Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 3 tháng 11 năm 2021 | 20:23

Miền Trung tập trung sản xuất vụ đông xuân

Thời điểm bước vào vụ sản xuất đông xuân 2021 – 2022, để tránh những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, diễn biến thời tiết bất thường, các tỉnh miền Trung đã chủ động đề ra nhiều giải pháp để nỗ lực triển khai sản xuất.

Hà Tĩnh mới đạt 40,5% diện tích gieo trỉa cây trồng vụ đông

Theo kế hoạch, vụ đông năm 2021, toàn tỉnh sản xuất 11.332 ha cây trồng, trong đó: 3.726 ha ngô lấy hạt, 1.568 ha ngô sinh khối; 4.558 ha rau các loại; 1.480 ha khoai lang.

Những địa phương có diện tích sản xuất lớn như: Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang, Can Lộc, Cẩm Xuyên…

Đến nay, các địa phương đã hoàn thành gieo trỉa 4.584 ha cây trồng vụ đông các loại, đạt 40,5% kế hoạch. Cây trồng có diện tích đã sản xuất lớn nhất là rau các loại với 2.385 ha (đạt 52,3% kế hoạch); khoai lang 724 ha (đạt gần 49% kế hoạch); ngô lấy hạt 1.475 ha (đạt gần 40% kế hoạch). Riêng ngô sinh khối chưa phát sinh số liệu.

 

84d2232853t80718l0.jpg
Nông dân Vũ Quang gieo trỉa ngô đông. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tiến độ sản xuất vụ đông năm 2021 ở các địa phương chậm so với kế hoạch. Đặc biệt, thời vụ gieo trỉa chính vụ ngô đông đã kết thúc (30/10) nhưng hiện nay tiến độ sản xuất cây trồng chủ lực nhất của vụ đông này chưa đạt yêu cầu và chậm hơn so với cùng kỳ năm 2020.

“Hiện nay, thời vụ gieo trỉa chỉ còn trà ngô đông muộn - xuân sớm. Dự báo thời tiết trong tháng 11 sẽ có mưa nhiều, các đợt rét đến sớm, vì vậy, các địa phương cần tranh thủ thời tiết, ưu tiên các giống ngô ngắn ngày để kịp thời xuống giống. Cùng đó là đẩy nhanh gieo trồng các loại cây trồng trong khung kế hoạch, sớm phủ kín diện tích và không làm ảnh hưởng đến thời vụ gieo trỉa vụ lạc xuân 2022 tới", ông Phan Văn Huân, Trưởng phòng Trồng trọt - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết. 

Thanh Hóa: Thiệu Hóa nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông

Vụ đông năm 2021-2022, huyện Thiệu Hóa phấn đấu gieo trồng 2.320 ha; trong đó, có 1.100 ha ngô, 141 ha ớt, 103 ha khoai tây... và 632 ha các loại rau màu. Với quyết tâm đạt mục tiêu cả về diện tích, sản lượng, giá trị kinh tế, huyện đã chú trọng thực hiện các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; giảm dần các cây trồng truyền thống, thay thế các loại cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao...

Từ cuối tháng 8/2021, UBND huyện đã ban hành phương án sản xuất vụ đông 2021-2022 và chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động xây dựng khung lịch thời vụ và các phương án sản xuất cụ thể nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích cây hàng hóa tập trung, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ, như: cải bắp, xu hào, dưa các loại, bí xanh, cà chua, hành, kiệu...

 

177d2194046t76095l0.jpg

Nông dân xã Thiệu Thành chăm sóc cây ngô. Ảnh: Báo Thanh Hóa.

 

Để nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, chuyển giao, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là đối với những loại cây có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, giao cho các HTX dịch vụ nông nghiệp tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, làm tốt công tác dự tính, dự báo về tình hình sâu bệnh, phun thuốc đúng thời điểm, phòng trừ triệt để, không để sâu bệnh phát sinh ra diện rộng gây thiệt hại đến kết quả sản xuất...

Vụ đông 2021-2022, huyện Thiệu Hóa không chỉ chú trọng nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất, mà còn nỗ lực sản xuất được những sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm cung ứng ra thị trường.

Quảng Trị: Triển khai nhiều giải pháp để vụ đông xuân đạt kết quả cao

Chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy 25.500 ha lúa. Trên cơ sở dự báo thời tiết vụ đông xuân 2021-2022 của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh và Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vụ đông xuân 2021 - 2022, các địa phương sẽ triển khai gieo sạ từ ngày 5 -20/1/2022, tùy theo giống lúa. Riêng 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, ngoài thời vụ trên, tùy theo điều kiện khí hậu của tiểu vùng và khả năng chủ động nguồn nước để bố trí thời vụ phù hợp.

Để chủ động trong sản xuất, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, chủ trương của ngành nông nghiệp là tiếp tục cơ cấu 100% các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, chuẩn bị đầy đủ nguồn giống đảm bảo chất lượng để cung ứng cho người dân sản xuất. Các giống lúa chủ lực được đưa vào sản xuất đại trà gồm HN6, HC95, An Sinh 1399, Dự Hương 8, Đài Thơm 8, Khang Dân, ĐD2, Bắc Thơm 7... Đối với diện tích đất lúa dự báo thiếu nước trong vụ hè thu thì xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy mô tập trung ngay trong vụ đông xuân, sử dụng giống lúa chịu hạn, chuyển sang trồng cây trồng cạn như ngô, lạc, đậu xanh, dưa hấu… các mô hình sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản khác phù hợp với điều kiện từng vùng.

 

truc_0858.jpg
Nông dân làm đất để chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân. Ảnh: Báo Quảng Trị

 

Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân áp dụng biện pháp tưới luân phiên, tận dụng các nguồn nước hồi quy ở các trục tiêu, ao hồ, sông suối để bơm tát phục vụ làm đất, gieo sạ và tưới vụ đông xuân, tích trữ nguồn nước ở các hồ chứa để phục vụ tưới khi cần thiết và cho vụ hè thu. Chủ động be bờ giữ nước trong ruộng trước lúc vào vụ sản xuất, tích nước ở các bàu, ao, đầm, khoanh vùng đặt máy bơm dã chiến hỗ trợ khi cần thiết.

Nhằm hạn chế thấp nhất sâu bệnh ảnh hưởng đến năng suất cây lúa, nguyên tắc “phòng bệnh là chính, trừ bệnh phải triệt để” cũng được đưa vào áp dụng ngay từ đầu vụ. Theo đó, toàn tỉnh sẽ phát động người dân ra quân làm vệ sinh đồng ruộng. Tận dụng nguồn nước sẵn có trên ruộng chủ động cày vùi gốc rạ, tiêu diệt mầm mống sâu bệnh sớm, góp phần giảm lượng nước cũng như công làm đất khi vào chính vụ sản xuất. Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM, tăng cường sử dụng công cụ sạ hàng, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, phổ biến và áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong điều kiện giá phân bón tăng cao đầu vụ như hiện nay, giải pháp quan trọng là tuyên truyền để người dân sử dụng các chế phẩm vi sinh để xử lý các phế phẩm, phụ phẩm trong nông nghiệp, tạo phân hữu cơ để bón cho cây trồng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời ngành chức năng sẽ tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về việc kinh doanh, tổ chức hội thảo quảng cáo, vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác.

 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top