Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 31 tháng 5 năm 2019 | 22:2

Khả năng cấp đông của các doanh nghiệp còn hạn chế

Trước diễn biến của dịch tả lợn châu Phi đang rất phức tạp, cơ quan báo chí đặt câu hỏi với Lãnh đạo Bộ Công Thương về đề xuất cấp đông thịt lợn sẽ được thực hiện thế nào trong thời gian tới để thu hút doanh nghiệp tham gia thu mua?

Chiều nay (31/5), tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện khả năng cấp đông của các doanh nghiệp còn rất hạn chế.
 
hải-cong-thuong.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, việc thu mua thịt lợn và sau đó cấp đông, đây là chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và gần đây nhất là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ngày 17/5 vừa qua, trong đó yêu cầu rất nhiều các bộ, ngành liên quan đến việc tập trung xử lý dịch tả lợn châu Phi.
 
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực. Tuy nhiên, hiện nay dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng, theo phán đoán có khả năng sẽ ảnh hưởng tới tất cả các tỉnh thành, địa phương trên cả nước.
 
Về phía Bộ Công Thương chúng tôi xác định đây là việc toàn dân, các bộ, các ngành trong đó có Bộ Công Thương và cũng để thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, và trực tiếp gần đây là Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng. Ngày hôm qua chúng tôi đã tổ chức cuộc họp bàn gồm có Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các bộ ngành liên quan và các doanh nghiệp với tất cả các Sở Công Thương, Sở NN&PTNT trên địa bàn toàn quốc đề bàn về vấn đề này.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết thêm, cấp đông thịt lợn phải xác định đây là việc hết sức khó khăn. Thứ nhất khả năng cấp đông của các doanh nghiệp thu mua, giết mổ của Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế. Việc cấp đông sản phẩm thịt lợn trong thời gian dài với số lượng lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn lực cơ sở hạ tầng cũng như tài chính.
 
Thứ hai cơ sở vật chất của các cơ sở giết mổ tập trung hiện nay ở Việt Nam còn rất hạn chế, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu của các cơ sở chế biến, cấp đông. Hiện, cả nước chỉ có 387 cơ sở giết mổ tập trung trong khi có 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Hồng.
 
Thứ ba, nhu cầu, thói quen tiêu dùng thịt lợn cấp đông của người dân Việt Nam còn rất hạn chế, chưa phổ biến, gây lo ngại cho các doanh nghiệp đầu mối khi họ đã thu mua, cấp đông, trong việc dự trữ và bán các sản phẩm ra sau này. Rất nhiều doanh nghiệp cho biết họ có thể làm những việc này theo chỉ đạo của các cấp ngành nhưng sau này có bán được hay không vẫn là câu hỏi lớn.
 
Điểm khó khăn thứ tư là một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng thịt lợn nhập khẩu từ nước ngoài nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm đầu ra phù hợp với yêu cầu của khách hàng nên thịt lợn cấp đông sẽ đi nhiều hơn vào các cơ sở chế biến thực phẩm, còn trực tiếp tới tay khách hàng thì còn khó khăn.
 
pha-chế-thịt-lợn-sạch-ảnh-hải-ninh.jpg
Pha chế thịt lợn sạch tại cơ sở giết mổ Thanh Trì - Hà Nội (ảnh Hải Ninh)

 

Tuy nhiên, giá của các sản phẩm thịt lợn tại thời điểm này còn rất thấp, thậm chí rất khó bán, trong khi người nông dân còn tồn không bán được và hằng ngày vẫn phải cho lợn ăn, nguy cơ dịch lan đến gây chết cho cả đàn lợn là rất cao. Trong khi cũng phải tính đến cung cầu của mặt hàng thịt lợn, ví dụ trong 3-4 tháng nữa, đặc biệt dịp trước tết cổ truyền của Việt Nam cũng không còn nhiều. Liệu lúc đó có đủ thực phẩm, mặt hàng thịt lợn vốn tiêu dùng rất phổ biến ở Việt Nam cho người tiêu dùng hay không
 
Tại buổi họp của Bộ Công Thương ngày hôm qua, sau khi nghe các ý kiến bộ ngành địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu mối mà sau là những người thu mua và cấp đông thịt lợn, chúng tôi đã tập hợp các ý kiến để  báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định những giải pháp. Mục đích, thứ nhất là phải nhanh nhất đưa ra những quyết định phù hợp có thể đưa ngay vào cuộc sống.
 
Đứng trước nguy cơ nguồn cung thịt lợn cho nhu cầu của người tiêu dùng trong những dịp lễ tết, trong khi ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến rất phức tạp, số lượng lợn mắc dịch phải tiêu hủy đã lên đến hàng chục nghìn con. Vì vậy, cấp đông thịt lợn để làm nguồn dự trữ trong lúc này là một việc làm hết sức cần thiết, vừa bảo đảm được nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng, vừa không làm thiệt hại cho người chăn nuôi khi phát hiện lợn bị mắc bệnh.
 
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top