Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 11 tháng 11 năm 2021 | 16:52

Liên kết để cùng nhau phát triển kinh tế giữa dịch Covid-19

Không ngồi yên đợi dịch bệnh qua đi, nhiều người trẻ đã mạnh dạn đầu tư, thay đổi mô hình kinh doanh... để xoay chuyển tình thế, cứu nguy cho bản thân, gia đình, doanh nghiệp và thu được thành công ngay trong khó khăn.

245d4075049t70335l0.jpg
Vợ chồng anh Vũ Văn Phúc tin tưởng sẽ thành công nhờ những bước đi đúng đắn và phù hợp.

 

Thanh Hóa: Những người trẻ khởi nghiệp “sống khỏe” giữa dịch

Ghé thăm cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch Xuân Mai Food của vợ chồng anh Vũ Văn Phúc và chị Vũ Thị Huệ, cùng sinh năm 1991, ở tầng 1, chung cư Xuân Mai Tower tại TP Thanh Hóa ngay lúc cửa hàng đang tất bật chuẩn bị những đơn hàng cho khách đặt qua điện thoại. Cười thật tươi, chị Huệ mở đầu cuộc trò chuyện bằng cụm từ “cuộc sống mới”. Với chị, những điều tốt đẹp luôn nằm ngoài vùng an toàn và cơ hội sẽ đến với những ai dám dũng cảm đi ra ngoài vùng an toàn đó sớm hơn những người khác.

Bước ngoặt trên hành trình khởi nghiệp của vợ chồng chị Huệ bắt đầu vào giữa năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát ở Hà Nội. Ngày đó, chị Huệ vừa sinh đứa con thứ 2 và đang ở cữ tại nhà. Nỗi lo cơm áo gạo tiền càng trở nên nặng nề khi dịch COVID-19 kéo dài, việc chạy taxi của anh Phúc buộc phải tạm ngưng. Lúc đó, dù đang ở cữ, chị Huệ vẫn phải gánh vác toàn bộ kinh tế gia đình nhờ những đơn hàng online trong mùa dịch. Nhưng có lúc đủ, lúc thiếu, trong khi con nhỏ cần sữa, con lớn phải đi học, cộng thêm tiền ăn uống, sinh hoạt hằng ngày khiến người mẹ trẻ không khỏi lo âu.

Thấy vợ chồng con gái chật vật sống giữa thủ đô chật chội, mẹ chị Huệ ngỏ ý mong vợ chồng con gái chuyển về Thanh Hóa lập nghiệp để ông bà được gần cháu. Chị bàn với chồng và sau khi đã phân tích cái được, cái mất, cả hai quyết định về quê. Chị Huệ bắt đầu với một cửa hàng bán quần áo trẻ em. Lý giải nguyên nhân chọn mặt hàng này để kinh doanh, chị nói: “Quần áo trẻ em không chạy theo mốt, đồ ế năm nay năm sau vẫn bán được”.

Chuẩn bị vào năm học mới, việc kinh doanh đang lên “như diều gặp gió” thì bất ngờ dịch COVID-19 lần thứ 4 tràn về Thanh Hóa, thành phố “kích hoạt” các biện pháp phòng, chống dịch. Các loại hình kinh doanh không thiết yếu bị hạn chế hoặc ngừng hoạt động. Dù đã xác định trước và lập sẵn kế hoạch phòng rủi ro nhưng vợ chồng chị vẫn gặp không ít khó khăn. Nhìn thấy nhiều bạn bè chuyển hướng sang làm bảo hiểm, bán rau củ quả trực tuyến, bán khẩu trang,... Anh, chị nhận thấy, đi một vòng tròn thì con người đều quay về những nhu cầu cơ bản nhất là thở, ăn uống và sức khỏe. Không ngồi yên đợi hết giãn cách mới tính, đôi vợ chồng trẻ tìm hiểu về mảng thực phẩm sạch.

Tìm được cửa hàng, họ kết nối với các HTX, tổ hợp tác có sản phẩm sạch như rau, cá, thịt lợn... Thông qua chính quyền xã để ký hợp đồng với từng hộ nông dân cung cấp thực phẩm sạch ổn định, lâu dài. Chị chia sẻ: “Các sản phẩm đều được nhập từ các cơ sở sản xuất có chứng nhận VietGAP, hoặc chăn nuôi theo hướng an toàn. Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm tươi sống của khách hàng, các mặt hàng được bảo quản bằng phương pháp lạnh, không nhập nhiều để tránh tồn đọng”.

Ngoài bán đồ tươi sống, cửa hàng còn nhận chế biến sẵn các món ăn cho những chị em bận rộn. Khách không muốn đến cửa hàng có thể nhắn tin qua zalo, facebook hoặc gọi điện, nhân viên sẽ mang đến tận cửa dù đó chỉ là một bó rau hay vài củ hành. Nhờ thực phẩm chất lượng, giá cả bình ổn và dịch vụ tốt nên cửa hàng của chị Huệ rất đông chị em nội trợ lui tới để mua hàng.

Hơn 1 năm kể từ ngày rời thủ đô Hà Nội về TP Thanh Hóa lập nghiệp, chị Huệ không thấy tiếc nuối dù nơi đó từng là thanh xuân và tương lai của vợ chồng chị. Thời gian tới, chị Huệ lường trước việc kinh doanh của mình sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với quan niệm “vạn sự khởi đầu nan, cứ đi rồi sẽ đến”, chị tin mình sẽ thành công.

Vĩnh Phúc: Lan tỏa mô hình nông dân giúp nhau phát triển kinh tế

Thành lập năm 2013 với mục tiêu liên kết các hộ nông dân giúp nhau phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp tập trung, tạo chuỗi giá trị, thời gian qua, Câu lạc bộ (CLB) Nông dân giúp nhau phát triển kinh tế thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường không ngừng phát triển về quy mô, mở rộng số lượng hội viên, trở thành cầu nối, điểm tựa, giúp nhiều hội viên hội nông dân ổn định sản xuất, cải thiện thu nhập.

Nhận thấy địa phương có thế mạnh về tiêu thụ nông sản, diện tích đất nông nghiệp rộng nhưng manh mún, năm 2013, ông Nguyễn Văn Phong, ở Tổ dân phố (TDP) Nam Cường, thị trấn Thổ Tang đã thành lập CLB Nông dân giúp nhau phát triển kinh tế với mục tiêu tập hợp, liên kết các hộ nông dân nhằm chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong lĩnh vực trồng trọt; giới thiệu thị trường phân bón, đầu ra sản phẩm, giúp nhau phát triển kinh tế.

Ngay khi mới thành lập, CLB đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân thị trấn, 43 hộ đã tham gia trồng rau màu trên tổng diện tích hơn 20 ha.

Là một trong những hội viên tham gia CLB từ ngày đầu thành lập, chị Nguyễn Thị Khánh, TDP Nam Cường, thị trấn Thổ Tang cho biết: “Do diện tích canh tác manh mún, nhỏ lẻ, đầu ra chủ yếu xuất cho thương lái nên thu nhập của chúng tôi thường rất bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường và thời tiết.

Tùy từng thời điểm, hễ nhận thấy thị trường có xu hướng khan hiếm loại rau, củ, quả gì là chuyển sang trồng loại cây đó. Nhiều thời điểm chưa thu hoạch thì thiếu, thu hoạch xong lại thừa vì nhiều hộ trồng ồ ạt.

 

1_5.jpg
Ông Nguyễn Văn Phong, chủ nhiệm CLB Nông dân giúp nhau phát triển kinh tế thị trấn Thổ Tang hướng dẫn hội viên kỹ thuật chăm sóc rau màu.

 

Khi gia nhập CLB, cơ cấu cây trồng được tập thể lên kế hoạch cụ thể, có khả năng cung cấp nguồn rau, củ, quả đa dạng, phong phú hơn, tránh bị thương lái ép giá. Mặt khác, do nhu cầu của thị trường, các loại cây trồng phải thay đổi liên tục, trong khi không phải ai cũng có kiến thức về kỹ thuật canh tác từng loại cây.

Việc tham gia CLB giúp chúng tôi có cơ hội được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các thành viên từ vấn đề về giống, phân bón... đến kỹ thuật canh tác và thu hoạch”.

Trên diện tích hơn 2 sào đất nông nghiệp, gia đình chị Khánh hiện đang trồng các loại bí đao, mướp đắng, cải ngồng và cà chua ghép. Các loại cây được trồng gối vụ quanh năm, trung bình từ 70 – 90 ngày là cho thu hoạch.

Cũng là thành viên của CLB Nông dân giúp nhau phát triển kinh tế, vụ thu hoạch vừa qua, mặc dù bị ngập mất 3 sào ruộng do mưa lớn kéo dài, song gia đình chị Vũ Thị Lam, ở TDP Nam Cường vẫn thu về hơn 100 triệu đồng nhờ hành lá được giá.

Hiện nay, giá thu mua hành lá tại vườn vào khoảng 30.000 đồng/1kg. Chị Lam cho biết: “Do diện tích canh tác có hạn nên chúng tôi trồng đa dạng các loại cây để tránh điệp khúc “được mùa mất giá”.

Là thành viên CLB, ngoài được chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng các loại cây, đối với từng loại nông sản, các hộ trồng loại cây đó sẽ tập hợp lại, thống nhất giá chung, sau đó xuất cho thương lái hoặc bất kỳ đơn vị nào thu mua với số lượng lớn. Bằng cách này, mặc dù sản xuất manh mún, nhỏ lẻ song hiệu quả kinh tế vẫn ổn định”.

Ông Nguyễn Văn Phong, Chủ nhiệm CLB Nông dân giúp nhau phát triển kinh tế thị trấn Thổ Tang cho biết: Sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ không mang lại hiệu quả cao, trong khi đó, việc hình thành vùng sản xuất chuyên canh một loại cây tại thị trấn Thổ Tang gần như không thể, bởi đây là nơi chung chuyển hàng hóa nông sản lớn của khu vực phía Bắc, tùy từng thời điểm, thương lái sẵn sàng trả giá cao gấp nhiều lần để thu mua nông sản.

Tuy nhiên, nếu xây dựng được một vùng sản xuất tập trung lớn, trồng đa dạng các loại cây, thống nhất chung một giá thì có thể vừa đáp ứng số lượng theo yêu cầu, vừa đa dạng giống cây trồng theo nhu cầu của thị trường. Việc gia nhập CLB giúp bà con nông dân được bảo vệ quyền lợi trước những biến động của thị trường, chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp cùng nhau sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau 8 năm đi vào hoạt động, hiện nay, số hội viên CLB đã tăng lên 71 thành viên, tổng diện tích rau màu canh tác đạt hơn 35ha. Thu nhập trung bình sau khi trừ chi phí đầu tư, rủi ro thời tiết trong 3 năm gần nhất của mỗi hội viên khoảng 160 triệu đồng/năm.

Đánh giá về hiệu quả mô hình CLB Nông dân giúp nhau phát triển kinh tế, ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Thổ Tang cho biết: “Hoạt động của CLB mang lại 3 lợi ích thấy rõ cho ngành nông nghiệp địa phương.

Đó là khuyến khích nông dân sản xuất nông nghiệp; tạo sự gắn bó, đoàn kết trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế; tạo tiền đề để dồn thửa đổi ruộng, góp phần hình thành vùng sản xuất tập trung”.

Nhằm hướng tới những thị trường lớn, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiện nay, CLB đã có 15 ha sản xuất rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP, trong thời gian tới, CLB mong muốn được Sở NN&PTNT, Sở KH&CN có chính sách hỗ trợ giống, phân bón và chuyển giao KHKT giúp hội viên nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, từ đó nhân rộng mô hình tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Hà Nội: Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm

Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong khi Hà Nội mới chủ động được một phần nông sản, thực phẩm; số còn lại phải nhập khẩu từ các tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng Thủ đô. Để chủ động khâu cung ứng, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang chủ động đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh, thành phố, kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tiêu thụ nông sản, thực phẩm...

Thực tế, Hà Nội tự sản xuất, cung ứng được 30-65% nhu cầu về nông sản nên mong muốn các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai kế hoạch phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; triển khai kết nối cung - cầu nông sản, giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn thành phố.

 

nong-san-an-toan-cua-cac-ti.jpg
Nông sản an toàn của các tỉnh được đưa về bán tại cửa hàng tiện ích trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Trung Kiên

 

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa Hoàng Viết Chọn cho biết, Thanh Hóa có lượng nông sản, thực phẩm lớn, đạt 1,5 triệu tấn/năm và 200-250 nghìn tấn gạo để trao đổi với các địa phương ngoại tỉnh, trong đó có Hà Nội. Thanh Hóa cũng đã có 20 sản phẩm được chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Từ đầu năm 2021 đến nay, Thanh Hóa có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng nông sản cho thị trường Hà Nội như: Công ty Thanh Hương, Công ty Thiên Trường 36, Công ty Sao Khuê… với các sản phẩm nước mắm, thủy sản, thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả các loại. Tuy nhiên, mỗi tháng, Thanh Hóa mới có 10-15 tấn nông sản đưa ra thị trường Hà Nội...

Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn, sản phẩm nông sản của Kiên Giang mới tiêu thụ chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh, thị trường Hà Nội còn khiêm tốn. Hiện tỉnh Kiên Giang có hơn 600ha ruộng được chứng nhận hữu cơ, sản phẩm đã xuất khẩu tới một số quốc gia. Kiên Giang cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp, địa phương đầu tư, kết nối tiêu thụ với thị trường Hà Nội để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thực phẩm...

Đánh giá về hiệu quả của chương trình phối hợp kết nối tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, trong 10 tháng năm 2021, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm của Hà Nội đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ lượng hàng hóa từ các tỉnh, thành phố với khối lượng hơn 220.000 tấn. Nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương cũng được kết nối, đưa vào tiêu thụ tại 35 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô. Hà Nội sẵn sàng phối hợp kết nối nông sản của các tỉnh, thành phố trên cả nước với các kênh siêu thị nước ngoài như: MM Mega Market, Big C, Aeon Mall... đồng thời, quảng bá nông sản, thực phẩm an toàn trên 600 trang website thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ quảng bá, kết nối - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn các tỉnh, thành phố tại thị trường Hà Nội, thành phố sẽ nghiên cứu, triển khai các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố...

Hà Nội là thị trường tiêu thụ lớn và giàu tiềm năng, song để nông sản, thực phẩm của các tỉnh, thành phố đưa về tiêu thụ với số lượng lớn và bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam, các địa phương và Hà Nội cần có sự liên kết, hỗ trợ bằng nhiều hình thức để tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh giao thương ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Hà Nội cần hỗ trợ thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh của các tỉnh thông qua chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối cung - cầu trên nền tảng kỹ thuật số để nắm rõ thông tin cung - cầu các bên...

Để tăng cường kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục rà soát sản phẩm đặc sản có thế mạnh vùng miền, gắn kết tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng, số lượng với thị trường, phù hợp nhu cầu thị hiếu, cân đối cung - cầu trên thị trường, tránh việc sản xuất cung vượt cầu; đặc biệt, các địa phương cần tập trung nâng cao giá trị sản phẩm...

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, việc kết nối nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ nhằm giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, các địa phương cần chỉ đạo các đầu mối cung ứng cung cấp thông tin cụ thể về số lượng hàng hóa nhằm tránh bị động. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cần coi trọng chất lượng nông sản, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cung ứng cho thị trường Hà Nội. Trong đó, chất lượng cần được coi là yếu tố quyết định việc ký kết hợp đồng và hợp tác lâu dài, mang lại lợi ích cao nhất cho các bên tham gia...

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top