Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 6 năm 2022 | 11:59

Nâng cao chất lượng, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều

Hiện nay, nông sản của Việt Nam đang dần khẳng định vị thế, chất lượng trên thị trường. Trong số đó, quả vải thiều có mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon, thu hút người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Vải thiều đã vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe để chinh phục thị trường khó tính, có mặt tại siêu thị nhiều nước trên thế giới.

Tiêu thụ nội địa chiếm 60%

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), vải thiều là loại trái cây đặc sản được ưa chuộng. Hiện nay, vùng trồng loại vải nổi tiếng nằm ở huyện Thanh Hà (Hải Dương); huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) và nhiều địa phương khác trên cả nước.

 

21a.jpg
Niềm vui khi vải thiều được mùa, được giá.

 

Năm 2021, tổng diện tích vải của cả nước đạt trên 53.000ha, năng suất trung bình 73,4,0 tạ/ha, sản lượng trên 360.000 tấn, đứng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ). Diện tích vải tập trung tại các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn...

Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 357 mã số vùng trồng trên cây vải cho 4 tỉnh: Hải Dương (118 mã số vùng trồng trên 1.035 ha); Bắc Giang (22 mã số vùng trồng trên 16.638 ha); Hưng Yên (8 mã số vùng trồng trên 220 ha; Đắk Lắk (9 mã số vùng trồng trên 110 ha).

Chia sẻ tại Diễn đàn  Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn góp phần thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm vải thiều Thanh Hà” do  Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương vừa tổ chức, TS. Đào Quang Nghị, Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, thị trường tiêu thụ nội địa được xác định là trọng điểm, tập trung nhằm khai thác hết tiềm năng sẵn có, chủ yếu ở các thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng…  Sản lượng tiêu thụ nội địa chiếm 60% tổng sản lượng, riêng thị trường phía Nam tiêu thụ khoảng 60% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.

Theo kết quả điều tra, mức tiêu thụ vải trong nước hiện nay đạt trung bình 2,1 kg/người/năm, trong khi xuất khẩu quả vải tươi, qua chế biến chiếm khoảng 40% sản lượng, trong đó xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài Trung Quốc, Việt Nam còn xuất  sang Lào, Campuchia, Maylaysia, Singapore, Nhật Bản, châu Âu, Nga... nhưng số lượng rất nhỏ. 

Hiện trái vải tươi của Việt Nam được xuất khẩu với thị phần 19% (đứng thứ 2 trên thế giới, sau Madagascar), chủ yếu được xuất sang Trung Quốc. Năm 2021, giá trị quả vải xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đạt 46,2 triệu USD. Dự báo, năm nay xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể bị sụt giảm do tình hình dịch bệnh. Dù vậy, về lâu dài, nhờ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, điển hình như Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), rau quả Việt có nhiều cơ hội bứt phá tại các thị trường mới, thay vì lệ thuộc lớn vào Trung Quốc.

EVFTA mở ra cơ hội lớn tại thị trường EU, vốn là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới. Cụ thể, Việt Nam có thể xuất khẩu bất cứ loại rau quả nào qua EU, miễn là mặt hàng đó được sản xuất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo TS. Đào Quang Nghị, EU lại là thị trường “khó tính”, với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm... khắt khe. Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị trả hàng, gây thiệt hại không chỉ riêng cá nhân doanh nghiệp mà cả ngành rau quả Việt Nam. Do đó, việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP là yêu cầu bắt buộc.

Mặc dù tiềm năng về thị trường cho sản phẩm quả vải của Việt Nam là rất lớn, nhưng để tiếp cận được các thị trường khó tính, sản xuất còn phải vượt qua nhiều  rào cản về kỹ thuật. Trong đó, kỹ thuật sản xuất là một trong những mắt xích trong chuỗi giá trị đóng vai trò quan trọng.

Thúc đẩy tiêu thụ vải thiều

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Hoàng Văn Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho hay, vải thiều Thanh Hà đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận “Chỉ dẫn địa lý” từ năm 2007. Từ đó đến nay, sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế vinh danh về chất lượng và an toàn thực phẩm.

 

21b.jpg
Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn góp phần thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm vải thiều Thanh Hà”.

 

“Sản xuất vải thiều trong nước nói chung và tại Hải Dương nói riêng đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, hiện nay yêu cầu thị trường trong và ngoài nước về quả vải ngày càng khắt khe, hàng rào tiêu chuẩn để xuất khẩu càng ngày càng siết chặt. Do vậy, đòi hỏi các địa phương phải không ngừng nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm quả vải”, ông Hồng nhấn mạnh.

Hải Dương là một trong những địa phương có diện tích trồng vải thiều lớn. Năm 2022, diện tích vải toàn tỉnh vẫn giữ ổn định gần 9.000ha (trong đó huyện Thanh Hà gần 3.300ha; TP. Chí Linh gần 3.500ha; các huyện, thành phố, thị xã còn lại trên 2.200ha). Tổng sản lượng vải dự kiến khoảng 60.000 tấn.

Trong đó, trà vải sớm 2.750ha (riêng huyện Thanh Hà có khoảng 1.750ha), dự kiến sản lượng khoảng 35.000 tấn. Trà vải chính vụ và muộn trên 6.200ha, dự kiến sản lượng khoảng 25.000 tấn.

Ngoài duy trì vùng sản xuất vải VietGAP và GlobalGAP của năm 2021, Hải Dương đã mở rộng thêm 5 vùng sản xuất vải VietGAP, 6 vùng sản xuất vải GlobalGAP, đưa tổng số vùng sản xuất vải VietGAP lên 41 vùng với tổng diện tích là 500 ha; GlobalGAP lên 11 vùng với tổng diện tích 110 ha. Ngoài ra, gần 6.000 ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và GAP cơ bản.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Dương, để vải thiều được quảng bá rộng khắp hơn, ngay từ đầu vụ, Sở đã lên kế hoạch rà soát các đầu mối, công ty thu mua vải thiều, tổ chức gặp gỡ, đón tiếp và đưa các đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đi khảo sát, thăm thực tế các vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu của tỉnh; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, đơn vị, thương lái đến thu mua vải thiều phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng.

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 150 điểm thu mua vải xuất khẩu sang Trung Quốc, các chợ đầu mối trong nước. Gần 50 HTX, doanh nghiệp thu mua vải cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích, 5 sàn thương mại điện tử; 10 doanh nghiệp chế biến, cấp đông và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vải đi các thị trường khó tính.

Theo ông Phạm Văn Duy, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), những năm gần đây, do nhu cầu thị trường tiêu dùng tăng lên, cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư chế biến rau quả và đã cho ra đời những sản phẩm rau quả chế biến phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, đối với quả vải chế biến, chủ yếu sấy khô, đóng hộp (vải nước đường), nước ép, lạnh đông IQF.

Để thực hiện chế biến quả vải theo quy mô công nghiệp phục vụ nhu cầu xuất khẩu, các địa phương cần tập trung chỉ đạo người dân, HTX tuân thủ quy trình nghiêm ngặt từ chuẩn bị nguyên liệu đầu vào (thu hái, sơ chế, bảo quản); thực hiện các công đoạn chế biến; kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu ra... nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn theo từng thị trường nhập khẩu.

 

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
Top