Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 7 năm 2021 | 14:59

Khoai lang Nhật ruột vàng chất lượng thấp, đẩy nông dân vào thế khó

Dự án được thí điểm 5ha tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà , tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, sau 4 tháng triển khai, những hộ tham gia mô hình không bán được sản phẩm vì khoai lang Nhật ruột vàng chất lượng quá thấp.

Mô hình khoai lang Nhật ruột vàng (KL20-209) thương phẩm tại Hà Tĩnh thuộc Dự án xây dựng mô hình và chuyển giao gói kỹ thuật sản xuất khoai lang (ruột vàng) phục vụ nội tiêu ở vùng Bắc Trung Bộ được triển khai tại cánh đồng cát ở xã Bắc Sơn cũ (nay là xã Lưu Vĩnh Sơn). Thời gian gieo trồng, thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 7. Đây là dự án do Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai.

anh-101.jpgChị Nguyễn Thị Lan (vợ anh Dương Đình Thái)m chủ mô hình thí điểm khoai lang Nhật ruột vàng (Kl20-209) chán nản với ruộng khoai 3ha. 

 

Anh Dương Đình Thái và anh Dương Đình Thảo, chủ mô hình thí điểm ruộng khoai 3ha (6 mẫu) trú tại xóm Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn, cho biết: Gia đình làm mô hình thí điểm 3ha khoai lang Nhật ruột vàng. Lúc về họ bảo chất lượng đạt, tốt, ngọt. Nhưng giờ thu hoạch rồi gia đình luộc ra cũng không ai ăn nữa vì khoai nhạt lại xơ nhiều. 

Thời điểm thu hoạch chính của khoai diễn ra cách đây hơn 1 tuần, tuy nhiên, vì chất lượng khoai quá thấp nên gia đình anh Dương Đình Thái mới chỉ thu hoạch khoảng 2 sào và không muốn thu hoạch thêm. Hiện trạng khoai đã hư thối, sùng hà nhiều do vừa có trận mưa lớn gây ngập, úng tại ruộng.

ảnh-141.jpg
Mô hình khoai lang Nhật ruột vàng (KL20-209) thương phẩm tại Hà Tĩnh thuộc dự án xây dựng mô hình và chuyển giao gói kỹ thuật sản xuất khoai lang (ruột vàng) phục vụ nội tiêu ở vùng Bắc Trung Bộ.

Cũng theo anh Thái: Để có được ruộng khoai này, gia đình phải đầu tư hơn 70 triệu đồng, trong đó 16 triệu đồng trả máy múc, 20 triệu đồng trả máy cày, tiền phân bón, nhân công 20 triệu đồng... Đây là số tiền không hề nhỏ đối với người nông dân, nhưng kết quả thu được sau 4 tháng vất vả ngóng trông khiến ai nấy đều buồn rầu, thất vọng. 

Số tiền đầu tư, công sức bỏ ra tại ruộng khoai rất lớn nên trong những ngày qua anh Dương Đình Thái đã gửi khoai ở nhiều nơi nhưng tới đâu cũng bảo không đạt chất lượng. “Gửi khoai ra Vinh, nếu được như khoai lang Nhật, họ lấy cả vườn. Tuy nhiên, khoai lại xơ, không ngọt nên không bán được. Mấy ngày đầu thu hoạch nhiều, khách đặt 2-3 tạ nhưng đều một đi không hồi lại. Bây giờ còn có cả khoai trắng ở giữa khoai đỏ nhưng khoai trắng cứng, vỏ sần sùi, cho bò bò cũng không nhai được. Đã nhiều ngày rồi tôi không xuống ruộng khoai nữa vì xuống nhìn ruộng khoai rộng mênh mông, không thu thì xót của, thu về chẳng biết bán cho ai", anh Thái kể.

Ghi nhận của phóng viên, ruộng khoai trồng tại bãi cát hoang hóa, được lên luống, chăm sóc đúng theo quy trình từ làm đất, xuống giống, vun gốc... Nhưng nhổ lên phải đến bụi khoai thứ 3 mới có củ, số lượng củ to, nhỏ, không đồng đều, mã xấu, lúc luộc chín vỏ đỏ, ruột không vàng mà bợt màu,  nhạt, xơ nhiều.

218745412_1512914119047082_5615741075149865395_n.jpg
Khoai luộc lên vỏ đỏ, ruột bợt, nhạt và xơ nhiều.

Bà Nguyễn Thị Mỹ, trú tại phường Văn Yên (TP. Hà Tĩnh), người đã ăn thử khoai của hộ gia đình anh Dương Đình Thái cho biết: Khoai quá nhạt, xơ nhiều, ra chợ gặp chỉ mua một lần, lần khác không mua nữa vì không ngon.

Theo dự kiến ban đầu, thu nhập từ mô hình đạt 20 triệu đồng/sào; mức giá thấp nhất 10.000 -12.000 đồng/kg. Tuy nhiên hiện tại anh Thái chỉ bán được 8.000 đồng/kg với người mua ít, mua nhiều bớt thêm nhưng giờ đành bỏ mứa cả ngoài đồng vì thương lái không hỏi tới.

218844628_492154042152858_7301944590543745381_n.jpg
Xơ khoai quá nhiều, ruột bợt.
anh-15.jpg
Chất lượng khoai quá kém gây rất nhiều khó khăn cho người nông dân vì thương lái không thu mua.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Bùi Công Thư, Phó chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn, chia sẻ: Với hộ nông dân làm mô hình thí điểm khoai lang Nhật ruột vàng, xã cũng muốn đưa về làm với hy vọng cho kết quả tốt. Xã hứa sẽ hỗ trợ 6 triệu đồng/ha khai phá đất. Tuy nhiên, kết quả hiện không như mong muốn. Để cùng tháo gỡ, xã sẽ có phương án tham mưu, cử người về kiểm tra, xác minh. Nếu cần, sẽ có chính sách hỗ trợ thêm nhưng cần phải có sự họp bàn, thống nhất trong cấp ủy.

Với những hộ tham gia trồng khoai lang Nhật không thành công, có thể chuyển đổi sang trồng các giống, loại cây khác trên vùng đất này ở nhiều vụ mùa tiếp theo để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Bùi Công Thư nói.

Cùng trao đổi về vấn đề này, đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Vì thiếu kinh phí nên trước khi tiến hành trồng không quan trắc được đất. Do đó, trong đất có những vi chất không đáp ứng được giúp khoai phát triển tốt như Bo, Ca, Magie, kẽm... Mô hình khoai lang Nhật ruột vàng (KL20-209) thương phẩm tại Hà Tĩnh được triển khai từ 3 năm trước. Với giống khoai này, chỉ xã Lưu Vĩnh Sơn là có vấn đề, còn các điểm ở các xã khác như Thạch Văn, Nghi Xuân không có vấn đề gì.”

Hiện đã được gửi mẫu khoai ra phụ trách khu vực vùng Bắc Trung Bộ và chủ tác giả giống khoai lang này để cùng phân tích và tìm phương án giải quyết”.

 

 

Hoàng Hằng
Ý kiến bạn đọc
Top