Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 2 năm 2019 | 14:37

Khoai lang Nhật ở Gia Lai “bí” đầu ra, nguy cơ bỏ thối hơn 600ha

Do "bí" đầu ra nên mặc dù đã tới thời vụ thu hoạch, nhưng hơn 600 ha khoai lang Nhật của nông dân Gia Lai vẫn ế ẩm, bị mọc mầm, có nguy cơ bị bỏ thối.

Theo phản ánh của Tiền Phong, mặc dù đã tới thời vụ thu hoạch, nhưng hơn 600 ha khoai lang Nhật của nông dân huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai vẫn không tìm được đầu ra khiến khoai thu hoạch về mọc mầm, bị hỏng.

 

khoai lang nhat o gia lai
Nông dân huyện Phú Thiện đang phải bán lẻ từng cân khoai lang. (Ảnh: Tiền Phong)

 

3ha khoai lang Nhật của gia đình anh Trần Văn Tuyến (thôn Kim Môn, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai) chưa có đầu ra, mặc dù đã quá thời vụ thu hoạch 10 ngày. Củ khoai bắt đầu mọc mầm, bị  hỏng. Anh Tuyến phải đem bán lẻ ở các chợ với giá 5 nghìn đồng/kg khoai to, 1.500 đồng/kg khoai loại nhỏ. Tuy vậy, anh Tuyến chỉ bán được một phần, 2/3 diện tích khoai còn lại phải cày nát để kịp trồng lúa. Trung bình với mỗi ha khoai lang Nhật có chi phí đầu tư 50 đến 60 triệu đồng.

Ông Phùng Trung Toàn - Chủ tịch xã Chư A Thai cho biết, năm nay khoai lang đã đến vụ nhưng không thấy tiểu thương tìm đến mua. Thậm chí có doanh nghiệp đã đặt cọc cho dân 50 triệu đồng nhưng chấp nhận mất tiền, không đến thu mua. Toàn xã có khoảng 300ha nhưng mới có khoảng 4-5 hộ bán được vài tấn cho hàng chợ.

Còn theo ông Bùi Trọng Thành - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phú Thiện, toàn huyện có hơn 600 ha khoai lang (chủ yếu 2 xã Chư A Thai và xã Ia Sol), đây là cây vụ 3 được người dân trồng sau vụ lúa nhằm cải tạo đất, tăng thu nhập. Tình trạng không có thương lái đến mua huyện chưa nắm rõ, nên phòng sẽ cho cán bộ đi kiểm tra để có hướng xử lý, giúp dân an tâm sản xuất.   

Doanh nghiệp "bỏ bom"?

Dân Việt cho hay, tại huyện Phú Thiện (Gia Lai) hiện khoai lang Nhật đang vào vụ thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua khiến hàng trăm nông dân lo lắng bỏ cả ruộng khoai. Thậm chí, doanh nghiệp "đặt cọc" nông dân trồng khoai Nhật để thu mua nhưng hiện cũng "bỏ của chạy lấy người", bỏ tiền đặt cọc...khiến người dân rơi vào tình cảnh bị "bỏ bom".

 

khoai lang nhat o gia lai
Nông dân trồng khoai lang Nhật ở Gia Lai đang chờ tiểu thương quay lại nhưng chưa biết khi nào. (Ảnh: Dân Việt)

 

Hiện tại, nhiều cánh đồng khoai già cỗi, đến vụ thu nhưng vẫn nằm im ắng lạ thường. Sợ khoai lang quá vụ bị hà (nhiễm khuẩn, tạo đốm đen trên củ khoai), nhiều hộ dân tự xoay sở, đi mời tiểu thương đến mua bán theo kiểu hàng chợ nhưng không mấy khả quan.

Nói về vụ khoai, anh Trần Văn Viên (nông dân thôn Kim Môn, xã Chư A Thai) chia sẻ: Vụ này, gia đình tôi trồng 3ha, đầu tư hơn 150 triệu đồng. Ban đầu, hy vọng vụ này thắng lớn nhưng đến nay tình hình rất xấu, khoai đến mùa thu hoạch lại không thấy ai đến hỏi mua.

Theo anh Viên,  để khoai lang lâu, bán không kịp nên phải ra chợ gọi người đến bán theo hàng chợ với giá 5.000 đồng/kg đối với khoai đẹp, loại thường chỉ bán được 1.500 đồng/kg. Họ đến mua chỉ 2 sào, còn gần 3ha còn lại họ bảo khi nào bán xong hàng sẽ quay lại mua tiếp nên phải để vậy chờ. Với giá như hiện tại chỉ đủ trả công thu hoạch và chi phí đầu tư thôi, nói trắng ra bán khoai giá này là chịu lỗ.

Theo nhiều hộ dân cho biết, đầu tư 1 ha khoai lang có giá trung bình từ 50-70 triệu đồng, nếu đi thuê đất làm thì giá còn cao hơn. Các năm trước, thời điểm giá cao bán được từ 10-15.000 đồng/kg khiến bà con rất mừng, so với trồng lúa thì lời gấp 3-4 lần. Thế nhưng năm nay không thấy thương lái tìm đến mua, cả xã Chư A Thai mới có 3-4 hộ bán được khoai nhờ “mời tiểu thương” ở chợ đến lấy hàng bán lẻ.

 

khoai lang nhat o gia lai

Hàng trăm hộ dân trồng khoai lang lo lắng vì khoai đến vụ mà không có người mua. (Ảnh: Dân Việt)

 

Trao đổi với Dân Việt, ông Phùng Trung Toàn – Chủ tịch xã Chư A Thai cho hay: “Năm nay khoai lang đến vụ nhưng không hiểu vì sao không thấy tiểu thương tìm đến mua khiến nhiều hộ dân lo lắng. Thậm chí có doanh nhiệp đặt cọc cho dân 50 triệu đồng nhưng chấp nhận mất tiền, không đến thu mua khoai vì sợ mua cũng không bán được. Toàn xã có khoảng 300ha nhưng mới có khoảng 4-5 hộ bán được vài tấn cho hàng chợ. Sự việc, xã sẽ có báo cáo tình hình sản xuất cụ thể lên huyện và ngành chức năng để tìm hướng tháo gỡ cho dân”.

Theo ông Bùi Trọng Thành - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phú Thiện: Toàn xã có khoảng 500-600ha khoai lang (chủ yếu 2 xã Chư A Thai và xã Ia Sol), đây là cây vụ 3 được người dân trồng sau vụ lúa nhằm cải tạo đất, tăng thu nhập. Mới đầu vụ năm nay chúng tôi chỉ nghe thông tin giá khoai lang xuống rất thấp, còn tình hình không có thương lái đến mua thì vẫn chưa nắm rõ, việc này phòng sẽ cho cán bộ đi kiểm tra để có hướng xử lý giúp dân an tâm sản xuất.

Giá lao dốc không phanh, nông dân lâm nợ

Trước đó, báo Nông nghiệp Việt Nam cũng phản ánh, vì ồ ạt rủ nhau trồng khoai lang Nhật nên giá của mặt hàng nông sản này "đổ đèo vun vút" khi mà loại khoai đều củ, đẹp thì bán được 3.000 đồng/kg, còn loại củ bình thường thì giá chỉ 1.000 đồng/kg nhưng thương lái vẫn không mua.

 

khoai lang nhat o gia lai
Chư A Thai là xã thuần nông của vựa lúa huyện Phú Thiện, tỉnh Gia. (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

 

Vài năm trước, nhiều người trông khoai lang Nhật "trúng đậm" bởi giá cao ngất ngưởng. Do vậy, không ít nông dân nơi đây xen canh loại cây này giữa hai vụ lúa, thậm chí có người còn bỏ tiền ra thuê đất để trồng khoai lang Nhật, đi kèm với hy vọng "đổi đời" chỉ qua mấy vụ khoai. Nguyên nhân là do vụ năm ngoái được cả mùa lẫn giá, bình quân mỗi ha khoai thu lãi cả trăm triệu đồng, gấp 8- 9 lần so với trồng lúa nên năm nay nhiều hộ tăng diện tích.

 Tuy nhiên, giấc mơ đổi đời chưa kịp đến thì thực tế, bạt ngàn những ruộng khoai thì đành... bỏ cho bò, cho gà ăn, bởi 1 kg khoai bán chưa được 1.000 đồng.

Anh Nguyễn Văn Thu vừa là người trồng khoai, đồng thời cũng là một thương lái nông sản lâu năm ở Chư A Thai. Vụ này, gia đình anh trồng 17 ha khoai lang Nhật, nhưng cũng chỉ đủ sức thu hoạch già nửa, còn lại gần 10 ha đành... lùa bò, thả gà vào cho ăn bởi "càng thu hoạch thì càng lỗ!"- anh Thu nói.

Trường hợp nông dân Lưu Văn Quang (xã Chư A Thai) khá bi đát. Trước đó, anh hành nghề mổ lợn đã nhiều năm. Mấy năm gần đây thấy trồng khoai lang Nhật có thu nhập cao, anh bỏ nghề, cùng một người bạn vay tiền ngân hàng, thuê đất để trông khoai lang Nhật. Hai ông bạn quyết định "làm ăn lớn khi gom hết tiền trong nhà, vợ anh Quang còn đi vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng, thuê đất làm chung 30 ha với bạn.

"Lúc vườn khoai được hơn 3 tháng, có một thương lái ở Lâm Đồng sang trả 1 sào 15 triệu đồng, nhưng tôi không bán. Mấy ngày sau mưa xuống, bà con đi đào thì cũng là lúc giá khoai xuống thê thảm. Khoai bình thường, 1.000 đồng/kg mà thương lái còn chê ỏng chê eo. Không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ cho ngân hàng đây. Tính riêng mùa khoai năm nay, hai anh em tôi lỗ đến 500 triệu đồng rồi".

Nỗi lo của anh Quang, cũng là nỗi lo chung của không ít người trồng khoai lang Nhật ở Chư A Thai nói riêng, ở Gia Lai nói chung.

VOV (tổng hợp)

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top