Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), thời gian qua, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đã đảm bảo quyền lợi, chi trả đúng mục đích, đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Điện Biên: Đảm bảo quyền lợi cho chủ rừng
Là địa bàn có địa hình đối núi hiểm trở, độ dốc lớn, huyện Tuần Giáo gặp nhiều khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm tra rừng. Trước đây tình trạng xâm canh, xâm cư vẫn xảy ra; việc khai thác trái phép nhỏ lẻ xảy ra tại một số địa bàn giáp ranh với huyện Tủa Chùa và tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, từ khi triển khai chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn huyện đã nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ rừng; số vụ cháy rừng, vi phạm lâm luật giảm dần qua các năm. Đồng thời, góp phần tạo sinh kế, giúp người dân có thu nhập, tạo động lực gắn bó với rừng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã tổ chức giao khoán phần diện tích có rừng (8.339,476ha) cho 11 cộng đồng bản tại 4 xã (Ta Ma, Phình Sáng, Mường Khong, Pú Xi) quản lý bảo vệ theo quy định. Trong 6 tháng đầu năm, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội thanh toán tiền DVMTR của năm 2021 tới các cộng đồng với tổng số tiền hơn 5,1 tỷ đồng.
Hiện, toàn tỉnh có 5 Ban quản lý rừng, tổ chức hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích trên 48.577ha rừng cho 116 cộng đồng thôn, bản với 7.206 hộ dân tham gia nhận khoán. Để việc chi trả tiền DVMTR đảm bảo đúng, đủ, kịp thời cho các chủ rừng, Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chú trọng công tác rà soát, xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR. Trên cơ sở đó tổng hợp diện tích rừng cung ứng DVMTR theo từng lưu vực, tiến hành chia đơn giá chi trả cho các lưu vực, thanh toán tiền cho các chủ rừng. Đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ Ban điều hành Quỹ để nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện nhiệm vụ; hoàn thành việc tạm ứng và thanh toán tiền cho chủ rừng đủ điều kiện chi trả DVMTR kịp thời và đúng thời gian theo quy định.
Thời gian qua, chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến đời sống của hàng nghìn người dân sống gần rừng, tham gia phát triển bảo vệ rừng. Nhờ đó cuộc sống được cải thiện rõ rệt, nhất là cộng đồng dân cư vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Từ nguồn tiền DVMTR nhận được, các hộ gia đình có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống, một số hộ đã đầu tư phát triển kinh tế gia đình hiệu quả; còn các cộng đồng dân cư có nguồn kinh phí để xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn, bản.
Có thể nói thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh đã kịp thời đảm bảo quyền lợi cho chủ rừng; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, năm 2021 tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 42,96% tăng 4,46% so với năm 2016.
Lai Châu: DVMTR giúp tăng thu nhập, tích cực bảo vệ rừng
Nhiều năm qua, huyện Tân Uyên triển khai thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhờ đó, từng bước nâng cao đời sống cho Nhân dân trên địa bàn, góp phần giữ cho những cánh rừng của huyện thêm xanh.
Thành viên Tổ chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng bản Nậm Bon (xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên) chăm sóc rừng.
Trao đổi với anh Đỗ Hữu Phong - Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) huyện Tân Uyên, chúng tôi được biết: Trong năm 2020, Ban QLRPH đã chi trả hơn 33 tỷ đồng tiền DVMTR cho các hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư ở các bản. Để thực hiện chính sách chi trả DVMTR đạt kết quả cao, Ban QLRPH huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn, kiểm lâm địa bàn triển khai sâu rộng mục đích, ý nghĩa của chính sách giúp người dân nắm rõ.
Đồng thời, tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp, phòng cháy chữa cháy rừng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, đa số các xã, bản xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng. Hiện nay, tất cả các bản trên địa bàn huyện thành lập các tổ chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng. Các tổ có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật, quy ước, hương ước về bảo vệ rừng, tận thu, tận dụng lâm sản, củi dưới tán rừng. Vận động các hộ gia đình nhận khoán diện tích rừng thường xuyên đi kiểm tra nếu phát hiện rừng bị tác động trái phép hoặc bị đốt phá… có trách nhiệm báo cáo kịp thời với kiểm lâm địa bàn, cơ quan có thẩm quyền để giải quyết kịp thời. Vì vậy, tính hết năm 2021, tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt 42,77%.
Ngoài ra, để đảm bảo việc chi trả DVMTR đúng, đủ tới các đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng, vào tháng 12 hàng năm Ban QLRPH huyện Tân Uyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn, kiểm lâm cắm địa bàn tiến hành rà soát, nghiệm thu để đánh giá, thống kê diện tích rừng được giao khoán làm căn cứ cho việc chi trả tiền DVMTR năm tiếp theo. Việc chi trả sẽ được Nhân dân họp lấy ý kiến, khi người dân đồng thuận sẽ tiến hành chi trả theo quy định.
Với diện tích 4.095,65ha rừng được chi trả tiền DVMTR, những năm qua, người dân xã Nậm Cần tích cực chăm sóc, giữ gìn cho rừng thêm xanh. Lợi ích từ chính sách chi trả DVMTR mang lại đã và đang là yếu tố để bà con Nậm Cần có trách nhiệm với rừng hơn. Nhờ đó, mấy năm gần đây, trên địa bàn xã không xảy ra vụ cháy rừng nào cũng như không có vụ vi phạm về bảo vệ rừng. Nhiều hộ đã sử dụng tiền chi trả DVMTR để tái sản xuất như: mua cây, con giống phát triển kinh tế gia đình.
Điển hình như gia đình anh Lò Văn Chiến (ở bản Phiêng Áng). Được hưởng 7 triệu đồng mỗi năm từ chính sách chi trả DVMTR, gia đình anh Chiến đầu tư trồng và chăm sóc chè. Ngoài ra, gia đình anh còn mua giống trồng ngô bán ngập, sửa thuyền để đánh bắt thủy sản trên sông Nậm Mu, nuôi trâu, trồng 2ha quế. Đến nay, gia đình anh có thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Anh Chiến tâm sự: “Chính sách chi trả DVMTR vừa tạo việc làm mà còn giúp bà con thêm gắn bó với rừng. Giờ đây, ý thức bảo vệ rừng được nâng cao, không còn tình trạng xâm hại đến diện tích rừng hay chặt phá, khai thác rừng bừa bãi. Cũng nhờ số tiền chi trả từ DVMTR không chỉ giúp gia đình tôi mà nhiều hộ trong bản có vốn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.
Được biết, trên địa bàn xã Phúc Khoa hiện có 5.846,94ha đất có rừng, trong đó diện tích cung ứng được chi trả DVMTR là 5.800,90ha, tổng số tiền được chi trả mỗi năm gần chục tỷ đồng. Theo anh Lò Văn Lục - Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững xã Phúc Khoa, được hưởng chính sách chi trả DVMTR người dân trong xã rất phấn khởi. Đây là động lực để bà con nâng cao trách nhiệm chăm sóc bảo vệ rừng mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống.
Được biết, để giữ diện tích rừng luôn phát triển tốt, hàng năm cấp ủy, chính quyền xã Phúc Khoa phối hợp với cán bộ kiểm lâm cắm địa bàn, Ban QLRPH huyện đẩy mạnh tuyên truyền đến bà con về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp xã, tu sửa 3 chốt bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại các cửa rừng.
Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững xã còn vận động các bản xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng để gắn trách nhiệm giữ rừng cho bà con. Do đó, nhiều năm nay xã không có vụ cháy rừng, cháy thảm thực vật xảy ra, tỷ lệ che phủ rừng của xã đạt 71,8% (năm 2021).
Thực hiện chính sách chi trả DVMTR không chỉ giúp bà con trên địa bàn huyện Tân Uyên có thêm thu nhập mà còn góp phần tích cực vào việc bảo vệ, giữ gìn những cánh rừng thêm xanh. Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm, Ban QLRPH huyện tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền đến các nhóm hộ, cộng đồng dân cư về Luật Lâm nghiệp, đặc biệt là các hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Yên Bái: Chi trả DVMTR, nguồn lực để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững
Từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR đến nay, tỉnh đã huy động được trên 765 tỷ đồng từ các đối tượng sử dụng DVMTR để chi các hoạt động liên quan đến bảo vệ rừng (BVR) và phát triển vốn rừng (PTVR). Chính sách này là bước ngoặt quan trọng không chỉ nâng cao nhận thức toàn xã hội về giá trị phòng hộ của rừng mà còn trực tiếp tạo nguồn thu nhập cho người làm nghề rừng.
Huyện vùng cao Mù Cang Chải có trên 82.000 ha đất có rừng nằm trong 4 lưu vực có cung ứng DVMTR gồm: lưu vực sông Hồng, sông Đà, Nậm Tha và lưu vực Nậm Xây. Hiện tại, huyện có 3 đơn vị chủ rừng là: Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải, Hạt Kiểm lâm quản lý diện tích rừng đặc dụng và UBND các xã quản lý diện tích rừng sản xuất. Trong vài năm trở lại đây, trung bình mỗi năm các chủ rừng nhận được 50 tỷ đồng tiền DVMTR.
Ông Nguyễn Anh Phương - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải cho biết: "Diện tích rừng có cung ứng DVMTR của đơn vị là trên 54.000 ha; trong đó, huyện Mù Cang Chải là trên 48.496 ha, huyện Văn Chấn là 5.568,61 ha. Năm 2020, đơn vị được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái chi trả trên 37 tỷ đồng tiền DVMTR để chi trả cho 11.383 hộ và 200 cộng đồng, nhóm hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng (BVR). Cùng với các nguồn thu nhập khác từ rừng, phí DVMTR đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân, đóng góp vào ổn định dân cư, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao ý thức người dân trong quản lý, BVR và PTVR. Từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, người dân đã có ý thức hơn trong công tác quản lý, BVR và PTVR; có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa chủ rừng với các hộ gia đình và chính quyền địa phương trong quản lý BVR. Tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép tại các khu vực rừng được chi trả tiền DVMTR đã giảm rõ rệt”.
Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái, đến nay, toàn tỉnh có 325.977,4 ha rừng và đất lâm nghiệp cung ứng DVMTR. Năm 2021, Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh đã chi trả tiền DVMTR năm 2020 kịp thời cho 11 chủ rừng là tổ chức, doanh nghiệp với số tiền là 69.532 tỷ đồng, tương ứng với diện tích rừng là 114.569,28 ha; hộ gia đình, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với số tiền là trên 3 tỷ đồng, tương ứng với diện tích rừng là 9.899,83 ha.
Hiện, đã có 56.332 hộ gia đình, cá nhân trong tỉnh được hưởng lợi, gần 200.000 ha rừng được bảo vệ từ nguồn kinh phí DVMTR. Với phương châm "lấy rừng để nuôi rừng”, Chính sách chi trả DVMTR đã đem lại những tín hiệu tích cực, huy động nguồn lực xã hội để quản lý, BVR và PTVR, giảm đáng kể đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho quản lý, BVR, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của môi trường rừng, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân vùng cao và động viên nhân dân gắn bó với rừng.
Tuy nhiên, theo Luật Lâm nghiệp quy định các loại DVMTR bao gồm: bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch; cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản.
Nhưng thực tế, nguồn thu của các loại hình dịch vụ trên địa bàn hiện nay mới tập trung vào 4 loại hình dịch vụ là thủy điện, nước sạch, nước công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, trong khi nhiều địa phương có rừng do không có doanh nghiệp thủy điện sử dụng dịch vụ nên không có khoản thu.
Cùng đó, sự điều tiết tiền chi trả DVMTR giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh có sự chênh lệch lớn, gây nên nhiều sự thắc mắc giữa các đối tượng được thụ hưởng. Nhận thức về BVR và PTVR của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, vẫn còn tình trạng canh tác nương rẫy không tập trung và chưa được quy hoạch chặt chẽ.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách chi trả DVMTR thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tập trung bảo vệ và phát triển vững chắc diện tích rừng hiện có, gắn với nâng cao giá trị của DVMTR. Mở rộng đối tượng thu, tăng nguồn thu để phát huy hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác BVR. Từ đó, nâng cao thu nhập cho các hộ dân BVR, nhất là các hộ đồng bào dân tộc nghèo, tạo động lực để bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân trong quản lý, BVR. Đồng thời, tiếp tục triển khai thanh toán tiền chi trả DVMTR thông qua tài khoản ngân hàng, giao dịch thanh toán điện tử, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.