Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 12 năm 2018 | 14:2

Lục Ngạn: Vùng quả ngọt đệ nhất đất Bắc

Từng là huyện miền núi, kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng những năm gần đây, Lục Ngạn (Bắc Giang) được nhiều người biết đến là vùng trồng cây ăn quả hàng hóa tập trung lớn nhất miền Bắc.

Không phụ công người, cây ăn quả ở đây đều phát triển tốt, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.

tr7.JPG

Người dân xã Trù Hựu thu hoạch cam.

 

Quả ngọt quanh năm

Đến huyện Lục Ngạn những ngày này, đâu đâu cũng tấp nập kẻ mua người bán cam ngọt, lòng vàng; bưởi ngọt, da xanh, hồng đào… lúc lỉu, chín vàng trên những khu vườn trải dài các triền đồi.

Theo chân cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Lục Ngạn, chúng tôi đến thăm gia đình bà Lại Thị Tâm (thôn Mị, xã Trù Hựu). Trong căn nhà hai tầng khang trang, bà Tâm chia sẻ: “Đây là thời điểm cam chín rộ nên thơm và ngọt. Năm nay, với hơn 1ha vườn, gia đình thu hoạch khoảng 20 tấn cam lòng vàng, bưởi ngọt và bưởi da xanh, tổng giá trị ước đạt khoảng 500 triệu đồng. Nhờ trồng cây ăn quả, gia đình đã thoát nghèo, có của ăn, của để, nuôi dạy con cái học hành đến nơi đến chốn”.

Cách đó không xa, gia đình chị Nguyễn Thị Thúy và anh Giáp Văn Tiện ( thôn Hựu, xã Trù Hựu) cũng đang tất bật thu hoạch cam, bưởi.

Dẫn khách thăm một vòng vườn cam trĩu quả, chị Thúy cho biết, trước đây các gia đình trong vùng chủ yếu trồng vải thiều và một số cây lấy gỗ, hiệu quả kinh tế không cao. Khoảng 5 năm trở lại đây, sau khi đến một số nơi học hỏi kinh nghiệm trồng cây có múi, gia đình chị đã cải tạo vườn trồng 2ha cam, bưởi. Năm nay, tổng sản lượng của gia đình đạt khoảng 30 tấn cam lòng vàng, cam ngọt, 4.000 quả bưởi da xanh, bưởi ngọt. Với giá bán trung bình 15.000-50.000 đồng/kg, tùy loại, doanh thu khoảng 600 triệu đồng.

Xã Trù Hựu hiện có hơn 1.000ha cây ăn quả các loại, doanh thu ước đạt hàng chục tỷ đồng/năm. Tại các xã Hồng Giang, Tân Mộc, Tân Quang, Quý Sơn, Thanh Hải…, diện tích, sản lượng cây ăn quả còn cao hơn 2-3 lần, mỗi năm có hàng trăm hộ dân có thu nhập tiền tỷ, hàng nghìn hộ đã thoát nghèo, làm giàu từ cây ăn quả. 

Theo UBND huyện Lục Ngạn, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện khoảng 27.000ha. Trong đó, gần 15.300ha vải thiều; 6.400ha cây có múi, năm nay sản lượng ước đạt hơn 53 nghìn tấn; nhãn, ổi, táo cũng đạt hàng chục nghìn tấn quả. Tổng giá trị từ cây ăn quả ước đạt khoảng 7.000 tỷ đồng/năm.

 

tr7a.JPG
Các sản phẩm trái cây huyện Lục Ngạn được người tiêu dùng đón nhận.

Ông Cao Văn Hoàn, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn, khẳng định: “Chúng tôi luôn tự hào vì đã đưa Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc. Hàng năm, vụ thu hoạch, tiêu thụ trái cây của huyện được bắt đầu từ tháng 5 với khoảng 100 nghìn tấn vải thiều, sau đó là nhãn, ổi, cam, bưởi, táo…, tổng sản lượng ước đạt 60.000 - 80.000 tấn; được thu hoạch rải rác từ tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau. Các loại cây ăn quả chất lượng được đưa về Lục Ngạn như vải thiều Thanh Hà, nhãn lồng Hưng Yên, cam Đường canh, cam Vinh, các loại bưởi đào Tân Lạc, Diễn, da xanh… đều phát triển tốt, chất lượng không kém gì với nơi sản sinh ra nó”. 

Nâng giá trị trái cây

Ngoài vải thiều, UBND huyện Lục Ngạn luôn xác định cây có múi là một trong những loại cây chủ lực, cần tập trung phát triển nên lập quy hoạch vùng trồng loại cây này. Trong đó, ngoài việc tiếp tục chuyển đổi, giảm thêm khoảng 3.000ha vải thiều, chuyển diện tích còn lại sang sản xuất an toàn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, quy trình hữu cơ…, huyện sẽ tập trung mở rộng vùng trồng cam, bưởi ở các xã có diện tích đồi cao, đất đai màu mỡ như: Hồng Giang, Tân Quang, Tân Mộc, Quý Sơn, Trù Hựu, Nam Dương, Giáp Sơn, Tân Lập và thị trấn Chũ…

Để tránh tình trạng tăng trưởng “nóng”, phá vỡ quy hoạch, dẫn đến khó tiêu thụ sản phẩm, UBND huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo các xã, thị trấn khuyến cáo các hộ dân từ nay đến năm 2020 duy trì diện tích cây có múi toàn huyện khoảng 7.000ha. Bên cạnh đó, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng quả, xây dựng thương hiệu, hướng tới xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Phấn đấu đạt mục tiêu trên, mỗi năm huyện dành hơn 1 tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ cho các hộ 30% kinh phí mua cây giống; khuyến khích người dân trồng các loại giống cây trồng mới, chất lượng cao, chín rải vụ, có thị trường tiêu thụ như cam không hạt, cam Xoàn theo quy trình an toàn.

 

tr7b.JPG

Đi liền với các giải pháp trên, hằng năm, huyện phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật, Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức tập huấn quy trình VietGAP cho các chủ vườn trên địa bàn. Tập trung hướng dẫn các hộ sử dụng thuốc sinh học phòng, trừ sâu bệnh cho cây; tăng cường bón phân hữu cơ thay phân bón vô cơ, bảo đảm sản phẩm an toàn, vệ sinh môi trường, chống độc cho đất. Tích cực xây dựng thương hiệu, đổi mới mẫu mã sản phẩm; tổ chức hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Điểm mới đáng quan tâm là huyện đang hỗ trợ xã Tân Mộc thực hiện dự án ứng dụng công nghệ cao chăm sóc cây ăn quả có múi thành vùng tập trung với diện tích gần 320ha (khoảng 30 - 35% diện tích cây ăn quả), trong đó vải thiều 130ha/436 ha, cây có múi 183ha/580 ha. Dự án thực hiện từ năm 2018-2021 với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 5,5 tỷ đồng, còn lại là người dân đối ứng. 

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tự động tưới nước tiết kiệm, thay thế tường rào bảo vệ bằng hệ thống camera giám sát và ứng dụng phần mềm ghi chép quy trình sản xuất VietGAP để thuận tiện cho việc gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, cùng với việc thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng du lịch vào hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi, UBND huyện sẽ thành lập Hội Du lịch huyện để ký hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp lữ hành, xây dựng các tour du lịch sinh thái, trải nghiệm miệt vườn tại các vùng trồng cây ăn quả trọng điểm, góp phần nâng giá trị, vị thế cho cây ăn quả”.

 

“Nhằm tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm trái cây của Lục Ngạn, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân Lục Ngạn quảng bá sản phẩm, xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ vải thiều, cam, bưởi…

Mục tiêu hướng tới là đẩy mạnh tiêu thụ trái cây Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ uy tín tại Hà Nội và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ và đẩy mạnh xuất khẩu đến thị trường Trung Quốc, ASEAN, Mỹ, Úc…”, ông Đào Xuân Cường, Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, cho biết.

 

 

 

 

Hồng Nguyên
Ý kiến bạn đọc
Top