Với quyết tâm làm giàu, vợ chồng anh chị Trương Nhật Tiến - Nguyễn Thị Cẩm Vân ở thôn Trung An, xã Hải Khê (Hải Lăng - Quảng Trị) đã từ bỏ công việc với mức thu nhập khá ở tỉnh Bình Dương, về quê khởi nghiệp bằng trang trại nuôi vịt khép kín.
Doanh thu hơn 200 triệu đồng/tháng
Chị Vân cho biết, vốn là nhân viên của công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở tỉnh Bình Dương nên anh chị có cơ hội được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều mô hình chăn nuôi, trong đó có mô hình nuôi vịt khép kín từ nuôi vịt đẻ lấy trứng - ấp nở - bán vịt con. Cơ duyên đến với gia đình anh chị vào cuối năm 2017, khi về quê thăm người thân, chị được biết xã Hải Khê có chủ trương quy hoạch khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các hộ chăn nuôi với quy mô lớn khi xây dựng trang trại. Nhận ra cơ hội làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, trở lại Bình Dương, chị bàn với chồng rồi quyết định xin nghỉ việc về quê lập nghiệp.
Ổn định cuộc sống xong, anh chị đến UBND xã Hải Khê xin được cấp đất mở trang trại nuôi vịt khép kín với quy mô 1.000 - 2.000 con. “Khi nghe vợ chồng tôi trình bày dự án trang trại chăn nuôi vịt khép kín của mình xong, lãnh đạo UBND xã quyết định cấp cho chúng tôi 4.000m2 đất tại vùng chăn nuôi tập trung của xã”, anh Tiến cho hay.
Đầu năm 2018, anh chị dốc toàn bộ nguồn vốn tích lũy, vay thêm bạn bè và ngân hàng được gần 450 triệu đồng xây dựng chuồng nuôi, bể nước để vịt bơi lội, mua một lò ấp trứng công nghiệp bằng điện và thả nuôi 1.000 con vịt đẻ.
Tham quan trang trại của chị Vân, chúng tôi thấy chuồng trại được xây dựng thoáng mát, yên tĩnh, không bị ẩm ướt, dễ xử lí chất thải, được đầu tư bài bản từ hệ thống nước uống, máng ăn, thông gió, ánh sáng; 2 bể nước rộng gần 50m2/bể dùng cho vịt bơi lội được thay nước hằng ngày…, tất cả nhằm mục đích cho vịt phát triển tốt và đảm bảo vệ sinh môi trường. Lò ấp trứng được xây tách biệt hẳn với khu chuồng trại để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho con giống.
Chị Vân cho biết, mỗi ngày đàn vịt 1.000 con trong trang trại đều đặn cho 700 - 750 quả trứng. Sau khi thu nhặt, trứng được phân loại, chọn lựa kĩ càng và đưa ngay vào lò ấp tự động. Do có chất lượng tốt nên vịt con ra lò đến đâu được thương lái thu mua hết đến đó, nhiều khi không đủ cung cấp cho thị trường. “Bình quân mỗi tháng gia đình cho ra lò khoảng 20.000 vịt con 1 ngày tuổi. Không chỉ cung cấp cho người nuôi trong tỉnh và các tỉnh lân cận mà còn vươn sang nước bạn Lào. Với giá bán 11.000 đồng/con, ước doanh thu mỗi tháng hơn 200 triệu đồng”, chị Vân chia sẻ.
Phải tuân thủ quy trình kĩ thuật
Theo chị Vân, nuôi vịt theo mô hình khép kín này không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ đúng quy trình kĩ thuật, nhất là khâu chọn giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Theo đó, để có đàn vịt đẻ tốt, người nuôi nên tìm mua giống ở những cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng; tiếp đó cần đảm bảo tỉ lệ đực cái trong đàn để đạt tỉ lệ ấp nở cao.
Cụ thể đối với đàn vịt của mình, chị luôn đảm bảo tỉ lệ 1 vịt đực - 4 vịt mái. Sau 5 - 5,5 tháng nuôi, vịt bắt đầu đẻ trứng và đẻ liên tục trong vòng hai năm. Để vịt đẻ đều, trứng to, vịt đẻ cần được cung cấp thêm ánh sáng, chiếu sáng nhân tạo bổ sung vào ban đêm để kích thích vịt đẻ trứng; sau hai năm nên tiến hành thay đàn vịt mới nhằm tăng năng suất và chất lượng trứng.
Để đàn vịt khỏe mạnh, cho năng suất trứng cao thì quá trình vịt đẻ trứng phải chú ý đến chế độ ăn uống của vịt. Cho vịt ăn đầy đủ, thức ăn có chất lượng cao để tăng sức đề kháng cho đàn vịt nuôi. Chú trọng công tác vệ sinh phòng bệnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên và tiêm phòng vắc xin theo đúng quy định.
Ngoài ra, phải đảm bảo chuồng trại luôn thoáng mát, nền chuồng cao ráo, thoát nước, đảm bảo ấm về mùa đông và mát về mùa hè; có diện tích mặt nước để vịt tắm táp, bơi lội.
Việc ấp nở cũng phải cẩn trọng, đảm bảo nền nhiệt ổn định theo từng mùa. “Với thời tiết nắng nóng gay gắt, hằng ngày cần phải cho vịt uống nước điện giải Gluco, bổ sung thêm vitamin C để tăng sức đề kháng cho đàn vịt, đảm bảo năng suất trứng”, chị Vân lưu ý.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…