Tận dụng lợi thế điều kiện tự nhiên, người dân xã Nhơn Nghĩa A (Châu Thành A - Hậu Giang) mạnh dạn chuyển từ cây lúa sang trồng cây ăn trái. Điều này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nơi đây.
Sống bằng nghề vườn
Nhơn Nghĩa A giáp ranh với thành phố Cần Thơ, nơi có thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn; đồng thời có tuyến kênh xáng Xà No đi qua đã mang về nguồn nước ngọt và lượng phù sa phong phú hàng năm. Tận dụng những lợi thế trên, từ vài hộ dân chuyển đổi từ cây lúa, vườn tạp sang trồng cây ăn trái mang lại nguồn thu nhập hấp dẫn thì đến nay hầu hết người dân trong xã đều sống bằng nghề vườn.
Ông Huỳnh Văn Của, Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa A, cho biết: Người dân nơi đây làm lúa cũng đạt năng suất và chất lượng không thua gì các địa phương khác trong huyện. Tuy nhiên, đa phần bà con ở đây có ít đất canh tác, mỗi hộ chỉ có vài công. Do đó, dù làm lúa có đạt năng suất cao nhưng nguồn thu nhập mang lại không đáng kể. Chính vì vậy, nhiều hộ đã quyết định chuyển sang trồng cây ăn trái. Thấy hiệu quả nên bà con lân cận cũng làm theo.
Qua thống kê của xã Nhơn Nghĩa A, hiện diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn là 650,5ha, chiếm khoảng 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã. Một số loại cây trồng chủ lực được người dân chọn canh tác là nhãn Ido, sầu riêng, dâu, cam sành, chanh không hạt, vú sữa... Trong đó, riêng cây nhãn Ido có hơn 300ha. Điều làm cho nhà vườn nơi đây cảm thấy an tâm sản xuất là, bà con luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, nguồn vốn thông qua nhiều chương trình, đề án của tỉnh và huyện. Đặc biệt, thị trường đầu ra và giá bán trái cây trong những năm gần đây luôn ổn định, nhà vườn có nguồn thu nhập hấp dẫn để trang trải cuộc sống gia đình, trong đó không ít hộ có được cơ ngơi vững chắc từ mảnh vườn của mình.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn dâu (giống dâu xanh đường) của gia đình rộng 0,8ha hơn 10 năm tuổi, ông Trần Văn Đô, một trong những hộ trồng dâu đầu tiên ở ấp Nhơn Phú 2, chia sẻ: “Để đa dạng sản phẩm trái cây, hạn chế tình trạng dội chợ, tôi quyết định gắn bó với cây trồng này. Hơn nữa, trồng dâu nhẹ công chăm sóc, chi phí thấp (khoảng 2-4 triệu đồng/công/vụ) nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, với vườn dâu của tôi hiện tại thì khi thu hoạch sẽ cho năng suất 3-4 tấn trái/công, giá bán nhiều năm qua không dưới 10.000 đồng/kg. Như vậy, trừ chi phí sản xuất, mỗi năm gia đình có thu nhập không dưới 200 triệu đồng từ cây dâu, nhiều hơn gấp 3 lần so với trồng lúa trước đây”.
Nhãn Ido, một trong các loại cây trồng chủ lực ở xã Nhơn Nghĩa A.
Để giúp người dân chủ động nguồn nước trong sản xuất, thông qua Chiến dịch giao thông - thủy lợi mùa khô hàng năm, lãnh đạo xã Nhơn Nghĩa A đã đẩy mạnh việc nạo vét các tuyến kênh thủy lợi nội đồng nhằm khơi thông dòng chảy và giúp bà con trữ nước hiệu quả. Ngoài ra, địa phương còn thực hiện nhiều công trình cống, đập kiên cố nên 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Nhơn Nghĩa A đều có hệ thống đê bao khép kín. Mặt khác, xã còn thành lập được 5 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế vườn. Đây là nơi bà con gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm sản xuất, đồng thời liên kết tạo ra số lượng sản phẩm hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp gắn với việc tạo đầu ra thuận lợi cho nhà vườn.
Ông Diệp Văn Chờ, ở ấp Nhơn Phú, thông tin: “Nhờ cách làm trên mà giá nhãn Ido trong những năm gần đây không dưới 20.000 đồng/kg, còn giá cam sành trong thời điểm này cũng dao động ở mức từ 14.000-15.000 đồng/kg. Riêng gia đình tôi, từ khi chuyển đổi sang trồng 1ha nhãn Ido đến nay thì cuộc sống có nhiều khởi sắc. Bình quân mỗi công nhãn sau khi trừ chi phí, tôi thu về khoảng 30 triệu đồng/năm. Nhưng để nhãn đạt năng suất cao (khoảng 200kg/gốc) thì đòi hỏi cánh nhà vườn như tôi phải học hỏi nhiều hơn, rút kinh nghiệm qua từng năm mới có được”.
Nâng cao đời sống người dân, góp phần XDNTM
Hiệu quả kinh tế vườn đã góp phần quan trọng giúp Nhơn Nghĩa A đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) năm 2016. Tiếp bước thành công, Nhơn Nghĩa A đang nỗ lực thực hiện 16 tiêu chí của xã NTM nâng cao. Theo đó, đến cuối năm 2019, nhờ hiệu quả trong canh tác vườn đã giúp mức thu nhập bình quân của xã Nhơn Nghĩa A đạt gần 48 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,43%; đặc biệt, ấp Nhơn Thọ đã thoát nghèo một phần cũng nhờ kinh tế vườn.
Ông Huỳnh Văn Của cho biết thêm: Hiện tại, địa phương đặt ra hai mục tiêu lớn cần đạt được trong thời gian tới là đăng ký mã vùng trồng gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhãn Ido của xã theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đồng thời phấn đấu trở thành xã NTM nâng cao trong năm 2021 trên nền tảng vườn cây ăn trái như đã làm trước đây của xã NTM. Mặt khác, địa phương không ngừng củng cố và nâng chất lượng hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể đã có nhằm mang lại hiệu quả sản xuất cao nhất cho nhà vườn, qua đây góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp...
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…