KTNT - Sa Đéc (Đồng Tháp) được mệnh danh là thủ phủ hoa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vào mùa Tết, ngàn hoa khoe sắc và cũng từ đây, hoa được chuyển đi khắp các vùng, góp phần tô điểm hương sắc cho các miền quê.
Thu hoạch hoa tại làng hoa Sa Đéc.
Dịp Tết năm nay, làng hoa Sa Đéc xuống giống trên 100ha hoa kiểng với khoảng 2.000 hộ dân tham gia trồng để sẵn sàng cung ứng cho thị trường. Nhà vườn tăng cường nhiều giống mới, lạ và đẹp để đón chào du khách, trong đó chủ lực là mai vàng, cúc, hồng, vạn thọ và các loại cây kiểng như phát tài, vạn lộc, phúc lộc, phú quý, đô la, ngân lượng… hoặc màu sắc tươi tắn tượng trưng cho niềm tin và hy vọng như hồng, cẩm nhung, hồng ngọc, cẩm chướng, lily… Đặc biệt, năm nay làng hoa Sa Đéc sẽ cho ra thị trường một số loại hoa mới như cúc lùn để bàn, 200 loài hoa hồng các loại, dưa Pepino ở Nam Mỹ vừa cho hoa và trái làm kiểng rất đẹp.
Làng hoa còn là điểm đến lý tưởng cho khách tham quan. Ở đây, du khách có thể tự tay trồng một chậu hồng, hay một chậu dạ hương để mang về làm quà tặng. Phải đến những ngày gần Tết, ghé thăm làng hoa Sa Đéc mới thấy được hết vẻ đẹp rực rỡ của muôn hoa. Ngoài chiêm ngưỡng, ta sẽ bắt gặp không khí hối hả tấp nập của người mua người bán hoa, từng đoàn xuồng, ghe, xe tải, xe lôi tấp nập đổ về đây, sau đó được phân phối đi các tỉnh, thành lân cận như TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang… và cả các tỉnh miền Bắc, miền Trung.
Mùa xuân này, TP. Sa Đéc sẽ tổ chức Lễ hội hoa xuân diễn ra tại công viên Sa Đéc, phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường hoa Sa Nhiên - Cai Dao từ chiều tối 25/01/2018 đến ngày 02/02/2018 với nhiều hoạt động gắn với hoa, hứa hẹn lượng khách đến Sa Đéc sẽ tăng mạnh.
Trong quy hoạch phát triển du lịch Đồng Tháp theo Đề án phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, làng hoa kiểng Sa Đéc là một trong 6 khu điểm du lịch trọng điểm của tỉnh với chiến lược biến ngành kinh tế không khói thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Năm 2017, làng hoa Sa Đéc có hơn 506ha với 2.300 hộ đang sản xuất kinh doanh và trên 2.000 chủng loại hoa kiểng. Đặc biệt, hoa kiểng cũng là một trong năm mặt hàng chủ lực được tỉnh Đồng Tháp chọn trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa làng hoa phát triển thành phố hoa vào năm 2020. Riêng giá trị sản xuất hoa kiểng Sa Đéc mỗi năm đạt hơn 1.450 tỷ đồng, chiếm khoảng 61% giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố và nghề trồng hoa kiểng đang tiếp tục lan toả ra các vùng lân cận.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, phấn đấu đến năm 2020, làng hoa kiểng Sa Đéc đạt 550ha, đưa Sa Đéc thành thành phố hoa. Để cụ thể hóa mục tiêu, Đồng Tháp đã đề ra những giải pháp cụ thể như: Tăng cường sản xuất hoa kiểng, xây dựng bảo tồn và phát triển các giống hoa đặc trưng của Sa Đéc, vận động người dân chuyển đổi đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng hoa kiểng và tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh hoa kiểng đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, phát triển dịch vụ du lịch, homestay tại làng hoa. Ngoài ra, nhiều cán bộ kỹ thuật đã được cử sang Hà Lan để nghiên cứu phát triển nghề trồng hoa kiểng và tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật của nước bạn để truyền lại cho người dân địa phương.
Nếu bạn muốn đón mùa xuân rực rỡ nơi trăm hoa đua nở, hãy về với Sa Đéc để tận hưởng hương vị mùa xuân đang về.
Nguyễn Toàn
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…