Phiên chợ được tổ chức nhân kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2019, kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2019.
Ngày 4/10, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, quận Tây Hồ, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt tổ chức họp báo thông tin về Phiên chợ quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và đặc sản vùng miền toàn quốc.
Sự kiện được tổ chức từ ngày 10-13/10, nhân kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2019, kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2019.
Phiên chợ diễn ra tại không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật ẩm thực quận Tây Hồ (phố đi bộ Trịnh Công Sơn), với trên 100 gian hàng, trong đó có 50 gian là đặc sản trong cả nước, 50 gian còn lại là sản phẩm của Hà Nội, đây cơ bản là những sản phẩm có gắn mã QR.
Hàng hóa tham gia phiên chợ quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trên toàn quốc là những sản phẩm rõ xuất xứ nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội sẽ bố trí một xe chuyên dụng để kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; những sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn sẽ không được tham gia phiên chợ.
Sản phẩm OCOP tham gia phiên chợ gồm nông sản thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, ẩm thực đường phố của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc như: cua Cà Mau, chả cá thác lác, bánh phồng tôm Sa Đéc, sầu riêng miền Tây, cà phê Buôn Mê Thuột, tinh dầu thiên nhiên huyền thoại Quảng Trị…
Trong khuôn khổ của phiên chợ sẽ diễn ra hoạt động trình diễn ẩm thực của các địa phương; trong đó, quận Tây Hồ sẽ tham gia gian hàng xôi Phú Thượng trong không gian văn hóa ẩm thực.
Ngoài không gian ẩm thực, đặc sản vùng miền, còn có khu giới thiệu sản phẩm hoa, cây cảnh, của Hội sinh vật cảnh Hà Nội, với chủ đề “Sắc màu chim cảnh”, “Nét đẹp lồng tre”…
Trả lời các câu hỏi của phóng viên, ông Dương Viết Hùng, Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ, cho biết: Quận Tây Hồ bố trí phòng họp, dự kiến cho 300 khách mời, tại Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao Tây Hồ, để tổ chức Hội thảo. Lễ tôn vinh tập thể, cá nhân, hội viên tiêu biểu được truyền hình trực tiếp trên kênh VTC 16.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chánh Văn phòng XDNTM Hà Nội, ngoài kinh phí Nhà nước hỗ trợ, cơ bản tổ chức phiên chợ là xã hội hoá. Về sản phẩm OCOP, Hà Nội đã có 1.000 sản phẩm, ít nhất có 500 sản phẩm gắn sao. Sau sự kiện này, Hà Nội sẽ triển khai đối với 300 sản phẩm, năm 2020 là 700 sản phẩm.
Hà Nội là địa phương đi đầu về sản phẩm OCOP, hiện đã có 5.000 sản phẩm gắn mã QR.
Về việc kết nối du lịch trải nghiệm nông nghiệp, ông Nguyễn Duy Lượng, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Nông nghiệp Việt Nam, cho biết: “Cách đây 7 năm, chúng tôi đã tổ chức mô hình này ở An Giang và hướng dẫn cụ thể cho bà con.
Ví như, tổ chức tour du lịch sông Tiền, sông Hậu, nay có hộ thu 18 – 20 triệu đồng/tháng; có hộ bán rau quả cho khách đến tham quan. Hoặc, có khách chi 50 USD để tham quan một trang trại chuyên rau mùi”.
Kết thúc buổi họp báo, ông Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, cho biết: Nông nghiệp Hà Nội đang là động lực cho cả nước, Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục sản xuất cây-con giống chất lượng cho cả nước. Ví như: Viện Chăn nuôi quốc gia là địa chỉ con giống tin cậy, hoặc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Phú Xuyên) ngày nào cũng có vịt con bán. Về nông nghiệp công nghệ cao, Hà Nội cũng luôn có sự tham gia của các đơn vị trong cả nước mang sản phẩm đến giới.
Đặc biệt, Hà Nội có 11 triệu người sinh sống, trong đó có 1 triệu người nước ngoài, là hị trường cực kỳ lớn, hấp dẫn.
Nông nghiệp - làng nghề - giáo dục trải nghiệm, nếu được kết hợp tốt, Hà Nội sẽ như một công viên của cả nước.
Trong khuôn khổ sự kiện, sẽ diễn ra Hội thảo triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vào sáng 12/10.
Ban tổ chức sẽ "Tôn vinh 30 tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" nhằm khuyến khích, tạo động lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân… tham gia tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội và cả nước.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.