội dung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đã được xác định là dự án ưu tiên của Đề án. Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện các dự án ưu tiên của Đề án. Hoà Bình phấn đấu đạt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện tái canh cây có múi trên địa bàn huyện Cao Phong với cây cam, quýt quy mô khoảng 1.500ha. Tới giai đoạn 2026-2030 mở rộng diện tích thực hiện tái canh cây ăn quả có múi đối với diện tích còn lại của huyện Cao Phong và các huyện trồng cây ăn quả có múi tập trung của tỉnh với quy mô tổng diện tích trên 4.500 ha.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top