Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 12 năm 2020 | 10:58

Hợp tác xã, “mắt xích” quan trọng trong chuỗi liên kết nông sản

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) giúp tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản, nâng cao thu nhập của người nông dân.

Đây là chuỗi giá trị trong hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, là thế kiềng ba chân vững chãi, khó thể tách rời; vai trò của HTX được xem như cầu nối, là  “mắt xích” vô cùng quan trọng để tạo nên thế cân bằng ấy.

 

t18.jpg
Mô hình trồng dưa lưới đem lại hiệu quả kinh tế cao đang được áp dụng ở nhiều địa phương Thanh Hóa.

 

Những bước chuyển

Nhận thức được vai trò của mình, nhiều HTX nông nghiệp kiểu mới ra đời với những bước chuyển mạnh mẽ, đóng góp không nhỏ vào thành tựu đáng kể trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa đã xây dựng  được 17 vùng trồng cây tập trung, chuyên canh cấp tỉnh với quy mô 15.891ha; 55 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cấp huyện, xã. Các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng - vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp, HTX tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, đưa nông sản của người nông dân đến với thị trường trong nước và thế giới.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng đã được nhiều địa phương ở Thanh Hóa ưu tiên mở rộng. Trong đó hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng lớn, chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Vai trò cầu nối

Chúng tôi ghé thăm HTX dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến (Đông Sơn), một trong những đơn vị được Liên minh HTX Thanh Hóa đánh giá cao về  kết quả sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị tại địa phương.

 

tr19.jpg
Khu vực trồng rau sạch tại huyện Thọ Xuân.

 

Ông Nguyễn Xuân Thiên, Giám đốc HTX cho biết, về quy mô, cơ cấu tổ chức, trải qua quá trình hoạt động và phát triển, từ việc chỉ hoạt động cung cấp các dịch vụ nông nghiệp như: làm đất, thu hoạch lúa, tới nay, HTX được xã Đông Tiến và huyện Đông Sơn quy hoạch cánh đồng liên kết sản xuất với diện tích 110ha.

HTX đã đa dạng hóa các ngành nghề và dịch vụ liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp, đã mở rộng địa điểm sản xuất mạ khay và đầu tư máy sấy lúa để phục vụ việc thu hoạch sản phẩm của bà con nông dân trên địa bàn. Đồng thời, HTX đầu tư 4 máy cuộn rơm nhằm tận dụng phế thải nông nghiệp sau thu hoạch, cung cấp cho các trang trại chăn nuôi bò sữa, bò thịt và các trang trại trồng cây ăn quả và ủ phân hữu cơ. Ngoài ra, để chủ động quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm nông nghiệp sạch đến gần hơn với người tiêu dùng, HTX đã xây dựng 3 cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn huyện.

Ông Thiên chia sẻ: Thanh Hóa là tỉnh có xu hướng sản xuất nông nghiệp cao, với sự lan tỏa nhanh, cơ giới hóa và hình thành chuỗi giá trị phát triển mạnh. Vì thế, để có thể tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, mỗi HTX phải có ý sự đổi mới, năng động, sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm do mình làm ra.

Bên cạnh đó, với tiềm năng, lợi thế và nắm bắt được nhu cầu thị trường, đồng thời, để đảm bảo thực hiện chuyển đổi theo đúng luật, ông Thiên và một số thành viên HTX quyết định mở rộng lĩnh vực hoạt động, sang mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, xây dựng nhà màng, nhà kính, đưa vào sản xuất và thu mua đối với sản phẩm rau, củ, quả sản xuất trong nhà màng, nhà kính.

Các sản phẩm chính mà đơn vị đang sản xuất là: rau, củ, quả, dưa chuột baby, cà chua, dưa Kim Hoàng Hậu với quy mô khoảng 15.000m2. Nhờ năng động, linh hoạt và nhạy bén trong nắm bắt nhu cầu thị trường nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngày một cao; tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương, mức thu nhập  5 - 10 triệu đồng/người/tháng, vào chính vụ còn thuê thêm 30 lao động.

Từ hiệu quả sản xuất, kinh doanh, HTX của ông Thiên đã có những tác động tích cực đến kinh tế địa phương. Ngoài tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, hằng năm, HTX đóng góp nguồn kinh phí để tu sửa cơ sở hạ tầng; tham gia tích cực vào các phong trào nhân đạo, từ thiện, xã hội trong cộng đồng. Tổng doanh thu năm 2019 đạt trên 10 tỷ đồng; dự kiến năm 2020 đạt 15 tỷ đồng.

Không chỉ có Đông Tiến, HTX nông nghiệp Nga Trường (thôn Hợp Long 2, xã Nga Trường, huyện Nga Sơn), do ông Bùi Văn Hồng làm Giám đốc đã thực sự trở thành cầu nối tin cậy giữa nông dân địa phương với các công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nông nghiệp hàng đầu Việt Nam hiện nay, được nhiều HTX trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Ông Hồng chia sẻ: Việc liên kết sản xuất, tìm đầu ra tiêu thụ nông sản là chiến lược mà HTX  nông nghiệp phải thực hiện nếu muốn tồn tại và phát triển. Sau nhiều năm lăn lộn tìm cho HTX hướng đi hiệu quả, đến nay, chuỗi giá trị giúp các HTX đoàn kết, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ cho nhau kinh nghiệm và hướng đi đúng đắn, đồng thời thực hiện chuỗi giá trị, tạo được ổn định trong chuỗi sản xuất an toàn của người nông dân từ đầu vào đến đầu ra.

Nhờ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân nên việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp khá thuận lợi, đem lại giá trị kinh tế cao, khuyến khích được thành viên HTX và nông dân tích cực tham gia. Do đó, HTX dần mở rộng dịch vụ kinh doanh như cung ứng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, liên kết sản xuất và các dịch vụ nông nghiệp liên quan.

Mạnh dạn đổi mới

Trong nỗ lực tạo sự liên kết sản xuất, tìm đầu ra tiêu thụ nông sản cho người dân, có thời điểm, nhiều HTX gặp không ít khó khăn bởi sự bấp bênh của thị trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đối tác gặp khó khăn.

Không đầu hàng trước những khó khăn đó, HTX nông nghiệp Nga Trường đã tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức đi tham quan, học tập các mô hình liên kết sản xuất ở nhiều địa phương phía Bắc, phối hợp với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho nông sản địa phương. Trong những năm qua, HTX nông nghiệp Nga Trường đều có được các hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nhiều loại nông sản như: khoai tây, cải bó xôi, hành hoa, đậu tương, rau, củ, quả..., với các doanh nghiệp tại Hà Nội, Ninh Bình và Bắc Ninh.

Đặc biệt, sau chuyến tham quan tại Viện Sinh học nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina, HTX nông nghiệp Nga Trường đã ký kết hợp đồng với các đơn vị tổ chức trồng khoai tây Atlantic theo mùa vụ, trên diện tích đất nông nghiệp của chính nông dân nơi đây. Để khuyến khích sản xuất khoai tây theo hình thức tập trung với khoảng 50ha, thu hút hơn 200 hộ tham gia, HTX đã chủ động đầu tư giống, phân bón cho bà con. Khi thu hoạch, công ty sẽ cử người trực tiếp thu mua với số lượng không hạn chế.

Thời gian gần đây, nhằm tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm bí hạt đậu F1, HTX nông nghiệp Nga Trường đã liên kết hợp tác với Công ty TNHH Giống cây trồng Trường Thành, ký kết hợp đồng tiêu thụ bí hạt đậu cho bà con nông dân trên địa bàn huyện. Dự kiến, việc liên kết, hợp tác giữa hai bên sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Nhân rộng mô hình HTX kiểu mới

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, đến nay, toàn tỉnh có 1.066 HTX, trong đó có 668 HTX dịch vụ nông nghiệp, 11 HTX nuôi trồng thủy sản. Một số mô hình HTX nông nghiệp điển hình của tỉnh trong việc đầu tư, liên kết, liên doanh, sản xuất gắn với chuỗi giá trị như: HTX dịch vụ nông nghiệp Định Tường (huyện Yên Định), HTX nông nghiệp Phú Lộc (huyện Hậu Lộc), HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Hoằng Hợp (huyện Hoằng Hóa), HTX sản xuất nông nghiệp Thành Công (huyện Như Xuân), HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng (huyện Như Thanh), HTX nông nghiệp Nga Yên (huyện Nga Sơn), HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Minh Sơn (huyện Ngọc Lặc), HTX cây có múi Thọ Xuân...

 

tr20.jpg

Cánh đồng trồng dưa hấu tại Nga Sơn - Thanh Hóa.

 

Hoạt động của các HTX phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của kinh tế hộ gia đình, giải quyết được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các HTX thành lập mới có hình thức tổ chức và phương thức hoạt động linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của từng ngành nghề, địa phương. Liên kết kinh tế giữa HTX với doanh nghiệp của các thành phần kinh tế được triển khai thực hiện tốt hơn, là chỗ dựa cho các thành viên, người lao động, trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

Một số HTX đã mở rộng quy mô vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với các vùng sản xuất chuyên canh mía, cây ăn quả có múi, cây - con đặc sản như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn hiện liên kết với 10 HTX làm đầu mối thu mua mía với tổng sản lượng hàng năm khá lớn; Công ty CP Giống cây trồng Thanh Hóa liên kết với 9 HTX. Ngoài ra, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh liên kết sản xuất lúa giống với Công ty CP Giống Trung ương 1; liên kết cung cấp giống cho Công ty An Việt; cung cấp nguyên liệu cho Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao...

Nhiều HTX sau khi chuyển đổi hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, bước đầu áp dụng công nghệ cao trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi, thể hiện rõ nét vai trò hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân tham gia thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị; nhất là đối với một số nông sản chủ lực, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đời sống, cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà các bên đối tác đều được hưởng lợi, trực tiếp là nông dân.

Thực tế hoạt động của các HTX tại Thanh Hóa cho thấy, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân là ưu việt nhất trong tổ chức sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đối với nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.

Với lợi thế về nguồn nhân lực tại chỗ, khả năng tiết kiệm chi phí, đề cao lối sống vì cộng đồng, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, HTX đã và đang phát huy được vai trò “bà đỡ” trong phát triển sản xuất, kinh doanh của hộ nông dân, tạo nên sợi dây gắn kết, đồng thuận giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân; từ đó góp phần vào thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương.

 

 

Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top