Tự phát mở rộng diện tích khiến sản lượng khoai tăng cao, khả năng tiêu thụ thấp khiến người trồng khoai đang thua lỗ nặng.
Nhiều nông dân, doanh nghiệp trồng khoai lang Nhật Bản ở huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đang lo lắng vì giá bán khoai rẻ mạt mà vẫn khó tiêu thụ. Đáng lo ngại hơn, đối với những nông dân, doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng khoai lang Nhật Bản với số lượng lớn, đang đứng trước nguy cơ nợ nần chồng chất.
Vào thời điểm này, trên các cánh đồng trồng khoai lang Nhật Bản thuộc xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, nông dân đang tập trung thu hoạch. Ông Lê Đình Khương, ở buôn Triết, xã Dur K'măl, huyện Krông Ana đã nhiều năm trồng khoai lang Nhật bản cho biết, so với mọi năm, khoai năm nay được mùa, nhưng giá lại thấp kỷ lục nên thua lỗ nặng.
“Mọi năm người trồng không có khoai để bán, nhiều khi giá khoai lên tới 15.000 – 16.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, lúc đầu vụ giá còn được 13.000 đồng/kg mua xô, nhưng đến thời điểm này, giá bán khoai chỉ còn 3.000 – 4.000 đồng/kg khiến bà con lỗ nặng. Mỗi ha tính sơ cũng lỗ tới 30 - 35 triệu đồng. Người dân mong muốn thị trường xuất khẩu ổn định để sản phẩm không bị ứ đọng, bị thua lỗ”, ông Khương xót xa.
Còn ông Nguyễn Đức Hùng cũng ở buôn Triết, xã Dur K'măl, huyện Krông Ana cho biết, năm ngoái, thấy bà con trong vùng trồng khoai lang Nhật Bản thu lời từ 80 - 90 triệu đồng/ha, ông đã vay ngân hàng 150 triệu để chuyển đổi 3 ha lúa kém năng suất sang trồng khoai.
Sau nhiều tháng đầu tư chăm sóc, ruộng khoai xanh tốt, củ nhiều, mẫu mã đẹp. Nay đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng giá xuống thấp mà vẫn khó bán nên khả năng thu hồi vốn rất khó, khoản vay ngân hàng chưa biết lấy gì để trả.
“Năm ngoái thấy người dân trồng khoai bán xô cũng được được từ 130-140 triệu đồng/ha, nên gia đình đã chuyển 3ha lúa sang trồng khoai lang. Nhưng năm nay giá bán chỉ còn 30-35 triệu đồng/ha, thậm người ta còn không muốn mua, trong khi đầu tư 1 ha thì phải mất 50 triệu đồng. Khoai không bán được, gia đình cũng phải phá bỏ để xạ lúa cho kịp vụ, tiền vay ngân hàng có khả năng phải bán bớt đất ruộng để trả”, ông Hùng buồn rầu nói.
Theo các đại lý thu mua, sở dĩ năm nay giá khoai lang Nhật Bản xuống thấp là do các địa phương trong khu vực Tây Nguyên ồ ạt trồng, với diện tích, sản lượng rất lớn. Trong khi đó thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, chủ doanh nghiệp thu mua nông sản Dũng Dung Sài Gòn ở xã Dur K'măl, huyện Krông Ana lý giải, doanh nghiệp thu mua khoai lang ở các địa bàn như huyện Krông Ana, Đắk Lắk, các tỉnh Gia Lai và Đắk Nông được hơn 4 năm, mỗi ngày thu mua khoảng 40-50 tấn.
“Năm nay giá khoai thấp kỷ lục, lúc vào vụ còn ở mức 11.000 đồng/kg nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 3.500 đồng/kg. Giá khoai rẻ là do các nơi thu hoạch đồng loạt, thời tiết ngoài bắc nóng nên người ta ít ăn. Bên cạnh đó, các công ty nhập hàng của Trung Quốc họ không nhập nhiều như trước nên cũng khiến giá khoai lang xuống thấp”, bà Dung lý giải.
Thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Krông Ana, vụ Đông Xuân năm nay, địa phương có khoảng 350 ha khoai lang Nhật Bản. Đây là vùng đất phù hợp với loại cây trồng này, nên năng suất bình quân đạt từ 18-20 tấn/ha.
Ông Võ Văn Nam, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Krông Ana cho biết, mấy năm gần đây, việc trồng khoai lang Nhật Bản đem lại hiệu quả kinh tế cao khiến người dân đổ xô trồng loại cây này. Khi cung vượt cầu, giá khoai lao dốc dẫn đến tình trạng thua lỗ là điều khó tránh khỏi.
“Hiện nay, giá khoai đã tụt xuống dưới 4.000 đồng/kg, căn cứ vào diễn biến thị trường niên vụ 2017-2018, huyện khuyến cáo người dân chỉ nên trồng khoai ở các chân ruộng cao, dễ thoát nước, tránh khu vực trũng để đạt năng suất. Bà con cũng nên chọn loại giống tốt phù hợp trồng để xuất khẩu. Những diện tích không phù hợp thì nên chuyển sang trồng các loại cây truyền thống như lúa, bắp để tránh rủi ro, thua lỗ", ông Nam cho biết.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, vụ Đông Xuân 2017-2018, toàn tỉnh có khoảng 2.000ha khoai lang Nhật Bản. Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch được khoảng 1/2.
Việc người dân mở rộng diện tích một cách tự phát, không tính đến khả năng tiêu thụ đã dẫn đến tình trạng nông sản rớt giá thê thảm, khó tiêu thụ như hiện nay. Đây là bài học không mới và rất cần phải rút kinh nghiệm, thông tin sớm đến người nông dân trong thời gian tới.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.