Mặc dù Việt Nam là quốc gia có nhiều sản phẩm nông sản tiêu biểu, nhưng trong nhiều năm qua, thị trường tiêu thụ luôn là một rào cản lớn với nông sản Việt Nam. Do vậy tìm và mở rộng tiêu thụ nông sản đang là bài toán không chỉ người nông dân, doanh nghiệp mà cả Chính phủ cũng rất quan tâm tìm lời giải.
Doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất hàng hóa theo chuẩn hội nhập với thế giới ngay từ đầu. Ảnh minh họa
Trao đổi với báo chí mới đây, đại diện CJ Freshway, một trong những nhà phân phối nguyên liệu thực phẩm lớn nhất Hàn Quốc cho biết, hiện công ty này đang nhập khẩu các loại nông sản từ các thị trường chính như Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Australia, New Zealand… nhưng không phải từ Việt Nam.
Cụ thể hơn, đại diện CJ dẫn ví dụ, trái thanh long tươi hiện chưa thể xúc tiến xuất khẩu vào Hàn Quốc do yêu cầu cao từ quy định nhập khẩu của Hàn Quốc. Việt Nam cũng chưa có nhiều nhà máy đủ thiết bị xử lý nhiệt trong khi sản phẩm này cần phải quảng bá mạnh để thúc đẩy nhu cầu sử dụng.
Hay như với mặt hàng cà rốt tươi, theo vị này, cà rốt Việt Nam từng bị thông báo nhiễm bệnh, sau đó lệnh cấm nhập khẩu được tháo gỡ nhưng có ràng buộc điều kiện nên rủi ro cho đơn vị xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, giá cà rốt của Trung Quốc rẻ hơn khoảng 20% so với cà rốt Việt Nam khiến mặt hàng này khó cạnh tranh.
Rau củ quả cấp đông như hành, tỏi… cũng được chỉ ra rằng đang có giá cao gấp 1,5 lần so với thị trường Trung Quốc. Việt Nam cũng thiếu nhà máy có cơ sở vật chất, trang thiết bị sản xuất phù hợp cho loại mặt hàng này. Đồng thời cũng chưa triển khai được vùng nguyên liệu bảo đảm độ an toàn và tính ổn định.
Đại diện Lottemart thì chỉ ra những vấn đề trong thiết kế bao bì sản phẩm của nông sản Việt Nam thiếu chuyên nghiệp, kém hấp dẫn hơn hẳn so với những mặt hàng cùng loại của các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc… Vị này cũng chỉ ra những vấn đề với nông sản Việt không chỉ bao gồm khâu bao bì mà còn về quy chuẩn kích cỡ, chất lượng, màu sắc, khả năng cung ứng đều đặn...
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (DAA Việt Nam) cho rằng, một trong những khó khăn của doanh nghiệp phân phối khi tìm kiếm và phát triển thị trường là hầu hết các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện nay theo xu hướng tự phát, chưa có định hướng và quy hoạch rõ ràng vùng chuyên canh, chưa có tiêu chuẩn cụ thể và sự ràng buộc giữa nhà phân phối và người nông dân, chưa có chuẩn quy định về thị trường nông sản… Chính điều này dẫn đến sự không minh bạch và khó tạo niềm tin cho người mua hàng.
“Do đó khó có thể thuyết phục được đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài”, ông Hoàng Anh chia sẻ.
Nhằm cải thiện tình trạng trên, hiện Vụ thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) đang thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại “Đưa nông sản Việt Nam vào chuỗi cung ứng Hàn Quốc” nhằm định hướng, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp với vị thế mũi nhọn để phát triển kinh tế Việt Nam.
Cho rằng đây là cơ hội để doanh nghiệp có thể đưa các mặt hàng nông sản Việt tham gia chuỗi cung ứng Hàn Quốc thông qua hệ thống siêu thị lớn như Lotte, CJ tại Việt Nam, Hàn Quốc và các quốc gia khác nhưng ông Hoàng Anh cũng khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có sự thay đổi hệ thống sản xuất, tiêu chuẩn, cách xúc tiến thương mại…
Ông Hoàng Anh cũng nhấn mạnh rằng, nếu muốn vào được thị trường nước ngoài, đặc biệt là xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối lớn ở các nước phát triển, doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất hàng hóa theo chuẩn hội nhập với thế giới ngay từ đầu. Theo đó, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải nghiên cứu và quy hoạch vùng nông sản rất rõ ràng và chặt chẽ để bảo đảm phát huy được lợi thế địa hình, khí hậu và hơn nữa sẽ giám sát được chất lượng nông sản, hạn chế và phải tiến đến loại bỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ…
Trên thực tế, hợp tác với Lotte và CJ là một cơ hội nhưng cũng là áp lực lớn với các doanh nghiệp nông sản Việt Nam. Với vai trò là người đứng đầu của Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao, ông Hoàng Anh cho biết, thời gian sắp tới, DAA sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành trang trại chuyên canh diện tích lớn; ứng dụng công nghệ hiện đại và nâng cao hiệu xuất đầu tư cho từng nông sản; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết trong đầu tư-nuôi trồng-thu hoạch-chế biến-đóng gói-bảo quản và cung ứng (từ hạt giống con giống; phương pháp canh tác; công nghệ giám sát; đến quy trình thu hoạch, chế biến, bảo quản; thị trường). Khi quản lý theo chuỗi sẽ hoàn toàn chủ động được việc giám sát chất lượng nông sản và thị trường sẽ rất rộng cho nông sản Việt tham gia.
Theo Phan Trang/Chinhphu.vn
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…