Những năm qua, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) xây dựng và hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Giờ đây, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Huyện Lạc Thủy có 7.187 ha đất sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2020 đạt trên 869 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng đạt 6,4%, trong đó, Nông nghiệp trên 683 tỷ đồng, chiếm 78,6%, lâm nghiệp trên 156 tỷ đồng, chiếm 18,02%, thủy sản trên 29 tỷ đồng, chiếm 3,38%.
Những năm qua, huyện quan tâm đến công tác quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nhiều chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dần hình thành và phát triển, nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Giá trị thu nhập trên 01 ha diện tích canh tác đạt 135 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, Lạc Thủy đã cơ bản hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: vùng cây ăn quả có múi tập trung (cam, bưởi) với diện tích 930 ha, mỗi ha cam cho thu nhập trung bình khoảng 400 triệu đồng/niên vụ, mỗi ha bưởi cho thu nhập trung bình trên 250 triệu đồng/niên vụ.
Vùng sản xuất na tập trung tại xã Đồng Tâm có diện tích trên 103 ha, sản lượng đạt 500 tấn, giá trị ước đạt trên 18 tỷ đồng, bình quân thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm. Vùng trồng chè cao sản tập trung có diện tích khoảng 254 ha, sản phẩm được chế biến dưới dạng sao khô. Sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài huyện, bình quân thu nhập đạt 180 triệu đồng/ha.
Hay vùng trồng cây lâm nghiệp tập trung với diện tích trên 1.000 ha tạo ra vùng nguyên liệu sản xuất giấy, ván dăm lớn với sản lượng đạt trên 360.000m3 gỗ nguyên liệu giấy, đem lại giá trị kinh tế đạt trên 36 tỷ đồng/năm, đem lại thu nhập và làm giàu cho người dân trồng rừng.
Bên cạnh đó, huyện có 605 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm đạt trên 755 tấn, đem lại giá trị đạt trên 30 tỷ đồng/năm. Sản phẩm nuôi trồng từng bước được đa dạng hóa, các giống mới có giá trị kinh tế cao được sử dụng.
Theo bà Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy, huyện có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, như: sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; chăn nuôi gà, dê, có chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, trong huyện đã thu hút đầu tư với mô hình trồng rau công nghệ cao; trồng cam, na và trồng chè tập trung theo chuỗi liên kết sản xuất. Các mô hình đã phát huy hiệu quả, dần được nhân rộng. Vấn đề quan trọng là giữ được liên kết trong sản xuất theo chuỗi để phát huy hiệu quả theo yêu cầu của tiêu chí.
Giờ đây, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể, thu nhập đầu người liên tục tăng. Hết năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của huyện Lạc Thủy đạt 50,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,66%.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.