Tại hội thảo “Phát huy tiềm năng và lợi thế, thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020” do UBND tỉnh Long An tổ chức ngày 16-9, đại diện lãnh đạo tỉnh Long An cho biết, địa phương này sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ KH&ĐT và Bộ NN&PTNT cùng gần 300 đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và lãnh đạo sở, ngành các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh…
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Văn Rạnh, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An, khẳng định: Long An có vị trí chiến lược là nơi kết nối giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - là vùng phát triển công nghiệp nhất cả nước, cùng với vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, trái cây, thủy sản của cả nước, Long An vừa có điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ với quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp khá lớn, lên đến hơn 13.500ha đến năm 2020 và kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện; vừa có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp ở vùng Đồng Tháp Mười và nhiều vùng chuyên canh sản xuất các loại nông sản truyền thống.
Quang cảnh hội thảo
Với vị trí chiến lược trên, hiện Long An vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Một trong những nguyên nhân mà tỉnh xác định đó là chưa triển khai hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh Long An đã thu hút 768 dự án đầu tư với số vốn đăng ký trên 5,1 tỷ USD. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Long An đã cấp giấy chứng nhận cho 380 dự án đầu tư nước ngoài, tăng hơn 72% so với giai đoạn 2006 - 2010. Tuy nhiên, để những mục tiêu, định hướng mới về đẩy mạnh phát triển hạ tầng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục phát triển, tại hội thảo, UBND tỉnh Long An mong muốn nhận được sự quan tâm, chia sẻ và ủng hộ của các bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 9,18%/năm (tính theo giá so sánh năm 2010). Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch nhanh từ nông nghiêp - công nghiệp - dịch vụ; sang công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Theo đó, công nghiệp - xây dựng tăng trưởng bình quân 15,3%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp theo so sánh 2010 đạt trên 129.000 tỷ đồng. Thương mại dịch vụ duy trì tốc độ tăng trưởng 11,8%/năm, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt mức tăng trưởng bình quân 22%/năm. Xuất nhập khẩu tăng trưởng khoảng 20,8%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,7 tỷ USD, mặt hàng xuất khẩu đang có xu hướng dịch chuyển dần từ nhóm hàng nông sản sang nhóm hàng công nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Cần nhấn mạnh: “Với vị trí địa lý kinh tế quan trọng, Long An có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, Long An chưa phát huy tối ưu những tiềm năng, thế mạnh dựa trên sự kết hợp sức mạnh nội lực và ngoại lực. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Long An đã đề ra 2 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm. Trong đó chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm và 3 công trình trọng điểm như: Đường tỉnh lộ 830 (từ thị trấn Đức Hòa đến cảng Long An tại huyện Cần Giuộc), công trình trục hạ tầng giao thông đô thị kết nối với TP. Hồ Chí Minh khi được hoàn thành sẽ góp phần tăng cường kết nối với TP. Hồ Chí Minh tạo điều kiện thúc đẩy nhanh phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Công trình đường vành đai TP. Tân An sẽ giúp Tân An nâng cấp lên đô thị loại II đến năm 2020 sẽ tăng cường kết nối với tỉnh Tiền Giang. Riêng Chương trình đột phá triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng: nông, thủy sản của Long An, đặc biệt khu vực vùng Đồng Tháp Mười”.
Chủ tịch Trần Văn Cần cam kết sẽ tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và mọi thành phần kinh tế đầu tư sản xuất kinh doanh. Đồng thời bày tỏ tin tưởng các nhà đầu tư sẽ sớm nhận ra Long An là điểm đến tin cậy, an toàn thuận lợi với những cơ hội phát triển mới.
Lãnh đạo tỉnh Long An giới thiệu cho các nhà khoa học về vị trí địa lý và lợi thế của địa phương
Hội thảo có 19 tham luận và nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, các nhà khoa học là chuyên gia đầu ngành nông nghiệp như: GS. Võ Tòng Xuân, GS. Nguyễn Ngọc Trân, GS.TS Võ Thanh Thu và chuyên gia kinh tế như GS.TS Nguyễn Đông Phong đã đề xuất các giải pháp khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của Long An, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hợp tác tiểu vùng với các địa phương, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh trong việc kết nối hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội của Long An.
Theo nhận định của GS.TS Võ Thanh Thu và GS.TS Nguyễn Đông Phong: Long An đứng đầu các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong thu hút vốn đầu tư, đặc biệt thu hút đầu tư nước ngoài. Khu vực kinh tế này góp phần giúp Long An duy trì tốc độ phát triển GDP trên 12%/năm, gần gấp đôi so với mức tăng trưởng kinh tế của cả nước, đưa kinh tế Long An từ tỉnh thuần nông sang tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp. Tuy nhiên, một số dự án đầu tư vào Long An vẫn nằm trong nhóm “kinh tế nâu” tiềm năng sẽ gây ô nhiễm lớn, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của tỉnh hiện tại và tương lai… Cùng với những bài toán lớn này, hội thảo sẽ nhận định khả năng những hướng đi mới như: tăng trưởng kinh tế xanh và nền nông nghiệp xanh.
GS.TS Võ Thanh Thu cho rằng, thời gian tới, tỉnh Long An cần tiếp tục hướng đến thu hút các dự án có chất lượng cao về vốn và công nghệ, thân thiện với môi trường. Muốn nâng cao chất lượng, thu hút đầu tư FDI vào tỉnh, Long An cần xây dựng chiến lược thu hút vốn FDI với các biện pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả, nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An theo hướng bền vững.
Được biết, hội thảo lần này nằm trong chuỗi sự kiện khởi động Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2016, trước khi Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Long An 2016 sẽ được tổ chức vào ngày 15-10. Đây là diễn đàn khoa học để các doanh nghiệp, nhà khoa học và lãnh đạo địa phương thảo luận về cơ sở khoa học, tính khả thi và giải pháp thực hiện đối với các đề xuất, định hướng các chương trình đột phá, công trình trọng điểm nhiệm kỳ 2015 - 2020 của tỉnh.
Quang Minh
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Vùng cao Văn Bàn (Lào Cai), nơi những mái nhà tạm bợ từng là vết tích của cuộc sống nghèo khó, giờ đây đang bừng lên sức sống mới. Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị, toàn quân dân đang chung sức, nỗ lực không ngừng nghỉ trong hành trình xóa bỏ những ngôi nhà tạm, dột nát, thay thế bằng những ngôi nhà vững chãi, kiên cố.
Sau 5 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đạt những kết quả ban đầu rất quan trọng, tạo nên động lực mới trong trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trong quá trình thực hiện, xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo để sản phẩm OCOP Quảng Ngãi vươn xa…