Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 1 tháng 8 năm 2019 | 10:22

Lao động nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL còn nhiều rào cản

ĐBSCL chiếm diện tích 12% cả nước, dân số 19%, giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, chế biến, du lịch.

uag.jpg

Tuy nhiên, lao động nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL đang có xu hướng già hóa, đặc biệt trong khu vực nông lâm thủy sản.

Sáng nay (1/8), trong khuôn khổ chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam”, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (AUS4REFORM) đã tổ chức Hội thảo “Các rào cản trong chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho lao động nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Lao động nông nghiệp, nông thôn giảm

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT), lao động của vùng ĐBSCL năm 2017 đạt 10,6 triệu, tăng 0,45% giai đoạn 2012-2017, quy mô lao động nông nghiệp, nông thôn giảm, tỷ xuất di cư thuần liên tục âm.

Lực lượng lao động có xu hướng già hóa: Tỷ lệ lao động trong độ tuổi dưới 35 giảm từ 45% năm 2012 xuống còn 38,9% năm 2017; lao động từ 50 tuổi trở lên tăng từ 20,7% lên 26,8%.

Trong ngành NLTS, lao động dưới 30 tuổi giảm 37,4% xuống 26,2 và lao động từ 50 tuổi trở lên tăng từ 24,1% lên 34,1%. Phần lớn lao động NLTS chưa qua đào tạo nhưng trình độ lao động nông nghiệp ngày càng được cải thiện khi tỷ lệ chưa qua đào tạo giảm từ 97,1% năm 2011 xuống còn 90,8% năm 2017.

“Lao động phi nông nghiệp tại các tỉnh không có nhiều cơ hội việc làm trong tỉnh, nhưng tình trạng tuyển lao động vẫn khó khăn do lương thấp, công việc không ổn định. Do đó, lực lượng lao động trẻ đã di cư vào các khu công nghiệp ở Bình Dương (53%), TP.HCM (19%), nơi có điều kiện làm việc tốt hơn, lương cao, công việc ổn định hơn”, bà Yến phân tích.

Dù ĐBSCL là vùng được hỗ trợ đào tạo lớn nhất cả nước nhưng hiệu quả đào tạo nghề lại thấp nhất, có78,3% lao động được đào tạo có việc làm (trung bình cả nước là 81,3%).

Nguyên nhân do chương trình đào tạo nông nghiệp và phi nông nghiệp thiếu thực tế, chủ yếu tập trung vào giảng dạy lý thuyết, chưa có thực hành nên chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường (100% doanh nghiệp được phỏng vấn không sử dụng được lao động đào tạo)

Năng lực đào tạo của các trường và trung tâm còn hạn chế, thiết kết nối với người sử dụng lao động; cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện còn chồng chéo, triển khai chậm, định mức hỗ trợ đào tạo thấp hơn so với thực tế, thủ tục thanh toán phức tạp...

OCOP, một giải pháp

Phó chánh văn phòng Nông thôn mới Bến Tre Lê Văn Trung cho rằng: “Chương trình mỗi làng một sản phẩm (OCOP) được xem là một trong những giải pháp phù hợp và cần thiết để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động của Bến Tre”.

Tính đến tháng 6/2019, Bến Tre có 57 làng nghề (37 làng nghề nông nghiệp, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp...), 96 HTX nông nghiệp, 840 tổ hợp tác xã hoạt động theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Từ năm 2011 đến nay, tổng số lao động trong độ tuổi ở Bến Tre là 843.078 người, trong đó số lao động trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động cả trong và ngoài tỉnh là 781.111 người; có 6.007 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo thời gian qua tuy có giảm nhưng vẫn còn khá cao (42%).

Theo ông Trung, mục tiêu của chương trình là thông qua đó sẽ khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo khởi nghiệp, hướng người dân theo kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn. Tuy nhiên, do hạn chế như: việc chỉ đạo thực hiện chưa kịp thời của cấp huyện; cán bộ thực hiện  hầu hết kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, tập huấn… nên các sản phẩm của làng nghề đang hạn chế về thị trường tiêu thụ, khả năng xúc tiến thương mại yếu, các sản phẩm ngành nghề nông thôn gắn với du lịch còn ít, chỉ tập trung ở một số làng nghề truyền thống.

Để giải quyết các vấn đề trên, ông Trung cho rằng, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; ban hành cơ chế hoạt động của Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp, đặc biệt quy định phải có cán bộ chuyên trách thực hiện OCOP ở các cấp.

Cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang cho biết, hiện, An Giang với dân số gần 2.2 triệu người, trong đó dân số sống ở nông thôn chiếm khoảng 69,25%, số lao động trong nông nghiệp chiếm 53,66%, công nghiệp 14,29%, dịch vụ 32,05%, hàng năm có khoảng trên 20.000 người bước vào tuổi lao động, trung bình có khoảng 30.000 người có nhu cầu về việc làm.

Nhờ thực hiện tốt công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. An Giang đã đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, giảm dần trồng lúa, tăng các loại hoa màu, phát triển chăn nuôi quy mô lớn và các dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang bức xúc về việc lao động di cư sang các tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Đặc biệt là nhiều gia đình chỉ muốn con em mình học đại học chứ không muốn học nghề. Do đó, lao động có tay nghề ngày càng ít.

Ông Thọ kiến nghị, Trung ương cần có chính sách tăng định mức hỗ trợ học nghề cho lao động nông thôn (cả người học và giảng viên/người truyền nghề) sau năm 2020 nhằm đào tạo cho lao động nông thôn có tay nghề cao phù hợp với việc đẩy mạnh các hoạt động động phát triển ngành nghề nông thôn, chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các địa phương.

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ vốn vay riêng cho các lao động sau khi được đào tạo thuộc lĩnh vực nông nghiệp như: lao động làm trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, có liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; Lao động tham gia sản xuất trong các vùng sản xuất hàng hoá lớn, sản xuất công nghệ cao để các lao động đầu tư vào phát triển sản xuất có thể tự tạo được việc làm.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, thời gian tới, cần nâng cao trình độ, kỹ năng người lao động thông qua đào tạo; hỗ trợ tạo việc làm cho lao động chuyển đổi ngành nghề; kết nối người lao động với việc làm, thị trường lao động.

 

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top