Nằm trong vùng lõi rừng đặc dụng, khí hậu quanh năm mát mẻ, những năm qua, xã Khau Tinh (Na Hang - Tuyên Quang) đẩy mạnh phát triển trồng rau vụ đông trái vụ theo hướng hàng hóa, bước đầu mang lại hiệu quả.
Chuyển đổi cây trồng
Tận dụng lợi thế địa phương, gia đình chị Hoàng Thị Thu Trang, thôn Khau Tinh mạnh dạn chuyển 1.500m2 trồng lúa sang trồng bắp cải trái vụ.
Trong quá trình chuyển đổi, chị Trang được tham gia các lớp tập huấn trồng rau theo quy trình VietGAP. Qua tập huấn và thực tế, chị thấy trồng rau bắp cải trái vụ phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, cây phát triển tốt, cuốn bắp nhanh, bắp có trọng lượng nặng hơn. Tính trên 1 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), bắp cải trồng trái vụ hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Theo chị Trang, để trồng bắp cải trái vụ đạt tiêu chuẩn VietGAP, gia đình chị đều đặn bắt sâu cho rau 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối. Ngoài ra, chị còn sử dụng ớt và tỏi giã nhuyễn để phun cho rau. Trồng theo quy trình này mất thời gian hơn so với trồng rau bình thường nhưng về chất lượng, rau đảm bảo an toàn, sạch, được người tiêu dùng tìm mua.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Khau Tinh, cho biết, trước nhu cầu của người tiêu dùng về sử dụng nông sản sạch, an toàn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xã chỉ đạo nông dân phát triển các loại cây rau theo hướng sản xuất an toàn, hàng hóa.
Toàn xã có 230ha đất màu, trong đó có trên 18ha trồng rau đậu các loại, đặc biệt, có 2,5ha rau vụ đông trồng trái vụ theo quy trình VietGAP như: bắp cải, su su, su hào… Kết quả cho thấy, cây rau vụ đông trồng trái vụ phát triển khá tốt. Đặc biệt, rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có sức tiêu thụ mạnh, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nhân rộng mô hình
Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Na Hang, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, xã Khau Tinh đã triển khai nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề trồng và chăm sóc rau trái vụ theo hướng an toàn, canh tác tự nhiên.
Chị Hoàng Thị Thu Trang cho biết, ở miền Bắc rất ít địa phương trồng được bắp cải vào mùa hè nên sản lượng có hạn, kéo theo đó giá bán ra thị trường tương đối cao, từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg. Qua đây cho thấy, hiệu quả từ trồng rau vụ đông trái vụ cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác.
Theo ông Bàn Văn Ta, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Khau Tinh, do là cây ngắn ngày, trồng được nhiều vụ trong năm, trong khi chi phí đầu tư thấp, giá bán tương đối ổn định nên hiệu quả của việc trồng rau theo quy trình VietGAP mang lại khá cao, gấp 3-4 lần so với trồng các loại cây trồng khác. HTX đang liên kết với 11 hộ thành viên trồng rau trái vụ an toàn theo quy trình VietGAP cung ứng ra thị trường.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Việt Thanh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Na Hang, cho biết, từ tháng 3/2019 đến nay, Khau Tinh đã trồng được 4 đợt rau vụ đông trái vụ theo quy trình VietGAP với diện tích 2,5ha.
Trung tâm đã mở lớp tập huấn về kỹ thuật, hỗ trợ 100% giống và phân bón cho người dân. Kết quả, so với trồng lúa, hiệu quả cao gấp nhiều lần. Ví dụ, trồng 1ha bắp cải được 23.000 cây, trừ 20% hao hụt, còn 17.000 cây, mỗi cây nặng 1kg, bán với giá 10.000 - 15.000 đồng/kg. Trung bình, 1ha cho thu gần 200 triệu đồng.
Những năm tới, huyện tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình trồng rau trái vụ VietGAP. Cùng với đó, tiến hành làm tem truy xuất nguồn gốc; vận động người dân vào HTX để thuận tiện cho chuyển giao kỹ thuật, trồng và tiêu thụ.
Có thể khẳng định, trồng rau an toàn trên địa bàn xã Khau Tinh góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có của địa phương, cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…