Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo, bên cạnh nỗi lo xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, nếu phát triển tự phát, ồ ạt khi giá liên tục tăng, ngành cá tra sẽ “vỡ trận” và người nuôi sẽ lãnh đủ.
Nguy cơ “vỡ trận”
Tổng cục Thủy sản vừa phát đi cảnh báo đến các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về tình trạng ồ ạt, tự phát đào ao thả cá tra dễ kéo theo nhiều hệ lụy: Nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, giảm hiệu quả sản xuất, gây mất cân đối cung - cầu và sẽ ảnh hưởng đến phát triển bền vững của ngành cá tra.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, khoảng 18 tháng qua, giá cá tra gần như tăng liên tục. Hiện giá cá tra nguyên liệu ở mức 32-33 nghìn đồng/kg, cao gấp 1,5 lần cùng kỳ năm trước; còn cá giống loại lớn cũng lên 60-70 nghìn đồng/kg, gấp trên 3 lần so với năm trước.
“Đây là mức giá có lời không cưỡng lại được, khiến người nuôi ồ ạt đào ao thả cá. Về quy hoạch, có thể cảnh báo rủi ro, phê phán người nuôi nhưng cũng phải hiểu động lực nào để họ làm như thế trong khi trồng lúa hoài vẫn thu nhập thấp”- ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, các địa phương như An Giang, Long An, Đồng Tháp… có thể sẽ xem xét, để tăng diện tích nuôi cá, nhất là diện tích nằm trong quy hoạch cũ.
Song ông Dũng cũng cảnh báo, nếu ồ ạt đào ao thả cá tra, sẽ gây áp lực lên môi trường. “Cứ mỗi kilogam cá thịt, sẽ mất khoảng hơn 1,5kg thức ăn. Những thứ đó thải đi đâu, xử lý thế nào. Đây là vấn đề băn khoăn khi sản lượng có thể tăng lên 2 triệu tấn, chứ không còn 1,2 triệu tấn/năm như hiện nay”- ông Dũng nói.
Hiệp hội Cá tra đã khuyến cáo từ năm ngoái: Nếu giá cá cứ tăng, một lúc nào đó người mua sẽ ngần ngại, thậm chí chậm mua, hoặc ngưng mua sẽ dẫn tới dư thừa.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám nhận định, tình hình đang rất nóng, nhất là tại Long An, An Giang, Đồng Tháp. Đây là vấn đề cần chấn chỉnh ngay.
Theo Thứ trưởng Tám, hiện về quy hoạch, sản xuất giống tổng thể đã đảm bảo cho nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, do giá cá nguyên liệu tăng mạnh, nhiều nơi người nuôi thả giống cùng lúc, có thời điểm không điều tiết kịp nên giá cá giống tăng cao. Việc phát triển tự phát, sẽ dư cung, ảnh hưởng đến chất lượng, dịch bệnh, môi trường, chính người dân sẽ bị thiệt hại lớn.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, cá tra là sản phẩm quốc gia, các thị trường đang yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn kỹ thuật. Do vậy, việc này các địa phương phải quyết liệt, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Đứng trước việc các địa phương có thể “thả lỏng” cho người dân ồ ạt nuôi vì phát triển kinh tế địa phương, ông Tám hay, người dân họ thấy có lợi là họ làm, nhưng quan trọng là nhận thức của chính quyền cơ sở.
“Lo ngại nhất là địa phương có cách nhìn cục bộ, ngắn hạn. Có thể một hai lứa cá thì có lợi…Vẫn còn lãnh đạo nhiều huyện, tỉnh nghĩ rằng việc nuôi cá chỉ trong địa phương mình, chứ chưa nhìn nhận ở quan hệ cung - cầu vì thiếu thông tin. Bây giờ, sản xuất cá tra phải đảm bảo theo chuỗi, đảm bảo các yêu cầu khắt khe, từ sản xuất giống, kiểm dịch, an toàn thực phẩm, ao nuôi, môi trường”, ông Tám nhấn mạnh.
Nỗi lo xuất tiểu ngạch
Trong khi xuất sang thị trường Mỹ, EU đang gặp nhiều về rào cản về thuế chống bán phá giá, các tiêu chuẩn kỹ thuật… thì thị trường Trung Quốc nổi lên, trở thành thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất (vượt Mỹ và EU). Các chuyên gia cảnh báo, việc người dân đổ xô nuôi cá ồ ạt, đang nhắm vào “giỏ” lớn nhất này sẽ gặp nhiều rủi ro, nhất là buôn bán biên mậu.
Tính đến hết tháng 3/2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) đạt 101,1 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2017. Dự báo trong cả năm nay, XK cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Trước hết, nhu cầu nhập khẩu cá tra của thị trường này vẫn rất lớn. Thị trường Trung Quốc lại có nhiều phân khúc đối với cá tra, từ cao cấp tới bình dân, do đó các doanh nghiệp Việt Nam có thể XK nhiều loại sản phẩm cá tra sang đây.
Theo VASEP, giá của 1kg cá tra xuất chính ngạch sang Trung Quốc đang cao hơn khoảng 1 USD so với giá cá tra xuất tiểu ngạch. Trong khi đó, lượng cá tra xuất tiểu ngạch lại chiếm tới 47% lượng cá tra xuất sang Trung Quốc. Lượng xuất khẩu cao, tới gần 50%, nhưng giá lại thấp hơn 1 USD/kg, nên giá trị cá tra xuất tiểu ngạch chỉ chiếm khoảng 23% giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc. Như vậy, nếu phần lớn lượng cá tra đang đi tiểu ngạch được chuyển sang chính ngạch, chắc chắn giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông sẽ lớn hơn nhiều so với con số 101,1 triệu USD trong 3 tháng đầu năm.
Đáng lo ngại hơn là, xuất tiểu ngạch có nguy cơ làm giảm chất lượng, uy tín cá tra Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, nhất là khi có sự tham gia của nhiều thương nhân nước này ngay tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Điều đáng nói là, với những thương nhân Trung Quốc chuyên thu mua và xuất khẩu cá tra về nước họ qua đường tiểu ngạch, thì không mấy quan tâm tới chất lượng. Ngay từ khâu mua cá tra nguyên liệu, nhiều thương nhân đã sẵn sàng mua cả cá không đảm bảo chất lượng xuất khẩu. Họ lại càng không bận tâm tới tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam về cá tra xuất khẩu. Do đó, cá tra qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đang làm ảnh hưởng tới uy tín của cá tra Việt Nam tại thị trường này, khi mà Trung Quốc đã không còn là thị trường dễ tính.
Mới đây, trước “sức nóng” của đợt tăng giá nguyên liệu trong nước, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT kiểm soát chất lượng cá tra xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua việc cấp và kiểm tra chứng thư xuất khẩu.
VASEP cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT có chương trình kiểm tra các cơ sở gia công, sơ chế cá tra hiện nay để bảo đảm chất lượng cá tra xuất khẩu. Cùng đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu chiến lược phát triển dài hạn thị trường Trung Quốc, có chương trình tiếp thị, truyền thông quảng bá sản phẩm cá tra vào thị trường rộng lớn này.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám cho biết, tới đây, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, trên cơ sở đề xuất của VASEP, sẽ bàn kỹ hơn về mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc, kể cả chính ngạch và tiểu ngạch.
Theo ông Tám, thời gian qua, thương lái Trung Quốc qua nhiều kênh khác nhau vào tận ao nuôi đặt các hộ nuôi cá tra để xuất tiểu ngạch và không yêu cầu cao về mặt chất lượng, chủng loại. Nhiều cơ sở, địa phương, có thể chưa nắm được thông tin cho rằng đó là yếu tố thuận lợi, nhưng thực ra, Trung Quốc đang có nhiều chính sách “siết” chặt.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.