Chương trình mua muối tạm trữ tại Cần Giờ (TP.HCM) kết thúc đầu tháng 10-2016, nhưng các doanh nghiệp mới chỉ mua hơn 28.000 tấn trong số hơn 95.000 tấn đã cam kết tiêu thụ trước đó.
Hoạt động mua muối theo chương trình tạm trữ bị chậm, khiến hàng chục ngàn tấn muối tại Cần Giờ, TP.HCM vẫn đang bị tồn đọng - Ảnh: C.Trung |
Số muối còn tồn đọng lên đến 67.000 tấn.
Nhiều diêm dân tại Cần Giờ lo lắng cho biết mùa mưa kéo dài nhưng hàng chục ngàn tấn muối vẫn đang còn đắp bạt nằm chờ, không biết đến khi nào mới bán được.
Anh Lê Thanh Châu (ấp Lý Thái Bửu, xã Lý Nhơn) - chủ ruộng muối 7ha với hơn 380 tấn muối còn nằm chờ tại chòi - cho biết đăng ký bán muối với doanh nghiệp đã lâu nhưng vẫn chưa bán được ký muối nào.
“Muối chỉ bán được 50.000 đồng/tạ, trong khi tiền nhân công thu hoạch là 13.000 đồng/tạ và tiền vận chuyển hết 10.000 đồng/tạ, chưa kể tiền thuê đất và chi phí công cán trước đó nên người làm muối bị lỗ nặng. Nhưng nếu không bán được, muối để lâu càng bị hao hụt, thiệt hại càng lớn” - anh Châu lo lắng.
Đầu tháng 8-2016, UBND TP.HCM đã có chính sách hỗ trợ 60% lãi vay ngân hàng đối với doanh nghiệp tiêu thụ muối Cần Giờ. Riêng với người dân sản xuất muối, TP hỗ trợ giá dựa trên giá thành muối đất là 689 đồng/kg, muối trải bạt là 583 đồng/kg, cộng 30% lợi nhuận và chi phí vận chuyển từ nhà dân đến nhà kho doanh nghiệp. |
Trong khi đó, gia đình ông Hồ Tuấn An (ấp Lý Thái Bửu) cũng đang đứng ngồi không yên do khoản vay 70 triệu đồng để đầu tư ruộng muối đã đáo hạn, nhưng hơn 100 tấn muối của gia đình ông vẫn chưa bán được, chẳng biết lấy gì để trả.
“Muối thu hoạch xong vẫn còn chất đống trong kho, chẳng thấy doanh nghiệp nào đến mua, tiền lãi vay cũng chẳng có chứ nói gì đến việc trả nợ gốc” - ông An nói.
Lý giải việc mua muối bị chậm trễ, một lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ cho biết do việc vận chuyển muối phụ thuộc vào triều cường, việc bốc xếp, vận chuyển sản phẩm để tiêu thụ thường xuyên bị gián đoạn.
Phần lớn các doanh nghiệp mua và giao nhận muối tại các kho của doanh nghiệp ở ngoài huyện Cần Giờ, trong khi người làm muối không có phương tiện nên phải thuê phương tiện vận chuyển. Công suất nhập kho của các đơn vị mua rất thấp dẫn đến việc ùn ứ phương tiện tại các kho, ảnh hưởng đến việc mua muối tạm trữ.
Theo vị này, UBND Cần Giờ đã có văn bản kiến nghị UBND TP xem xét chấp thuận gia hạn thời gian hỗ trợ tiêu thụ muối đến hết năm 2016, trước khi vụ muối mới bắt đầu.
“Tuy nhiên, các đơn vị mua phải có giải pháp đẩy nhanh tiến độ mua muối, tăng công suất nhập kho và tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển trong việc bốc xếp muối lên kho mới có thể giải tỏa được nguồn muối còn tồn đọng” - vị này nói.
Diêm dân bán muối... dạo Nhiều diêm dân tại vùng muối Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) cũng cho biết đang như ngồi trên lửa do hàng ngàn tấn muối bị tồn đọng, chưa tiêu thụ được. Ông Võ Thành Út, chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX muối Sa Huỳnh, lo lắng cho biết vẫn còn hơn 9.000 tấn muối Sa Huỳnh chưa bán được dù giá chỉ có 500 đồng/kg. Theo ông Trần Em - chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, đến nay vẫn chưa có công ty nào đứng ra bao tiêu và mua muối của diêm dân. “Việc mua bán muối không có hợp đồng, giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, chưa có sự liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến muối với các HTX và diêm dân trong khâu tiêu thụ” - ông Trần Em nói. Diêm dân Võ Sẵn cho biết do chờ mãi cũng chả thấy ai mua trong khi mùa mưa sắp đến, nhiều hộ làm muối đã góp tiền thuê xe chở muối đi... bán dạo khắp Quảng Ngãi. “Với giá bán muối dạo được 1.000 đồng/kg, sau khi trừ tiền xe và tiền muối cũng kiếm được ngày công” - ông Sẵn cho biết. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…