Dược liệu được ngành nông nghiệp Lào Cai chọn làm cây trồng mũi nhọn để thúc đẩy tái cơ cấu ngành trồng trọt của tỉnh.
Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Mỗi địa phương đều có chiến lược riêng nên phát triển không nhất quán. Do đó, để phát triển cây dược liệu bền vững, các địa phương trong tỉnh cần liên kết với nhau.
Tìm hướng đi mới cho cây dược liệu ở Si Ma Cai
Trong năm 2021, huyện Si Ma Cai phấn đấu mở rộng diện tích cây dược liệu với diện tích ổn định đạt trên 100 ha, đầu tư sơ chế để nâng cao giá trị các loại cây dược liệu, tiến tới trồng cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao, quy mô tập trung tại các xã Sín Chéng, Lùng Thẩn, Cán Cấu, Quan Hồ Thẩn và Nàn Sín.
Cây đương quy đem lại nguồn thu ổn định cho người dân Si Ma Cai. Ảnh: báo Lào Cai
Để phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, bền vững, huyện Si Ma Cai Cai đã và đang khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Dược liệu đang được huyện Si Ma Cai định hướng là cây trồng mũi nhọn, phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng đến nâng cao giá trị canh tác trên 1 ha đất canh tác, mở rộng diện tích với những loại cây dược liệu phù hợp đã đem lại giá trị kinh tế cao.
Ông Trần Xuân Huy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Si Ma Cai cho biết: Trung tâm đã đánh giá các mô hình cây dược liệu đã triển khai, từ đó khảo sát, phân loại, lựa chọn, xây dựng các phương án phù hợp nhất; tham mưu cho huyện xây dựng và phát triển các vùng cây dược liệu theo quy mô tập trung để thuận lợi cho việc thu mua và sơ chế sản phẩm sau này.
Các cơ chế và chính sách hỗ trợ người dân cũng được huyện Si Ma Cai vận dụng từ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Để giúp người dân thuận lợi trong chuyển đổi sang trồng cây dược liệu, huyện có chính sách đặc thù như hỗ trợ giống, phân bón, nilon che phủ, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Huyện còn hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tiêu thụ sản phẩm.
Các chính sách hỗ trợ đồng bộ đã góp phần nâng cao diện tích, chất lượng và sản lượng cây dược liệu. Đến thời điểm này, các xã trên địa bàn huyện Si Ma Cai đã được hỗ trợ kinh phí hơn 10 tỷ đồng cho việc phát triển cây dược liệu.
Đây là năm đầu tiên gia đình anh Sùng Seo Sở, thôn Lử Thẩn, xã Lùng Thẩn trồng cây dược liệu. Được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc nên diện tích cây đương quy của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất, sản lượng cao. Anh Sùng Seo Cở cho biết: Hy vọng gia đình có thu nhập cao từ diện tích đương quy này. Nếu vụ này thành công, sang năm gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích và trồng thêm một số loại dược liệu khác.
Thực tế cho thấy, trong triển khai thực hiện, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Si Ma Cai vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Bài toán đặt ra là nếu người dân sản xuất đại trà thì việc tìm đầu ra cho sản phẩm vẫn còn nhiều vấn đề.
Trong thời gian tới, huyện Si Ma Cai tiếp tục tìm giải pháp trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu 100% sản lượng cây dược liệu được sản xuất theo chuỗi khép kín từ quản lý sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từng bước tạo đầu ra ổn định. Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát cây dược liệu, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh tăng năng suất đối với những loài cây dược liệu giá trị kinh tế cao. Xây dựng cơ chế, chính sách lồng ghép nguồn vốn đầu tư của nhà nước, của doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc đào tạo, tập huấn cho người dân về sản xuất, thu hái, bảo quản và chế biến dược liệu an toàn.
Vườn Quốc gia Hoàng Liên: Bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý theo hướng hàng hóa
Thời gian qua, cùng với nhiệm vụ nghiên cứu và bảo tồn các loại dược liệu quý, Vườn Quốc gia Hoàng Liên còn nghiên cứu nhân giống, xây dựng thí điểm các mô hình trồng cây dược liệu chất lượng cao để phát triển kinh tế và chuyển giao kỹ thuật, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Trồng và chăm sóc cây tam thất hoang tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Ảnh: Báo Lào Cai
Có mặt tại Phòng Nuôi cấy mô và tế bào (Vườn Quốc gia Hoàng Liên), chúng tôi được “mục sở thị” quy trình nuôi cấy và sản xuất đông trùng hạ thảo - một loại dược liệu quý đang được thị trường ưa chuộng. Quy trình nuôi cấy mô đông trùng hạ thảo từ khâu phân lập, lai tạo chủng giống, nhân sinh khối, cấy chuyển, nhân nhanh, nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản và đóng gói, chế biến thành phẩm, rồi đưa ra thị trường tiêu thụ được tổ chức khép kín ngay tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Theo các cán bộ kỹ thuật tại đây, để nuôi cấy được đông trùng hạ thảo đã khó, nhưng cho ra loại có hàm lượng dược chất cao như trong tự nhiên còn khó hơn nhiều lần. Vì vậy, quy trình nuôi cấy mô phải đảm bảo vô trùng, khép kín, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến mọi công sức đổ sông, đổ bể. Sự thành công trong việc nuôi cấy mô và tạo ra sản phẩm có hàm lượng dược chất cao cũng có nghĩa Vườn Quốc gia Hoàng Liên có thể làm chủ quy trình sản xuất sản phẩm đông trùng hạ thảo có chất lượng ổn định sau này.
Là người trực tiếp nghiên cứu, sản xuất đông trùng hạ thảo, chị Ngô Thị Ngọc Hường, cán bộ Vườn Quốc gia Hoàng Liên chia sẻ: Mỗi quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo diễn ra trong 2 tháng. Chúng tôi đang nuôi cấy trên 2 loại giá thể chính (nhộng tằm và gạo lứt), đây là sản phẩm được chứng minh có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe con người. Nuôi cấy tại Sa Pa có khí hậu tự nhiên phù hợp nên sản phẩm có dược chất cao, giá thành rẻ hơn nhiều khu vực. Tuy nhiên, đơn vị vẫn sản xuất với quy mô nhỏ, phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của thị trường. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu phát triển loại đông trùng hạ thảo trên bọ xít để đưa vào sản xuất, đây là loại mới được phát hiện tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Chị Nguyễn Thị Chín ở xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng cho biết): Sau khi biết Vườn Quốc gia Hoàng Liên sản xuất đông trùng hạ thảo, tôi đã mua sản phẩm về dùng thử. Sản phẩm của vườn có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá bán lại rẻ hơn nhiều loại đang bán trên thị trường. Tôi rất tin tưởng sử dụng bởi sản phẩm được sản xuất, thu hoạch khép kín tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Ngoài sản xuất đông trùng hạ thảo theo phương pháp nuôi cấy mô, từ lâu, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trong việc nhân giống các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, như tam thất hoang, tam thất bắc, ba kích, sâm Ngọc Linh… để xây dựng các mô hình trình diễn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân trên địa bàn thị xã phát triển kinh tế.
Anh Trần Văn Tú, Phó Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế, Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết: Chúng tôi thử nghiệm nghiên cứu sản xuất tam thất hoang, sâm Ngọc Linh từ năm 2013, hiện tại đã hoàn thiện quy trình chọn giống, nhân giống, thu hoạch, sơ chế và bảo quản, có thể triển khai các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa. Ngoài việc nhân giống bằng hạt, chúng tôi cũng nghiên cứu thử nghiệm bằng hình thức nuôi cấy mô để có thể đáp ứng nhu cầu giống khỏe, chất lượng trong điều kiện sản xuất hàng loạt. Bên cạnh đó, một số loại cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao như ba kích, lan kim tuyến… cũng được đơn vị nghiên cứu nuôi cấy mô để hoàn thiện quy trình sản xuất thử nghiệm tại Sa Pa. Mục đích cuối cùng là để chuyển giao kỹ thuật cho người dân.
Sản xuất giống cây dược liệu bằng phương pháp nuôi cấy mô. Ảnh: Báo Lào Cai
Điển hình trong thực hiện hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật cho người dân thời gian qua là Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã phối hợp với vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) thực hiện Dự án Phát triển sinh kế (IDEAS) đồng hành cùng khát vọng nông nghiệp bền vững và cải thiện cuộc sống nơi núi rừng Tây Bắc giai đoạn 1 (2017 - 2020) và khởi động Dự án IDEAS giai đoạn 2 ( 2021 - 2023). Trong đó, giai đoạn 1 hỗ trợ 491 hộ xây dựng trang trại hộ gia đình với 7 mô hình (lợn đen, gà bản, rau, nhím, mật ong, giảo cổ lam, cây ăn quả); giai đoạn 2 hỗ trợ 141 hộ vật liệu xây dựng, cây giống. Việc triển khai giai đoạn 1 của Dự án IDEAS cho thấy, các mô hình sinh kế, trong đó có cây dược liệu, đã mang lại thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân thuộc vùng lõi, vùng đệm Vườn Quốc gia Hoàng Liên tham gia dự án.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên khẳng định: Vườn luôn xác định thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học, vừa xây dựng các mô hình sản xuất để chuyển giao kỹ thuật cho người dân phát triển kinh tế. Điều đó thể hiện rõ qua các mô hình được đơn vị nghiên cứu, triển khai thành công và được người dân đón nhận, tạo sản phẩm có thương hiệu. Thời gian tới, vườn tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, lưu trữ nguồn gen các loại dược liệu quý, từng bước thí điểm thực hiện mô hình theo hướng thương mại để người dân có thể tiếp cận và sản xuất thành hàng hóa, đồng thời liên kết với các đầu mối để tiêu thụ sản phẩm cho người dân khi sản xuất đại trà.
Bắc Hà: Cân nhắc việc mở rộng diện tích cây dược liệu
Với lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu, Bắc Hà có điều kiện rất thuận lợi để trồng cây dược liệu. Theo số liệu thống kê không chính thức của một số thầy thuốc dân gian và Hội Đông y huyện Bắc Hà, trên địa bàn huyện có hơn 300 loài cây thuốc được khai thác, sử dụng và làm nguyên liệu. Từ những năm 1990 và đầu những năm 2000, mỗi năm trên địa bàn huyện thu gom, xuất bán khoảng 200 - 250 tấn dược liệu tự nhiên như đẳng sâm, tam thất nam, nghệ, kê huyết đằng, hà thủ ô, hoài sơn, gắm, hoàng tinh, sói rừng...
Trồng cát cánh tại xã Tả Van Chư. Ảnh: Báo Lào Cai
Việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện chỉ thực sự được quan tâm từ năm 2010. Đây là thời điểm huyện Bắc Hà trồng thử nghiệm 1 ha cây atiso tại xã Lùng Phình. Năm 2011, huyện trồng thử nghiệm 1 ha cây đương quy tại xã Na Hối, sau đó tiếp tục mở rộng trồng cây dược liệu này tại xã Lùng Phình và xã Bản Già. Trong giai đoạn 2011 - 2014, với sự đồng hành, khuyến cáo của các công ty dược như Traphaco, Nam Dược... huyện Bắc Hà đã từng bước khảo nghiệm 29 loại cây dược liệu. Trong quá trình khảo nghiệm đã bình tuyển, chọn lọc được một số loài cây dược liệu có giá trị làm thuốc và giá trị kinh tế, phù hợp với khí hậu, đất đai và trình độ canh tác của nông dân, như atiso, đương quy Nhật, cát cánh, đan sâm, bạch chỉ, bạch truật, đẳng sâm.
Nhận thấy tiềm năng lớn từ phát triển cây dược liệu thay thế cây trồng nông nghiệp kém hiệu quả, UBND huyện Bắc Hà chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng Dự án Phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Bắc Hà giai đoạn 2015 - 2020 và được tỉnh phê duyệt. Huyện Bắc Hà cũng ký biên bản ghi nhớ với các công ty dược, đồng thời giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, các hợp tác xã ký kết hợp đồng kinh tế với các công ty dược. Chính điều này đã tạo chất xúc tác để việc phát triển cây dược liệu (tập trung vào 3 loại cây là cát cánh, đương quy, đẳng sâm) trên địa bàn huyện diễn ra “chóng mặt”. Từ 1 ha atiso đầu tiên vào năm 2010, đến hết năm 2020, huyện Bắc Hà đã trồng được 441,1 ha cây dược liệu.
Điều đáng nói, diện tích cây dược liệu liên tục tăng qua các năm, niên vụ 2018 - 2019 đạt 80 ha, niên vụ 2019 - 2020 đạt 90 ha, niên vụ 2020 - 2021 đạt 107 ha. Cùng với đó, sản lượng dược liệu tươi cũng tăng lên, năm 2020 đạt 854,1 tấn nguyên liệu tươi, trong đó có gần 193 tấn cát cánh, 245 tấn đương quy; 375 tấn lá atiso tươi; hơn 41 tấn đan sâm, bạch truật, bạch chỉ, đẳng sâm. Dự kiến sản lượng dược liệu tươi năm 2021 đạt 664 tấn, nếu loại trừ atiso (do năm nay không trồng vì không có thị trường) thì sản lượng các cây dược liệu chính tăng 185 tấn so với năm 2020.
Theo ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà, diện tích cây dược liệu tăng nhanh qua các năm là tất yếu bởi giá trị kinh tế từ trồng cây dược liệu mang lại rất lớn. Trung bình mỗi ha cây cát cánh, đương quy cho thu nhập khoảng 150 - 160 triệu đồng/năm, người trồng lãi 80 - 90 triệu đồng/ha/năm. Việc phát triển mạnh cây dược liệu trong thời gian qua cho thấy sự năng động và thay đổi tư duy làm kinh tế của người dân trên địa bàn, khi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả đã chuyển sang trồng cây dược liệu.
Tuy nhiên, do dịch Covid-19, cây dược liệu cũng gặp khó khi tiêu thụ. Trước những khó khăn về đầu ra cho cây dược liệu, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tham mưu cho UBND huyện cân đối lại diện tích các loại cây dược liệu, trong đó dừng hẳn hoặc chuyển bớt diện tích các cây dược liệu khó tiêu thụ sang trồng cây dược liệu có thị trường ổn định. Niên vụ 2020 - 2021, huyện Bắc Hà đã dừng trồng cây atiso dù niên vụ 2019 - 2020 đã trồng 9 ha; giảm 41 ha cây đương quy (theo kế hoạch trồng 48 ha), chuyển diện tích không trồng đương quy sang trồng cát cánh.
Đây là giải pháp tức thời, phù hợp với thực tế thị trường nhưng về lâu dài vẫn cần có giải pháp căn cơ để phát triển theo hướng đa dạng cây dược liệu, nhất là đối với 3 loại cây đã được khảo nghiệm thành công và chuyển giao kỹ thuật cho người dân Bắc Hà là đương quy, cát cánh, đan sâm.
Theo bà Nguyễn Thị Huê, cây dược liệu đến thời điểm này đã và đang được đánh giá có hiệu quả kinh tế cao, các hộ đã chủ động đầu tư trồng và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Huyện đã làm chủ được nguồn giống tốt, có quy trình kỹ thuật chuẩn để chuyển giao. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, người dân bán sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh hỗ trợ, kêu gọi các công ty có uy tín đến liên kết sản xuất, đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến dược liệu tại huyện. Huyện cũng nên đề nghị các công ty dược đứng ra trực tiếp thu mua dược liệu hoặc phải có bảo lãnh qua ngân hàng để thực hiện đúng cam kết thay vì đẩy rủi ro cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà khẳng định: Vẫn biết nhu cầu dược liệu của các công ty dược trong nước rất lớn nhưng trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay cần phải tính toán kỹ, thận trọng trước khi quyết định mở rộng diện tích trồng cây dược liệu.
Chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm
Lào Cai hiện có trên 3.000 ha cây dược liệu, sản lượng trên 22.000 tấn tươi, giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt 120 - 150 triệu/ha, đã có những mô hình trồng dược liệu đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 4-5 lần so với cây lúa, ngô. Liên kết trong sản xuất dược liệu từng bước được hình thành, hiện có 138 ha/11 loại cây dược liệu đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO). Vấn đề sơ chế, chế biến bước đầu được trú trọng, hiện có 01 cơ sở chế biến theo quy mô công nghiệp của Công ty Traphaco Sa Pa và các cơ sở chế biến quy mô nhỏ.
Tuy nhiên, phát triển dược liệu trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn tồn tại đó là: Chưa có nhiều doanh nghiệp, HTX đầu tư cơ sở chế biến sâu (hiện chỉ có 01 cơ sở của Công ty Traphaco Sa Pa) nên giá trị sản phẩm thấp; chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất với quy mô lớn, tập trung; Khâu sản xuất giống còn yếu, chưa ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống cây dược liệu, sản lượng cây giống chưa đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất; chưa tập trung sản xuất các loại cây dược liệu đầu vị để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Liên kết trong sản xuất cây dược liệu còn lỏng lẻo, còn thiếu doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm có năng lực đủ lớn để hình thành liên kết bền vững, đến nay chỉ có 427 ha (chiếm 11,5% diện tích) có liên kết tiêu thụ ổn định. Diện tích một số loại dược liệu nhỏ lẻ, manh mún, diện tích cây Sa nhân tím chiếm tỷ lệ lớn (60% tổng diện tích) nhưng đầu ra sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào thương lái thu mua nên không ổn định.
Để khắc phục tồn tại hạn chế cần phải có các giải pháp mang tính đột phá: Tập trung phát triển vùng sản xuất cây dược liệu chủ lực như atiso, đương quy, xuyên khung, cát cánh, chùa dù... Phấn đấu đến năm 2025 đạt 1.000 ha cây dược liệu. Đăng ký tem truy xuất nguồn gốc nguyên liệu. Tổ chức kiểm tra chất lượng nguyên liệu và việc công bố, ghi nhãn thành phẩm, thông tin, quảng cáo sản phẩm dược liệu theo quy định.
Đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn như GACP - WHO, hữu cơ và các tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng dược liệu khác. Xây dựng vùng cây dược liệu gắn với du lịch văn hóa cộng đồng. Phát triển cơ sở ươm và nhân giống cây dược liệu tại một số khu vực trồng dược liệu tập trung, đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất giống (nuôi cấy mô tế bào, ứng dụng công nghệ cao…) để đảm bảo nhân nhanh giống cây dược liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác trên cơ sở liên kết giữa các hộ dân có nhu cầu sản xuất đảm bảo liền vùng, liền khoảnh với diện tích tập trung từ 10 ha trở lên để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm cây dược liệu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng cơ chế đưa cây dược liệu trồng trên địa bàn tỉnh vào danh mục cây thuốc điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh và từng bước mở rộng ra ngoài tỉnh.
Người nông dân Bắc Hà thu hoạch cây dược liệu đương quy.
Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm khẳng định thương hiệu sản phẩm cây dược liệu của tỉnh và định hướng ra thị trường quốc tế. Hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm được sản xuất, chế biến từ cây dược liệu. Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến dược liệu tại vùng sản xuất cây dược liệu tập trung như Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa…nhằm tạo ra các sản phẩm chế biến sâu như trà túi lọc, cao bánh, cao lỏng, viên nén…phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.
Bằng các giải pháp đồng bộ, dự kiến sẽ hình thành vùng dược liệu hàng hóa tập trung gắn với chế biến, sản lượng đạt hàng năm đạt từ 8.000 – 9.000 tấn tươi, sản phẩm đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, cung cấp nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp theo đúng hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất cây dược liệu. Hình thành mối liên kết sản xuất chặt chẽ, ổn định giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất cây dược liệu. Tạo việc làm, ổn định sinh kế, từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân khu vực quy hoạch phát triển sản xuất cây dược liệu.
Quy hoạch vùng sản xuất dược liệu an toàn
Với những lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cây dược liệu hiện đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, nhất là ở các xã vùng cao, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Một trong những yếu tố góp phần vào thành công đó là do Lào Cai đã quan tâm thực hiện hiệu quả việc phê duyệt quy hoạch phát triển dược liệu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở những thành quả đạt được, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các địa phương từng bước khôi phục và hướng tới phát triển bền vững cây dược liệu.
Hiện nay, Lào Cai đang từng bước xây dựng thương hiệu và cấp mã cho các vùng trồng cây dược liệu; hướng dẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh cây dược liệu đăng ký mã số, mã vạch để đảm bảo truy xuất nguồn gốc; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm dược liệu gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo ra sản phẩm mang đặc trưng Lào Cai, mở rộng thị trường. Đến năm 2030, Lào Cai phấn đấu có 3.500ha cây dược liệu và tập trung phát triển 22 chủng loại dược liệu chính, sản lượng khoảng trên 11.000 tấn/năm; định hướng phát triển mở rộng vùng trồng dược liệu, cung cấp nguyên liệu dược cho các công ty, tập đoàn chế biến dược trong nước.
Năm 2021, Lào Cai mở rộng trồng mới 140ha cây dược liệu chủ lực, nâng tổng diện tích cây dược liệu hàng hóa của toàn tỉnh lên 2.440ha. Cùng với đó, duy trì ổn định diện tích cây dược liệu hiện có, trên cơ sở tập trung nâng cao năng suất, chất lượng diện tích cây dược liệu hằng năm; chú trọng vào một số cây dược liệu chủ lực. Phấn đấu toàn bộ diện tích cây dược liệu có hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất, 100% diện tích cây dược liệu của vùng quy hoạch sản xuất đảm bảo an toàn; diện tích trồng cây dược liệu làm thuốc đảm bảo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái của Tổ chức Y tế thế giới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm, hỗ trợ thu hút doanh nhiệp đầu tư cơ sở thu gom, bảo quản, sơ chế và chế biến dược liệu.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…