Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 3 năm 2019 | 13:34

Lại một mùa “mía đắng” khiến nông dân “bỏ thì thương, vương thì tội”

Sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nông dân các xã trong huyện Krông Bông (Đắk Lắk) bắt tay vào thu hoạch mía niên vụ 2018 -2019.

Thế nhưng, ngoài xã viên Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (Cư Kty) có đầu ra ổn định, thì đi đến đâu nông dân cũng “than ngắn, thở dài” chuyện giá mía quá thấp, khiến bà con thua lỗ nặng.

 

tr15d.JPG
Ruộng mía của gia đình bà Nguyễn Thị Thủy ở thôn 12 (xã Khuê Ngọc Điền) đã chặt để giao cho đại lý mà không biết giá cả thế nào?

 

Giá mía quá thấp

Ông Nguyễn Tâm Hưng ở thôn 1 (xã Hòa Lễ) cho biết: Những năm trước, gia đình trồng mía bán cho nhà máy đường ở Cư Jut (Đắk Nông), trung bình thu về 60 triệu đồng/ha. Năm 2017, mặc dù nhà máy đường  không trực tiếp đến thu mua như mọi năm, nhưng gia đình vẫn tiếp tục trồng mới 0,5ha. Tuy nhiên, do ảnh hưởng cơn bão số 12/2018, nước lũ tràn lên ruộng mía, chỉ thu được 2.000.000 đồng/1.000m2. Năm nay bước vào niên vụ thứ hai, để tránh bị thất thu gia đình bỏ công sức, đầu tư thêm phân bón chăm sóc cho ruộng mía xanh tốt, đến ngày thu hoạch bình quân mỗi cây cao trên 1,5m, thế nhưng do không ký kết bán trục tiếp cho nhà máy đường 333, mà phải bán qua trung gian nên cũng chỉ thu được 2.300.000 đồng/ 1.000m2. Như vậy, sau 1 năm lao động, với 0,5ha mía, vụ này gia đình lỗ gần 7.000.000 đồng.

Không chỉ nông dân ở xã Hòa Lễ kém vui sau một niên vụ mía thất bát, mà hầu hết người trồng mía ở các thôn 7, 8, 9, 10, 12 (xã Khuê Ngọc Điền) cũng trong tâm trạng “bỏ thì thương, mà vương thì tội”, trước tình trạng giá mía thấp kỷ lục.

Ông Thái Cao Bằng ở thôn 12 (xã Khuê Ngọc Điền) cho biết: Gia đình có 0,8ha mía năm thứ hai, vì không đủ điều kiện ký kết trực tiếp với nhà máy đường 333 để tiêu thụ sản phẩm, nên giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào đại lý thu mua. Năm trước, giá thu mua 400.000 đồng/ tấn mía cây, nhưng sau khi cân bán thì bị đại lý lấy nhiều lý do khác nhau để khấu trừ nhiều khoản “trên trời” khiến giá còn dưới 2.000.000 đồng/1.000m2.Vì thế, năm nay mặc dù đại lý cũng đưa mức giá bằng năm ngoái là 400.000 đồng/tấn, nhưng gia đình ông đành chấp nhận bán với giá 2.000.000 đồng/1.000m2  để tránh bị lỗ thêm.

Bà Nguyễn Thị Thủy, người cùng thôn với ông Thái Cao Bằng bức xúc nói: Do đại lý thu mua độc quyền nên những người nơi khác muốn đến thu mua không được vào, trong khi mọi chi phí đều do nông dân bỏ ra. Năm trước gia đình trồng được 4.000m2, sau khi đại lý chi trả tiền công cho người thu hoạch 3.000.000 đồng, gia đình chỉ được trả thêm 1.000.000 đồng, như vậy bình quân thu 1.000.000 đồng/ 1.000 m2. Còn năm nay thì gia đình tự thu hoạch nhưng đại lý cũng chỉ đồng ý sau khi bán về mới thanh toán mà không cho biết trị giá là bao nhiêu.

Cần phải liên kết

Qua tìm hiểu một số người xung quanh, được biết, ông Trần Xuân Tuấn,  người dân thôn 12 (xã Khuê Ngọc Điền), trồng mía bên kia sông Krông Bông thuộc địa phận xã Cư Kty. Sau khi thu hoạch, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (Cư Kty) thu mua với giá 5.000.000 đồng/1.000m2, vậy mà  chỉ cách một con sông mà người dân xã Khuê Ngọc Điền chỉ bán được với mức giá dao động từ 2.000.000 đồng đến 2.500.000 đồng/1.000 m2.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Trương, Bí thư Đảng ủy xã Khuê Ngọc Điền, cho biết: Giá mía năm nay xuống thấp nhất từ trước tới nay. Niên vụ trước, toàn xã có 320ha mía nguyên liệu, nhưng do hiệu ứng dây chuyền từ việc các nhà máy đường ngưng thu mua, trữ lượng đường thấp do ảnh hưởng của lụt bão, cộng với việc các tuyến giao thông huyết mạch bị xuống cấp dẫn đến chi phí vận chuyển cao, tác động không nhỏ đến thu nhập của người trồng mía, vì thế họ phá bỏ chuyển sang trồng cây khác. Hiện tại, toàn xã chỉ còn 42 ha nhưng hầu hết là diện tích năm trước thu hoạch bị trễ, cộng với thời tiết hạn hán kéo dài, khiến người dân không mấy mặn mà với cây mía, lơ là trong việc đầu tư chăm sóc nên cây mía còi cọc, có  diện tích đại lý không thể thu mua. Một số gia đình ở thôn 7  nhờ chăm sóc tốt nên mức thu cũng đạt 5.000.000 đồng/1.000 m2 .

Theo bà con trồng mía, giá từ 4.000.000 đồng/1.000 m2 trở lên thì mới có lãi, còn nếu như giá thu mua như 2 năm nay thì phải chuyển sang cây trồng khác. Tuy nhiên, bà con chưa xác định được cây gì ngoài ngô, sắn, trong khi đây là những loại cây cũng đang trong tình trạng giá cả bấp bênh. Câu trả lời là, chỉ khi nông dân tự nguyện tham gia hợp tác xã để liên kết theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm, thì việc phát triển cây mía mới bền vững.

 

Niên vụ 2017 - 2018, Krông Bông có gần1000ha mía. Tuy nhiên, do không có nơi tiêu thụ và giá cả bấp bênh nên nhiều hộ phá bỏ mía chuyển sang cây trồng khác, đến niên vụ 2018 - 2019, huyện chỉ còn khoảng 500ha.

 

 

 

Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top