Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 8 năm 2022 | 14:20

Hưng Yên trồng nhiều giống nhãn chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng

“Nhãn lồng Hưng Yên” không còn là ngôi vị “độc tôn” sản vật nức tiếng khi xưa dùng để tiến Vua. Ngày nay, ở vùng đất này, trồng nhiều giống nhãn có chất lượng và sản lượng cao hơn nhiều giống nhãn lồng trước đây.

Nhiều giống nhãn có chất lượng cao
 
Nếu như trước đây, Hưng Yên chỉ có duy nhất loại nhãn lồng là sản vật để tiến Vua thì ngày nay nhãn lồng đã phải nhường chỗ cho những loại nhãn đột biến khác, có chất lượng và năng suất cao hơn gấp nhiều lần.
 
Anh Nguyễn Văn Hùng, người trồng nhãn tại Khoái Châu, cho biết, hiện tại số gốc nhãn lồng rất ít, vì nhãn lồng cho năng suất bấp bênh, cây già, cằn; hiệu quả kinh tế không cao. Vì thế, người dân Hưng Yên ngày nay không mấy hộ còn trồng loại nhãn lồng truyền thống này.
nhan-1.jpg
Năm 2018, sản phẩm nhãn muộn Miền Thiết của xã Hàm Tử được cấp chứng nhận sản phẩm đạt OCOP 4 sao.

 

 
Năm 1986, gia đình của ông Miền, bà Thiết (Khoái Châu) có một cây nhãn lồng cổ thụ, qua quá trình chọn lọc đột biến tự nhiên đã cho ra đời một dòng nhãn mới có chất lượng và sản lượng cao hơn nhiều lần giống nhãn lồng truyền thống. Vì được phát hiện tại gia đình ông bà Miền, Thiết nên dòng nhãn này được đặt tên của chính hai ông bà này và cây nhãn này được công nhận là cây đầu dòng hay nhãn Tổ.
 
Nhãn muộn Miền Thiết có đặc điểm quả to, màu vàng sáng (khoảng 50 - 70 quả/kg), vỏ dày, có nhiều gai nổi rõ, ít bị nứt quả, ăn có vị ngọt thơm mát và là một trong những giống nhãn quí cho năng suất cao. Nhãn muộn có thời gian thu hoạch khác biệt hoàn toàn so với nhãn chính vụ, khoảng từ đầu tháng 9 đến 15/10 và thời gian treo quả trên cây dài nên nhà vườn có thể thu hoạch rải vụ và bán với giá cao trên thị trường. Mặt khác, đặc điểm nổi trội của giống nhãn muộn là tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao và ổn định hơn những giống nhãn thường.
nhan-2.jpg
Sản phẩm nhãn Miền Thiết được người tiêu dùng lựa chọn tại các Hội chợ, triển lãm đặc sản OCOP trên toàn quốc. Ảnh: Trần Quang

 

 
Cũng là dòng nhãn có chất lượng và sản lượng cao, nhãn Hương Chi siêu ngọt lại được trồng chủ yếu tại các xã Hồng Châu (thành phố Hưng Yên). Quả nhãn Hương Chi khá to, vỏ mỏng, hạt nhỏ, cơm nhãn dày, khi ăn cảm giác giòn, thơm và rất ngọt nên những người ưa thích ăn ngọt sẽ rất chuộng loại nhãn này.
 
Còn ở huyện Ân Thi lại có giống nhãn Cùi Vân được trồng ở xã Hạ Lễ nhiều năm nay, theo những người cao niên trong xã, có cây nhãn già nhất khoảng 80 năm tuổi. Giống nhãn này có đặc điểm cùi dày, trắng trong hơi ngà vàng. Đến thời điểm chín, cùi róc, ăn giòn, vị ngọt đậm đà, đặc biệt mang hương đặc trưng của giống nhãn truyền thống. Trên cùi nhãn có các đường vân nên được người dân địa phương đặt tên là nhãn Cùi Vân. Nhãn Cùi Vân có 2 dòng, về cơ bản các đặc điểm giống nhau và có chất lượng như nhau, nhưng có một vài đặc điểm có thể phân biệt, như: Màu sắc vỏ quả, màu sắc của cùi và độ dài, to của lá.
 
Ngoài ra, Hưng Yên còn một giống nhãn cổ rất ngon và được trồng tại một số vườn nhãn lâu năm, đó là nhãn đường phèn. Nhãn đường phèn là loại nhãn cây, có thân cao, tán rộng, rất kén đất trồng và chăm sóc. Đặc điểm của giống nhãn này là quả nhỏ, hạt nhỏ giống như hạt đỗ, khi ăn có vị ngọt thanh của đường phèn, mùi thơm đặc trưng mà không một loại nhãn nào có được.
 
Trung bình, sau khi trồng khoảng 3 năm, nhãn đường phèn mới cho quả. Đây là loại nhãn có sản lượng thấp, tốn công chăm sóc nên rất hiếm thấy (chỉ sót lại ở trong những gia đình có vườn nhãn cổ thụ). Vào mùa nhãn, rất nhiều thực khách đã tới Hưng Yên và săn lùng loại nhãn này với mức giá rất cao để thưởng thức.
 
Sản xuất theo hướng VietGAP để nâng cao giá trị, thương hiệu trái nhãn
 
Từ năm 2014, nông dân của xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu đã liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) nhãn Miền Thiết. Từ đây, các hộ trong HTX đã cùng nhau thực hiện quy trình trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đưa loại đặc sản này đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
 
Năm 2017, quả nhãn Miền Thiết Hưng Yên được cấp chứng nhận địa lý - một bước quan trọng trong việc định vị thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho nông sản nổi danh này. Nhiều hộ nông dân trồng nhãn trong huyện Khoái Châu đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất với quy trình khép kín, chặt chẽ từ khâu cắt tỉa, tạo tán, bón phân, phù hợp theo từng thời điểm; tưới nước và giữ độ ẩm cho cây, chăm sóc để bảo đảm cây ra hoa tốt, đậu quả nhiều, không bị rụng quả non. Mỗi cây nhãn đều được đánh số thứ tự và được chăm sóc, theo dõi hàng ngày để bảo đảm chất lượng quả tốt nhất.
 
Nhờ áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất, sản lượng nhãn của Khoái Châu tăng nhanh, nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm nhãn Hưng Yên, được người tiêu dùng tin tưởng và luôn bán được giá cao hơn giá nhãn đại trà 1,2 - 1,3 lần. Năm 2018, sản phẩm nhãn muộn Miền Thiết của xã Hàm Tử được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
 
Ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Tử, cho biết: Nhờ nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị trường, sản xuất theo hướng hàng hóa, sản phẩm nhãn Miền Thiết xã Hàm Tử đã đạt được nhiều chứng nhận quan trọng như chứng nhận VietGAP, chứng nhận OCOP, giúp cho vùng trồng nhãn của Hàm Tử khẳng định được thương hiệu của mình, giải quyết vấn đề đầu ra cho người trồng nhãn.
 
Ông Đỗ Đức Kha, Giám đốc hợp tác xã nhãn Cùi Vân HL1 - HL2, cho biết: Năm 1994, từ ghép cải tạo 20 cây nhãn cùi cổ của địa phương, đến nay, gia đình đã có 6 sào nhãn giống Cùi Vân.
 
Nhãn Cùi Vân của hộ ông Kha được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên đạt giải Nhì tại cuộc thi nhãn ngon tỉnh Hưng Yên năm 2020.
 
Hiện nay các hộ thành viên của HTX nhận thức cao về việc bảo tồn và phát triển giống nhãn đặc sản của địa phương nên đang ghép cải tạo chuyển dần từ các giống nhãn khác sang nhãn Cùi Vân. Thời gian tới, diện tích nhãn của xã ước tăng lên 50 - 70ha. Ngoài ra, giống nhãn Cùi Vân còn được bán sang nhiều địa phương khác trong tỉnh.
 
Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Ân Thi, cho biết: Ân Thi là huyện nông nghiệp, vì vậy, sản phẩm nông nghiệp được huyện quan tâm. Đặc biệt, các sản phẩm mang tính đặc sản sẽ được xây dựng thương hiệu, xây dựng sản phẩm OCOP, trong đó có nhãn Cùi Vân. Đại hội Đảng bộ huyện Ân Thi nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu là nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, có giải pháp nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, mở rộng diện tích cây ăn quả theo quy trình VietGAP, trong đó cải tạo vườn tạp, giống nhãn chất lượng thấp thay bằng giống nhãn chất lượng cao, nhãn đặc sản. Đối với giống nhãn Cùi Vân, huyện sẽ quan tâm hơn việc xúc tiến thương mại, tiếp cận mở rộng thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài.
 
Nhãn Hưng Yên sang thị trường nước ngoài
 
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, trong ngày 10/8 vừa qua, gần 10 tấn nhãn Việt Nam với chất lượng bảo đảm được Công ty Hoa Australia đưa ra thị trường Melbourne và phân phối dọc các thành phố ven biển, đồng thời phối hợp với Thương vụ quảng bá Tuần lễ nhãn Việt Nam.
 
Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, năm nay, Thương vụ Việt Nam tại Australia tiếp tục tổ chức Tuần lễ nhãn Việt Nam với tên gọi “Nhãn Việt Nam mình năm 2022” như một lời giới thiệu hàng năm với bạn bè Australia và nhắn gửi đồng bào thưởng thức hương vị quê nhà.
 
Tại 2 bang Nam và Tây Australia, nhãn của Công ty Rồng Đỏ do Công ty 4Waysfresh phân phối, tiếp tục được người dùng đánh giá cao trong các tháng gần đây. Nhà nhập khẩu 4Waysfresh cho biết đang chờ Công ty Rồng Đỏ gửi tiếp nhãn đến Australia, căn cứ mùa vụ.
2_20220809222009.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam (người thứ 2 từ phải qua) tại Lễ hội Nhãn lồng Hưng Yên.

 

 
Phát biểu khai mạc Lễ hội Nhãn lồng Hưng Yên năm 2022 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hùng Nam nhấn mạnh: Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên là sự kiện xúc tiến thương mại của tỉnh, đồng thời là ngày hội của những người trồng nhãn Hưng Yên nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nhãn lồng Hưng Yên đến các địa phương trong cả nước và quốc tế. Qua đó, tạo thuận lợi để người tiêu dùng được thưởng thức sản phẩm nhãn lồng chất lượng, đồng thời thúc đẩy các hợp tác xã, nhà vườn thực hiện tốt việc trồng, chăm sóc nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm, giữ gìn thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên. Thông qua lễ hội, các chủ vườn, hợp tác xã trồng nhãn trên địa bàn tỉnh có thêm cơ hội ký kết được nhiều hợp đồng, hợp tác sản xuất, cung ứng sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban tổ chức lễ hội chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để du khách tham quan; các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước kết nối thành công với các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, nhà vườn của tỉnh; các cơ quan có liên quan bảo đảm an toàn, thuận lợi cho các đại biểu, quý khách dự các sự kiện của lễ hội, trải nghiệm thực tế các trang trại, nhà vườn trồng nhãn và tham quan các di tích lịch sử văn hóa của Hưng Yên.
 
Tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2022 vừa qua, có trên 200 tập đoàn, công ty và thương nhân, doanh nghiệp trong và nước và các HTX tham gia ký kết tiêu thụ nhãn, đây thực sự là một tín hiệu vui cho trái nhãn – đặc sản của tỉnh Hưng Yên.
 
Với cách làm hiện nay của tỉnh Hưng Yên trong việc xúc tiến việc tiêu thụ trái cây nói chung và quả nhãn nói riêng, sẽ giúp cho người trồng nhãn yên tâm hơn với việc tiêu thụ mỗi khi đến vụ thu hoạch.
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top