Vợ chồng chị Đặng Thị Cuối, khu Bãi Non, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội), đã áp dụng mô hình này thành công tại quê nhà, sản phẩm được thị trường đón nhận.
Sau khi đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan (Trung Quốc), chuyên trồng rau hữu cơ, theo lối canh tác của Nhật Bản; trở về Việt Nam, vợ chồng chị Đặng Thị Cuối, khu Bãi Non, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội), đã áp dụng mô hình này thành công tại quê nhà, sản phẩm được thị trường đón nhận.
Sang Đài Loan học trồng rau hữu cơ
Chị Cuối cho biết, xuất thân từ nông dân, nên khi đi xuất khẩu lao động năm 2001, chị đã làm việc cho một công ty rau sạch của Nhật Bản, đóng tại Đài Loan. Sau khi hết hợp đồng 4 năm với Nhật Bản, chị lại tiếp tục trồng rau hữu cơ cho Đài Loan 12 năm nữa, và trở về Việt Nam năm 2017.
Song, điều đáng chú ý là, ở Đài Loan năm thứ 6, chị đã gửi về nhà cho chồng nguyên vật liệu để làm nhà lưới, từ con ốc, đinh vít, khung nhà màng để canh tác rau sạch. Tuy nhiên, chồng chị đã từ chối, và trả lời: “Từ cổ chí kim” đến nay, tôi chưa thấy ai làm rau sạch mà trở nên giàu có. Vậy nên chị đã thuyết phục, “anh cứ sang đây làm việc với em, để xem thực tế một chuyến; lao động vài năm, thấy không hợp thì về”. Nghe lời vợ, chồng chị đã gửi 2 con cho bà nội, rồi sang Đài Loan sản xuất rau hữu cơ cùng công ty với chị.
Trước khi đi, anh đem theo nhiều hạt giống rau các loại ở Việt Nam để trồng thử nghiệm, và học cách chăm sóc rau hữu cơ của Đài Loan.
Sau 8 năm, đủ độ “chín” về kiến thức, kinh nghiệp, tất cả các loại hạt giống anh đem sang trồng ở Đài Loan đều sinh trưởng, phát triển tốt. Thấy cơ hội đã đến, anh chị quyết định trở về Việt Nam gây dựng cơ nghiệp.
Điều đáng nói ở đây là, thời gian ở Đài Loan, ngày nào anh chị cũng theo dõi thông tin ở nhà, và thấy Việt Nam đang đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, sản xuất sạch, áp dụng công nghệ cao, vì vậy, vợ chồng càng quyết tâm hơn. Về quê nhà, trước khi bắt tay vào việc, anh chị đi tìm địa điểm từ Nam ra Bắc, không thấy đâu ưng ý, nên lại quay về canh tác tại quê nhà, trên diện tích 1.360m2.
Tuy nhiên, buổi đầu không mấy suôn sẻ, do bị nhiều người chê bai. Riêng có chị chồng, cũng lao động ở Đài Loan về, là ủng hộ. Người chị động viên: Cậu mợ cứ mạnh dạn mà làm, tôi thấy ở Đài Loan, cậu mợ làm việc tốt, ở quê nhà chắc sẽ thành công. Đây chính là động lực để vợ chồng chị quyết tâm trồng rau hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản.
Sau khi thấy anh chị làm rau sạch “độc, lạ”, bà con rất thích, và chị đã thuê đất của họ, nâng tổng diện tích lên 5ha, đồng thời đào tạo họ kỹ thuật canh tác. Như vậy là, ngoài tiền cho thuê đất, người dân còn được hướng dẫn cách trồng rau hữu cơ. Đồng thời, được hưởng thù lao 4-5 triệu đồng/người/tháng, ngay trên mảnh ruộng của chính gia đình họ.
Canh tác độc đáo
Cách sản xuất rau của chị Cuối khá độc đáo, ví như: khâu khử trùng đất, thay vì phun thuốc diệt cỏ, sau khi thu hoạch xong, chị kéo đèn khò ra ruộng, phun lửa khắp ruộng, làm sạch đất bằng lửa. Đây là cách làm của người Nhật, để tiêu diệt nấm bệnh, trứng sâu bọ, nhưng giữ được giun, vì nó nằm sâu dưới đất, nên không bị ảnh hưởng. Xử lý đất xong, vãi hạt rau và đóng cửa vườn, 20-30 ngày sau mới thu hoạch (tuỳ loại rau, và thời gian thu hoạch), cứ liên tục như vậy trong cả năm.
Để diệt sâu bọ, chị bắt sâu ở ruộng và tự làm thuốc hữu cơ bằng cách trộn với men vi sinh, đường cát, sữa milo, cho vào sục cá đánh tan, ủ trong 2 tuần. Sau đó, cho vào máy sinh tố nghiền nát, lọc cặn bã và phun cho rau. Tuy sâu không chết ngay, nhưng ngừng không ăn rau nữa, và yếu dần rồi chết. Với cách làm này, một năm chỉ phải phun 1-2 lần, có ruộng không bao giờ có sâu nữa.
Về nguồn nước tưới cho rau, được đưa lên bể thô phơi nắng, sau đó lọc qua 3 bể dung tích 40 m3/ngày, đây là nguồn nước sạch, vừa để sử dụng ăn uống trong gia đình, vừa để tưới rau.
Về nguồn phân bón, hàng năm, chị phải mua 600 bao tải tro rơm rạ, ủ với 2 tấn đỗ tương, cộng với phân chuồng hoai mục bón cho rau. Bình quân, bón 1 lần/lứa rau, mỗi năm 10-12 lứa. Với cách làm độc đáo này, rau của chị không những an toàn, chất lượng cao, mà còn bán rất chạy, hiện chưa đủ để cung cấp cho thị trường.
Về công nghệ, anh chị đã đầu tư nhà màng 8.000m2, lắp đặt tại gia đình, toàn bộ nguyện liệu, từ ốc vít, khung sắt, khoá sắt mạ kềm, đều nhập từ Đài Loan; dây chằng mái, màn chống côn trùng của Thái Lan, tổng trị giá hơn 6 tỷ đồng. Với công nghệ này, các khung sắt không hàn lại với nhau khi xây dựng nhà màng, mà sử dụng bằng khoá sắt mạ kẽm. Vì vậy, có thể tháo lắp dễ dàng từ ruộng nọ sang ruộng kia; hoặc khi thay đổi địa điểm, vận chuyển vật liệu rất thuận tiện.
Được biết, anh Nguyễn Đăng Quý (chồng chị Cuối) đang bận rộn với công việc chuyển giao công nghệ này cho bà con trong vùng. Hiện, anh đang tiến hành tại các địa điểm như: HTX cá sạch ở cầu Thanh Trì; HTX Tằm Xá (Đông Anh); xã Phụng Thượng, xã Long Xuyên (Phúc Thọ); Chùa Trầm (Chương Mỹ). Đặc biệt, anh đang chuyển giao mô hình cho Trường THPT Tân Lập (Đan Phượng), để nhà trường hướng nghiệp cho học sinh THPT. Tốp thợ của anh có 5 công nhân, được trả công 350.000 đồng/người/ngày.
Thị trường rộng mở
Nhờ đầu ra ngày càng rộng mở, năm 2018, chị Cuối thành lập HTX Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, với 9 thành viên; cả 9 hộ cùng góp đất, tổng diện tích sản xuất rau trên 5ha. Bình quân 1 tháng thu 6-7 tấn rau sạch, đạt 150 triệu đồng/sào. Bao gồm tất cả các loại rau ăn lá, ăn củ, măng tây, bông hẹ. Riêng bông hẹ, 15 năm mới phải thay cây 1 lần, dễ trồng, không sâu bệnh, giá bán tại siêu thị 50.000 - 60.000 đồng/kg; đây là mặt hàng đang được thị trường ưa chuộng.
“Hiện, đầu ra của HTX Cuối Quý là 16 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng; chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch của Bác Tôm; 6 chợ đầu mối trong vùng, mỗi ngày xuất 1,5-2 tạ rau củ, quả các loại. Ngoài ra, còn có chuỗi cửa hàng rau sạch Hà Nội, bà con quanh vùng, và khách đến lấy tại ruộng. Dự kiến, thời gian tới, chúng tôi sẽ thuê thêm 2 mẫu nữa, trong đó có 1 mẫu trồng dâu tây, cà chua bi đỏ, cà chua bi vàng; và làm gàu dây cho trẻ em trải nghiệm mô hình nông trại, kết hợp du lịch”, chị Cuối chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi về những mô hình rau hữu cơ công nghệ cao, xuất hiện ngày càng nhiều ở Thủ đô, ông Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi đang đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng công nghệ cao trong canh tác hữu cơ, nhất là sản phẩm rau và lúa gạo. Sản phẩm của HTX Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý là một trong 50 gian hàng tiêu biểu, đã được khách hàng đón nhận tại khu triển lãm Thường Tín thời gian qua. Đồng thời, đây cũng là gương mặt mới, mô hình rau hữu cơ mới triển khai theo hướng công nghệ cao tại Hà Nội.
Mặt khác, đa phần các HTX, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm, rau củ quả hữu cơ; VietGAP đã hiểu được sản phẩm phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, khó khăn của chúng tôi là khâu chiếu xạ, song Viện Năng lượng nguyên tử, có thể giúp bà con chiếu xạ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; hiện, nhiều hộ dân đã đưa ngô, hoa quả đến chiếu xạ. Dự kiến thời gian tới, Hà Nội sẽ xây dựng chợ thương mại điện tử”.
Ngoài ra, ông Tường còn cho biết thêm, từ nay đến cuối năm, Sở sẽ tổ chức nhiều hội chợ để giúp các HTX, doanh nghiệp, người dân kết nối tiêu thụ sản phẩm sạch với người tiêu dùng tốt hơn, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2020.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.