Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 1 năm 2022 | 18:58

Làng mía Phú Sơn tất bật mùa nấu mật

Những ngày cuối năm, đi qua xã Phú Sơn (Tân Kỳ - Nghệ An) trong cái rét ngọt, hương thơm ngọt đậm của mật mía lẩn quất trong gió ngỡ như Tết về sớm hơn với bà con nơi đây.

Phú Sơn vào dịp sát Tết, các lò nấu mật mía hối hả đỏ lửa. Lửa củi, rơm, bã mía... cháy chậm, cùng với mùi thơm của mật lẩn quất khắp ngõ xóm. Cho đến giờ, cách chế biến mật mía Phú Sơn vẫn hoàn toàn thủ công. Dù tốn nhiều thời gian, công sức, bà con vẫn “chung thủy” với cách làm truyền thống để giữ hương vị đặc trưng.

Để từ cây mía ra thành những giọt mật thơm lừng, đặc quánh màu mật ong phải qua nhiều công đoạn. Người dân Phú Sơn phải tập trung mía nguyên liệu ép lấy nước rồi cho vào chảo đun sôi trên chiếc bếp liên hoàn. Khi nước mía sôi, người ta dùng những chiếc vợt có lưới bằng vải màn để vớt bọt và tạp chất cho đến hết. Tiếp đó, qua hai, ba giờ nấu liên tục là có thể thu được mật thành phẩm đạt tiêu chuẩn. Một mẻ mật mía đạt chất lượng phải có màu vàng au, sóng sánh.

Anh Nguyễn Văn Cường (xóm Môn Sơn, xã Phú Sơn) chủ xưởng nấu mật Cường Hiền tất bật nấu mật mía những ngày cuối năm
Anh Nguyễn Văn Cường (xóm Môn Sơn, xã Phú Sơn), chủ xưởng nấu mật Cường Hiền, tất bật nấu mật mía những ngày cuối năm

 

Anh Nguyễn Văn Cường (xóm Môn Sơn, xã Phú Sơn), chủ xưởng nấu mật Cường Hiền, người có thâm niên gần 20 năm nấu mật mía chia sẻ, chất lượng của mật mía phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu. Mía càng ngọt bao nhiêu thì mật càng ngọt bấy nhiêu, bởi ở đây họ không bỏ thêm bất cứ phụ gia hay chất bảo quản nào.

Để phục vụ cho nghề nấu mật, gia đình anh phải bỏ ra hơn 60 triệu đồng để mua máy ép mía và xây lò nấu. Mỗi lò thường có 5 chiếc chảo to nối thông với nhau tới ống khói cao tầm 5 mét, mỗi chảo có thể chứa được khoảng 180 lít mật mía.

“Với 3 lao động, ngày làm việc từ 6h đến 22h, chúng tôi sản xuất được hơn 400 lít mật, một vụ sản xuất khoảng 20-30 nghìn lít. Thương lái thu mua với giá 15.000đ- 20.000đ/lít. Làm nghề này tuy vất vả nhưng đổi lại thu nhập ổn định và năm nào cũng có một cái Tết đủ đầy", anh Cường cho biết.

Công đoạn nếu mật đòi hỏi cũng phải khéo léo, cẩn thận
Công đoạn nếu mật đòi hỏi cũng phải khéo léo, cẩn thận

 

Anh Toàn, công nhân trong thâm niên làm mật mía, cho biết: "Cái nghề này tôi được truyền lại từ nhiều đời nay, nghề ép mật mía khá phức tạp, đòi hỏi phải có kinh nghiệm, người làm phải chịu khó, tỉ mỉ vì trải qua nhiều công đoạn. Đặc biệt, công đoạn keo mật là công phu, mất thời gian và phức tạp nhất, người làm công đoạn này phải có kinh nghiệm để mật không “non” hoặc quá “già”, người trực lò phải luôn liền tay, giữ cho vừa lửa để mật khỏi trào ra ngoài, tay thoăn thoắt vớt váng nổi lên để mật có màu đẹp. Khi nước mía chuyển qua sền sệt và có màu nâu vàng, công việc nung mật mới hoàn tất sau nhiều giờ đồng hồ”.

Một mẻ mật mía đạt chất lượng phải có màu vàng au, sóng sánh
Một mẻ mật mía đạt chất lượng phải có màu vàng au, sóng sánh

 

Mùa làm mật mía thường được bắt đầu từ tháng 10, thời điểm cây mía đủ độ đường và kéo dài đến tháng 3 năm sau. Đây là cũng dịp Tết Nguyên đán nên thị trường tiêu thụ mật rất mạnh, nhất là ở các làng nghề làm kẹo lạc, cu đơ… Để kịp có đủ mật bán cho khách hàng, nhiều hộ gia đình đã phải thuê lao động ở các địa phương khác về làm với giá nhân công mỗi ngày trả từ 250.000- 300.000 đồng/ người. Mật mía ở đây được người trong Nam, ngoài Bắc biết đến với hương vị thơm ngon cùng độ sánh đặc trưng mà ít nơi nào nấu được.

Nhờ chất lượng tốt, nhiều thương lái đã đến thu gom mật để xuất bán đi các tỉnh. Nắm bắt thời cơ này, nhiều hộ gia đình đã dành toàn bộ đất sản xuất để trồng mía, nấu mía. Mỗi hộ trồng, nấu mật mía sau khi trừ chi phí sản xuất thu về từ 50-60 triệu đồng/năm. So với trồng lúa, ngô, khoai thì làm mật mía cho thu nhập cao hơn nhiều.

Mật mía ở đây được biết đến với hương vị thơm ngon cùng độ sánh đặc trưng mà ít nơi nào nấu được
Mật mía ở đây được biết đến với hương vị thơm ngon cùng độ sánh đặc trưng mà ít nơi nào nấu được

 

Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, ông Đinh Xuân Công cho biết, trước đây người dân chủ yếu làm mật mía bằng cách thủ công nên khá vất vả. Hiện nay, việc áp dụng máy móc từ công đoạn thu hoạch, làm sạch mía, vớt bọt… đến giai đoạn cho thành phẩm đã rút gọn đi được nhiều công đoạn, giảm được chi phí tăng thu nhập. Đầu năm 2021, sản phẩm mật mía được xã lựa chọn là sản phẩm chủ lực của địa phương để tham gia Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) và vừa qua sản phẩm mật mía Phú Sơn được công nhận là sản phẩm OCOP cấp huyện. Sắp tới, xã sẽ nghiên cứu mở rộng vùng nguyên liệu, hỗ trợ bao bì, nhãn mác; thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để xây dựng sản phẩm mật mía của Phú Sơn đạt tiêu chí sản phẩm nông nghiệp tốt.

 

 

 

Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top