Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 18 tháng 12 năm 2017 | 1:54

Kinh tế vườn khu vực miền núi phía Bắc: Tiềm năng còn bỏ ngỏ!

Những câu chuyện được chia sẻ tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chuyên đề: Giải pháp phát triển bền vững kinh tế vườn khu vực miền núi phía Bắc do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Sơn La mới đây cho thấy tiềm năng to lớn từ kinh tế vườn bởi vừa có thể kết hợp phát triển du lịch sinh thái vừa hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Mô hình thâm canh tăng năng suất thanh long ruột đỏ tại xã Vân Trục (Lập Thạch - Vĩnh Phúc).

Kết hợp làm du dịch

Ông Cao Văn Công, chủ trang trại Hồng Công, bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu - Sơn La) là người say mê làm kinh tế trang trại, trồng các loại cây ăn quả kết hợp với làm du lịch. Sau khi đi khảo sát ở nhiều nơi, đến năm 2002, ông đã mua được khu đất đồi ở bản Áng với diện tích 11,5ha.

Sau đó, ông bắt đầu cải tạo mặt bằng, xây các công trình như nhà tiếp khách, nhà nghỉ, nhà ăn,... Phía dưới chân đồi, ông dành để trồng các loại cây ăn quả với diện tích 7ha (cam 1.000 cây, xoài 800 cây, bưởi 500 cây, bơ 500 cây, nhãn 500 cây, ổi 500 cây…). Đến năm 2013, các công trình xây dựng cơ bản của khu trang trại sinh thái đã cơ bản hoàn thành và từ năm 2014, khu trang trại du lịch sinh thái Hồng Công đi vào kinh doanh ổn định, doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016, doanh thu của trang trại đạt 5,9 tỷ đồng, trong đó, thu từ vườn cây ăn quả 3,5 tỷ đồng;  sản xuất và bán giống cây ăn quả 1,3 tỷ đồng; hoạt động tham quan, du lịch, ăn nghỉ 1,1 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu của trang trại dự kiến đạt 6,5 tỷ đồng, trong đó riêng cây ăn quả đạt khoảng 3,5 tỷ đồng.

Phát triển vườn cây ăn quả có múi

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông Đặng Văn Bình, xóm Đồng Huống, xã Liên Hòa (Lạc Thủy - Hòa Bình) đã thực hiện thành công mô hình trang trại trồng trọt với  30ha cam và bưởi. Doanh thu hàng năm đạt 18 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Năm 2010, ông thuê đất và biến những khu đất đồi, đồng hoang cỏ dại thành đồi cây cam xanh tốt. Đến nay, diện tích cam Canh của ông đạt 20ha. Sau nhiều năm, ông Bình đã nắm chắc kỹ thuật từ cách trồng, xử lý cây ra hoa đúng thời kỳ…, nhờ đó, vườn cam của ông lúc nào cũng sai quả. Hàng năm ông xuất bán ra thị trường khoảng 600 tấn quả.

Thuận đà làm ăn, ông đầu tư trồng tiếp bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, bưởi Hoàng Trạch… với diện tích  lên tới 10ha.

Làm giàu từ cây nhãn

Gia đình ông Bùi Văn Mến, xóm Khoang, xã Sơn Thủy (Kim Bôi - Hòa Bình) là một trong những hộ mạnh dạn đưa cây nhãn Hương chi vào trồng từ năm 2000 với diện tích 7.000m2 đấu thầu của hợp tác xã và đến năm 2005, mở rộng lên 2ha, với sản lượng ngày một tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Cây nhãn dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh và phù hợp với đất đai và khí hậu địa phương.  Tuy nhiên, để giúp cây cho năng suất và sản lượng cao thì đòi hỏi nhà vườn phải nắm chắc kỹ thuật như: chăm sóc, bón phân đúng lúc, đúng thời kỳ. Việc xử lý ra hoa, đậu quả đều phải tính toán kỹ mới đem lại thành công. Từ khi bắt đầu trồng, ông Mến luôn tuân thủ các bước kỹ thuật, đồng thời học hỏi những hộ làm trước.

Với khoảng 500 gốc nhãn đang trong thời kỳ cho khai thác, gia đình ông Mến thu được khoảng 35-40 tấn quả, trừ chi phí, vụ nhãn năm 2017, ông thu về 500 - 600 triệu đồng.

Đến mùa thu hoạch, thương lái khắp nơi tìm đến tận vườn thu mua sản phẩm nên ông Mến không phải lo về đầu ra.

Từ mô hình của ông Mến, giờ đây  nhãn đã được phủ khắp các vùng đồi của xã Sơn Thủy. Nhãn ở Sơn Thủy có mẫu mã đẹp, quả to, vỏ mỏng, cùi dầy, ngọt dịu, được thị trường ưa chuộng. Trình độ thâm canh của người dân, nhất là thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, được nâng cao.

Đến nay, tại Sơn Thủy, nhiều hộ đã có thu nhập từ 100 triệu đồng đến nửa tỷ đồng sau mỗi vụ nhãn. Từ nguồn thu từ nhãn, đời sống, bộ mặt nông thôn của xã thay đổi nhiều. Nhiều hộ trong xã đã có ô tô đời mới, xây nhà, cho con cái ăn học đàng hoàng từ trồng nhãn.

Ông Bạch Công Lương, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, cho biết: Sau gần 20 năm phát triển, nhãn đang là cây trồng chủ lực giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Năm 2017, với diện tích nhãn  107ha, trong đó có 59ha đang trong thời kỳ khai thác, tổng sản lượng nhãn toàn xã ước đạt 700 tấn (năm 2016 khoảng 550 tấn). Định hướng trong thời gian tới, xã sẽ nhân rộng diện tích nhãn lên khoảng 130ha và tiếp tục chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng nhãn nhằm giúp người nông dân có thu nhập cao. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, xã luôn chú trọng thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã sản phẩm, bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn nhãn hiệu tập thể, chuyển đổi cơ cấu cây trồng bền vững và hiệu quả”.

Cây nhãn cũng đang mang lại cuộc sống ấm no cho người dân xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên). Do đặc điểm tự nhiên, khí hậu, đất đai tiểu vùng, ở Phúc Thuận đã hình thành vùng cây ăn quả 400ha, trong đó có hơn 200ha nhãn, còn lại là cam, thanh long, ổi, bưởi. Tỉnh, thị xã đã quy hoạch, đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng cây ăn quả này bằng việc xây dựng hạ tầng, đường giao thông nội vùng, mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cải tạo giống với phương pháp ghép mắt… để nâng cao năng suất, chất lượng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Ông Nguyễn Viết Quỳnh, xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận cho biết, người dân ở đây chủ yếu là từ huyện Khoái Châu (Hưng Yên) lên khai hoang, lập nghiệp từ năm 1974 và đã mang theo giống nhãn quê hương trồng nơi quê mới. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cây nhãn đã phát triển có diện tích lớn như hiện nay. Tuy nhiên, để phát triển thành vùng cây ăn quả hàng hóa, ổn định ở Phúc Thuận, rất cần sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước về xây dựng đường giao thông, tạo nguồn nước cho thủy lợi, giống, vốn, nhất là xây dựng, bảo hộ thương hiệu “Nhãn Phúc Thuận”.

Được biết, tỉnh Thái Nguyên đang xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó đưa Phúc Thuận là một trong bốn điểm xây dựng vùng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, với quy mô 310ha trồng nhãn lồng, bưởi, cam. Đây là những cây chủ lực góp phần quan trọng làm nên giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên.

Thanh long ruột đỏ trên đất Lập Thạch

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Phúc có những bước phát triển khá mạnh. Năng suất, sản lượng cây trồng đều tăng cao. Những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như: giống mới, quy trình kỹ thuật canh tác mới, áp dụng cơ giới hóa,... được nông dân ứng dụng và nhân rộng. Sản xuất trồng trọt đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, có năng suất, chất lượng cao, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa tương đối lớn, có sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Dưa chuột An Hòa (Tam Dương), su su Tam Đảo, bí đỏ Vĩnh Tường, thanh long ruột đỏ Lập Thạch...

Tổng diện tích các loại cây lâu năm của Vĩnh Phúc là 8.342 ha. Trong đó, cây ăn quả 7.806ha, thanh long 166ha. Riêng sản phẩm “Thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ số 239720, tại Quyết định số 7766/QĐ-SHTT ngày 20/02/2015.

Đến nay, diện tích trồng cây thanh long trên địa bàn Vĩnh Phúc đạt 166ha, được trồng rải rác một số địa phương trong tỉnh và được trồng tập trung ở huyện Lập Thạch (diện tích trồng thanh long của huyện Lập Thạch khoảng 120ha, chủ yếu là giống thanh long ruột đỏ).

Tại huyện Lập Thạch, ban đầu cây thanh long ruột đỏ được trồng ở các xã Vân Trục,  Xuân Hòa. Đây là loại cây trồng sai quả, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, ruột quả đỏ tím, ăn ngọt (độ đường 16 - 18%), hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu vitamin và chất khoáng..., thích nghi với đặc điểm đất đai, khí hậu của xã Vân Trục. Thời gian cho thu hoạch hàng năm kéo dài từ tháng 3 đến tháng 12, sau khi thu hái trong điều kiện thường có thể để được từ 20 - 25 ngày nên thuận tiện trong việc vận chuyển và bán tại các chợ.

Để xây dựng vùng sản xuất thanh long ổn định, tập trung, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cho hiệu quả kinh tế cao, vừa tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao giá trị sản xuất trên đất vùng đồi gò, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời cải thiện môi trường sinh thái... cần chủ động nguồn giống thanh long tại chỗ phục vụ bà con nông dân có nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Năm 2010, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3174/QĐ-CT ngày 29/10/2010 về việc phê duyệt dự án thí điểm trồng thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch giai đoạn 2011 - 2013.

Dự án được thực hiện trên 03 xã: Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ huyện Lập Thạch với quy mô là 100ha. Sau 3 năm triển khai thực hiện dự án, tổng diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện đạt khoảng 120ha. Hiện nay, mỗi trụ bình quân cho từ 15 - 20kg quả/năm, với giá bán bình quân tại vườn là 40.000 đồng/kg, thu nhập bình quân đạt 350 - 400 triệu đồng/ha/năm.

Cuối năm 2017, rau quả nổi lên là một điểm sáng trong xuất khẩu nông sản, nhiều thị trường khó tính đã chấp nhận trái cây của Việt Nam, vì vậy, tiềm năng phát triển của kinh tế vườn là vô cùng lớn. Việc còn lại là chính quyền địa phương, ngành chức năng và người nông dân phải làm sao để phát huy tiềm năng, thế mạnh này.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top