Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 29 tháng 6 năm 2022 | 10:35

Làm gì để người trồng hành Nghệ An có thu nhập ổn định?

Những ngày này, bà con nông dân trồng hành ở Nghệ An đang vui mừng vì giá hành cao gấp 4 lần so với đầu năm, nhưng năm 2021 người trồng hành ở đây phải “ngậm ngùi” nhổ bỏ hành vì thương lái không đến mua.

Làm gì để bà con nông dân có thu nhập ổn định từ trồng hành đang là câu hỏi được đặt ra cho chính quyền và các ngành chức năng.
 
Vui mừng vì được giá
 
Hiện nay, người dân trồng hành tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang rất phấn khởi vì giá thu mua hành tại đây cao gấp 4 lần so với đầu năm 2022, giá hành lá tươi đang được thương lái thu mua tại ruộng với giá dao động từ 15.000 -16.000 đồng/kg.
 
0ebcbd6eb23ce5556e0aab811fde8d1b_20220628082656.jpg
Tại xã Quỳnh Bá (huyện Quỳnh Lưu), nông dân ra đồng thu hoạch thời điểm này cũng rất sôi động. (ảnh Báo Công Thương)

 

Bà Nguyễn Thị Xuân (xóm Vân Đông, xã Quỳnh Bá) cho biết, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, nông dân chủ động được nguồn nước tưới nên hành lá đạt năng suất cao. Theo tính toán của bà Xuân nếu giá bán từ 10.000 đồng/kg là người trồng hành bắt đầu có lãi. Đây là mức thu nhập cao nhất trong mấy qua vì năm nay hành trúng mùa lại được giá. Bà Xuân cũng cho hay, hiện người dân trồng hành ở Quỳnh Bá rất phấn khởi vì giá hành trên thị trường đang tăng lên từng ngày.
 
Còn bà Hồ Thị Duyên (xóm 1, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu) phấn khởi chia sẻ, nếu trồng bằng phương pháp cấy cây con, hành hoa sẽ cho thu hoạch sau 50 ngày, năng suất đạt khoảng 1 tấn/sào”.
 
Theo bà Duyên cây hành có đặc tính là chứa nước, dễ bị héo, lầy trong thời tiết nắng nóng. Bởi vậy, thu hoạch ban đêm sẽ giúp giữ cho hành đẹp mã hơn và khi cân thì nặng hơn. Bởi vậy, giá hành hoa nhập cho thương lái buổi đêm thường thấp hơn 1-2 giá so với thu hoạch ban ngày. “ với 2 sào hành lá có sản lượng trên dưới 2 tấn chuẩn bị cho thu hoạch và mức giá giữ ổn định như trên thì gia đình có nguồn thu khá” bà Duyên nói.
 
Hành lá là cây rau màu dễ trồng, thời gian quay vòng, gối vụ nhanh, trung bình mỗi năm người dân có thể trồng từ 3-4 vụ. Nếu chăm sóc tốt, mỗi sào có thể đạt sản lượng 1,5 tấn hành. Với mức giá 15.000 đồng/kg như hiện nay, người trồng hành có thể thu 60 triệu đồng/sào/năm, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.
 
a245758a4cc52cd467a99bd6e771360c_20220628082545.jpg
Do việc bảo quản hành khó nên thu hoạch đến đâu phải tiêu thụ ngay đến đó (ảnh báo Công Thương)
 
Trồng hành lá là một trong những nghề truyền thống của nông dân ở các xã vùng Bãi Ngang của huyện Quỳnh Lưu như Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng và các xã Quỳnh Liên, Quỳnh Tân và Quỳnh Văn. Các địa phương này có điều kiện khí hậu cùng chất đất pha cát đặc thù rất phù hợp cho cây hành phát triển.
 
Không chỉ có hành tăm ở Nghệ An mà hành tăm ở Hà Tĩnh cũng đang được giá, với giá bán dao động từ 45 - 50.000 đồng/kg hành tăm, cao gần gấp đôi so với trung bình những năm trước, nông dân trồng hành tăm ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang phấn khởi bám đồng thu hoạch.
 
151d5073129t94781l0.jpg
Bà Hà Thị Oanh giảm diện tích trồng hành nhưng bù lại, năng suất và giá bán cao (ảnh Báo hà Tĩnh)
 
Bà Hà Thị Oanh (thôn Hồng Tiến, xã Xuân Giang) cho hay: "Năm nay, tôi trồng hơn 1 sào hành, nhờ chăm sóc tốt, hành cho củ to đều, đẹp, năng suất đạt khoảng 4 - 4,5 tạ/sào, cao hơn khoảng 1 tạ/sào so với năm trước. Những năm trước, trung bình giá hành từ 20 - 30.000 đồng/kg, năm 2021 giá “rớt” thê thảm, chỉ còn 10 - 12.000 đồng/kg. Năm nay dù trồng diện tích ít hơn nhưng hành được thu mua với giá cao, chúng tôi mừng lắm”.
 
Nhưng cũng buồn vì mất giá
 
Vào thời điểm này của năm 2021, cũng tại Quỳnh Lưu bà con nông dân ở vựa hành lớn nhất Nghệ An gặp khó vì Covid-19, khiến cho hành hoa bế tắc trong khâu tiêu thụ, rớt giá từng ngày.
 
Bà Hồ Thị Lâm ở xóm 7, xã Quỳnh Minh đang thu hoạch hành hoa cho biết, thời điểm đó giá hành hoa được thương lái thu mua 9.000 đồng/kg, có bao nhiêu cũng bán được hết, nhưng chỉ sau 1 tuần giá hành giảm xuống 6.000 đồng/kg mà thương lái mua rất ít. Vì tiêu thụ chậm, nên 1 sào hành hoa của gia đình bà Lâm đã đến kỳ thu hoạch mà kéo dài 5 ngày vẫn chưa bán hết; trước đây chỉ 2 ngày là bán sạch ruộng, chuyển sang làm đất trồng vụ khác.
 
bna_hanh_22330544_1562021.jpg
Do dịch bệnh hành không bán được nên phải đổ bỏ
 
Theo anh Hồ Văn Hải, một thương lái thu mua hành trên địa bàn xã Quỳnh Lương cho biết, thời điểm đó khi chưa có dịch Covid-19 bùng phát, mỗi ngày anh thu mua 3 - 4 tấn hành hoa để vận chuyển vào TP. Vinh tiêu thụ, nhưng từ khi cấm hàng quán ở TP. Vinh và một số huyện lân cận tạm ngừng đóng cửa để phòng dịch Covid-19, lượng khách đặt hàng giảm hẳn, do vậy nay mỗi ngày anh chỉ thu mua 1,5 tấn hành hoa cho bà con để bán đi những nơi khác.
 
bna_hanh_38022062_1562021.jpg
Hành hoa tiêu thụ chậm, nên bà con lo lắng.

 

Không chỉ có hành mất giá mà các loại hoa màu khác vào thời điểm đó giá rau xanh tại các vựa trồng rau lớn ở Nghệ An lại rớt giá thảm hại, bán không ai mua.
 
Ông Phạm Hồng Quý (trú ở xóm 7, Dương Tiên, xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, Nghệ An), ông Quý cho biết, thời điểm đó đã đến lúc thu hoạch mà không thể bán được, vợ chồng ông kéo xe chở đi rao bán khắp các vùng lận cận để vớt vát thêm tiền giống, công chăm sóc nhưng chẳng đáng là bao, có khi phải đổ cả xe rau.
 
Theo Chủ tịch UBND xã Diễn Phong chia sẻ, đầu năm 2021 giá cải bắp còn bán được giá từ 6.000 – 6.500/kg, nhưng sau đó giá giảm dưới 1.000 đồng/kg, toàn xã có 40/90 ha rau của hàng trăm hộ gia đình chưa thể thu hoạch được vì khó bán, người dân sẽ bị thất thu rất lớn.
 
Liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ 
 
Ngoài việc bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên các thương lái không thể vận chuyển để đưa các sản phẩm nông sản đi tiêu thụ được, còn có nguyên nhân khác là do thị trường tiêu thụ hạn hẹp, vì thế tình trạng “được mùa, mất giá” thường xuyên tái diễn. Do đó, việc kết nối và mở rộng thị trường là một trong những vấn đề quan trọng để giải quyết được tình trạng “được mùa, mất giá” trên và giữ được thu nhập ổn điịnh cho người nông dân.
 
Bà Vũ Thị Bích Hằng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu, cho biết: Để tránh rủi ro trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là tại các xã sản xuất rau màu vùng bãi ngang, huyện đã định hướng cho các xã chuyển đổi sang trồng nhiều loại cây, không trồng độc canh như trước. Do vậy, hiện nay ngoài diện tích hành đang chiếm phần lớn, còn có một số diện tích dưa hấu, lạc, ngô, khoai lang...
 
Về lâu dài, huyện đã tính đến thu hút các dự án xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản rau màu ngay tại địa phương, nhằm thu mua sản phẩm cho bà con một cách ổn định.
 
Còn theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có khoảng hàng chục ha trồng hành hành và các cây gia vị các loại.
 
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm vào sản xuất, nhân rộng mô hình sản xuất hành và cây gia vị theo tiêu chuẩn VietGAP. Song song với đó, tăng cường quảng bá, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.
 
Xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời xây dựng chuỗi sản xuất, chế biến sau thu hoạch để tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp, đồng thời tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho bàn con nông dân trồng hành nói chung và các sản phẩm nông sản khác nói riêng, là những hướng đi lâu dài và bền chắc. Có như vậy tình trạng “ được mùa, mất giá” sẽ còn còn diễn ra, người nông dân có thu nhập ổn định từ trồng trọt, chăn nuôi trên chính mảnh đất của mình.
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top