Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 25 tháng 12 năm 2021 | 9:17

Nâng tầm chuyển đổi số, chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng logistics để tăng lưu thông

Ngành logistics được ví như “mạch máu” của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá đầy tiềm năng để phát triển. Đã đến lúc cần có tầm nhìn mới về chuyển đổi số trong logistics, đưa lĩnh vực quan trọng này vượt qua những điểm yếu “cốt tử” và nâng lên tầm cao mới.

Tiềm năng 

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, theo nghiên cứu năm 2021 của Bộ Công Thương, chỉ số năng lực hoạt động của ngành logistics tăng và đạt 3,34 điểm so với 3,27 điểm của năm 2018. Việt Nam cũng là nước được xếp hạng trong Top 10 về Chỉ số logistics của thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng cao, ở mức 14 - 16%/năm.

Theo Báo cáo logistics Việt Nam 2021, hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp logistics hoạt động chuyên nghiệp, cung cấp dịch vụ logistics quốc tế. Chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao nhờ tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, cải tiến quy trình nghiệp vụ, đặc biệt là các doanh nghiệp logistics cung cấp dịch vụ cho thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Một số doanh nghiệp logistics đã tham gia chương trình Hộ chiếu logistics thế giới (WLP) và nâng cao chất lượng cải thiện mối quan hệ với khách hàng quốc tế.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp logistics nước ngoài. Chưa kể, doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 95%), nhưng đa số là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao.

Đóng vai trò như “mạch máu” của nền kinh tế, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành dịch vụ logistics phát triển. Cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam đã có những bước phát triển khá nhanh, tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10-15%, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trong nước và quốc tế, đóng góp quan trọng trong nâng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

“Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới sụt giảm do tác động của dịch bệnh”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

 

cảng-tân-vũ-hải-phòng.jpg
Cảng Tân Vũ ((Hải Phòng).

 

Quyết định rất lớn đến sản xuất và xuất khẩu

Tại Diễn đàn “Phát triển ngành logistics Việt Nam với khu vực châu Âu - châu Mỹ”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đã nêu một danh mục dài những khó khăn của doanh nghiệp thủy sản. Trước tháng 11/2020, cước vận tải một container 40 feet từ Việt Nam đi Mỹ cao nhất là 3.500 USD, hiện là 17.000 USD với bờ Đông và 13.000-14.000 USD với bờ Tây. Cước vận tải đi EU và Trung Đông trước đây chỉ khoảng 1.000 USD/container, nhưng nay đã vọt lên tương ứng 12.000-14.000 USD/container và 10.000-11.000 USD/container.

Cần phải nói thêm, Mỹ, EU là thị trường lớn của thủy sản Việt Nam, chiếm 38% thị phần xuất khẩu, với nhiều đối tác nhập hàng lớn. Cước vận tải biển tăng tạo ra áp lực lớn với doanh nghiệp xuất khẩu trước sức ép phải giao hàng đúng hẹn cho đối tác.

“Với doanh nghiệp xuất hàng đông lạnh như thủy sản, thì đáng sợ nhất là không book (đặt trước) được container rỗng để xuất hàng và điều này đã xảy ra. Có hãng tàu báo hoãn tới 20 ngày mà vẫn chưa chắc chắn có container rỗng để doanh nghiệp bốc xếp hàng. Trong khi đó, hàng sản xuất ra phải lưu kho lạnh thêm một ngày là đội chi phí, doanh nghiệp phải điều phối lại sản xuất vì nếu chế biến nhiều mà hàng chưa giải phóng được thì sẽ không có chỗ bảo quản”, ông Nam nói.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, chi phí logistics tăng cao đã tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, không ít doanh nghiệp đứng trước tình trạng thua lỗ nghiêm trọng, đình trệ sản xuất. “Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador… có giá thành sản xuất tốt hơn Việt Nam. Nay doanh nghiệp Việt càng khó cạnh tranh hơn khi phải gánh thêm hàng chục loại phí và giá cước vận tải biển tăng hàng chục lần”, một đại diện doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đi châu Âu chia sẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế của Việt Nam; năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp, chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả.

Những điểm yếu cố hữu của ngành logistics Việt Nam đã bộc lộ rõ hơn như chi phí logistics vẫn ở mức cao, chiếm khoảng hơn 20% tổng GDP quốc gia, cao hơn nhiều so với chi phí logistics trung bình trên thế giới đang dao động ở mức 11 - 12% GDP.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics - doanh nghiệp sản xuất - doanh nghiệp xuất khẩu còn yếu và chưa hình thành được mạng lưới doanh nghiệp logistics Việt Nam với quy mô lớn, có khả năng và năng lực dẫn dắt thị trường để thúc đẩy ngành phát triển.

Hơn nữa, chuyển đổi số trong ngành logistics còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nguồn nhân lực của ngành còn yếu và thiếu, mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu của thị trường và chưa theo kịp được sự phát triển của logistics trên thế giới. Sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, thái độ, cũng như trạng thái tâm lý của nhân lực logistics Việt Nam để sẵn sàng đón nhận việc dịch chuyển lao động giữa các nước ASEAN cũng như tham gia vào các FTA thế hệ mới chưa cao.

“Bối cảnh này đặt ra yêu cầu ngành logistics phải có giải pháp để duy trì sự chống chịu bền bỉ, đảm bảo vai trò của logistics trong duy trì các chuỗi cung ứng hàng hoá dịch vụ, vừa phải có tư duy tầm nhìn và giải pháp đặc biệt, định hình hướng đi mới để bắt kịp với thế giới, tạo bước đột phá cho phục hồi kinh tế - xã hội trong những năm 2022 - 2023, cho cả giai đoạn thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cần có tầm nhìn mới về chuyển đổi số trong logicstics

Ông Kurt Bình, sáng lập và CEO Công ty Smartlog cho biết, nhiều năm trước, không ai nghĩ Việt Nam có thể tạo ra những sản phẩm, dịch vụ logistics có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với thế giới, không chỉ cung cấp cho nội địa mà còn vươn ra toàn cầu.

Đại diện Smartlog cho hay, giai đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng trong đợt dịch vừa qua càng chứng minh cho tầm quan trọng của logistics đối với nền kinh tế. Chi tiêu cho ngành này chiếm hàng chục tỷ USD, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Chỉ ra những thực trạng của logistics tại Việt Nam, ông Bình nhận định, logistics Việt còn phân mảnh, thiếu sự liên kết. Thứ hai là lãng phí phương tiện. Thứ 3 là chuyển đổi số không đồng nhất. Ví dụ, một doanh nghiệp, tài xế có thể dùng hàng chục ứng dụng logistics khác nhau, thể hiện sự kém hiệu quả.

Ngoài ra, sự bùng nổ của thương mại điện tử gây ra hệ luỵ là lưu lượng xe vận chuyển ngày càng nhiều, khiến tắc nghẽn, khí thải, tai nạn, quy hoạch hạ tầng... (phí tổn ngoại biên).

“Doanh nghiệp không tự giải quyết mà cần sự hỗ trợ của Nhà Nước để giảm thiểu tác động đó, trong đó chuyển đổi số là một giải pháp, dựa trên dữ liệu. Cần có tầm nhìn mới về chuyển đổi số trong logistics”, ông Bình đề xuất.

Đại diện Smartlog nhấn mạnh các từ khoá: “Chuyển đổi số cần nhanh hơn, xanh hơn, tốt hơn, được hợp tác và chia sẻ tốt hơn”.

“Chính phủ nên tạo ra nền tảng để các bên đấu nối và chia sẻ ngược lại, ứng dụng AI, blockchain để kiểm soát dữ liệu tốt hơn”, ông Bình nói.

 

chế-biến-tôm-xuất-khẩu-tại-nhà-máy-của-tập-đoàn-minh-phu-seafood-corp-khu-công-nghiệp-nam-sông-hậu-hậu-giang.jpg
Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Minh Phu Seafood Corp, Khu công nghiệp Nam Sông Hậu (Hậu Giang).

 

Doanh nghiệp cần có bước đi chiến lược

Để hỗ trợ doanh nghiệp logistics vượt khó khăn, nắm bắt cơ hội chuyển đổi, phục hồi chuỗi cung ứng, phát triển bền vững ngành logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đã có một số kiến nghị.

Thứ nhất, tăng  gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và tiếp tục giảm thuế, chi phí cho các doanh nghiệp logistics. Không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng logisitcs. Hệ thống hạ tầng logistics hiện nay chưa đồng bộ và  chưa hiện đại, chưa đáp ứng yêu cầu dịch vụ logistics, nhất là vận tải đa phương thức.

Thứ ba, sớm điều chỉnh, bổ sung Luật Thương mại 2005 để có các quy định mới phù hợp với tình hình hiện nay của hoạt động logistics.

Thứ tư, đề nghị Ủy ban 1899 (Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại)  hoạt động tích cực và có hiệu quả hơn trong việc quản lý và phát triển dịch vụ logistics theo chức năng của Ủy ban.

Thứ năm, Chính phủ có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistics, phát triển một số doanh nghiệp logistics mạnh phát triển logistics tích hợp 4PL-5PL, logistics phục vụ thương mại điện tử nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics trong thị trường nội địa và trên thị trường quốc tế.

Nhận định xu hướng số hóa và thương mại điện tử là xu hướng tất yếu và bắt buộc hiện nay, bà Bùi Thị Lê Hằng, Phó Tổng giám đốc ALS nhận định, theo thống kê, 80% doanh nghiệp logistics hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và chỉ có 20% là doanh nghiệp logistics lớn.

Có hai yếu tố tác động chính đến việc số hóa của doanh nghiệp, trước hết là xuất phát từ nhu cầu của khách hàng. Khách hàng hiện nay đã đẩy mạnh số hóa để tiến gần hơn đến người tiêu dùng, theo đó chuỗi cung ứng cần nhanh hơn, linh hoạt hơn. Thứ hai, xuất phát từ yêu cầu của nhà chức trách.

“Chính phủ đang hướng đến nền kinh tế số. Chính vì vậy, nếu không số hóa, có khả năng chúng ta sẽ bị lùi lại phía sau. Do đó, doanh nghiệp phải có những bước đi chiến lược cho việc số hóa của mình”, bà Hằng lưu ý.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, để ngành logistics Việt Nam phát triển, trước hết cần đổi mới tư duy, khắc phục những điểm yếu “cốt tử” của ngành như chi phí quá cao, chuyển đổi số còn chậm… Do vậy, các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất khẩu cần đẩy mạnh liên kết; có giải pháp giữ vững chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi sau đại dịch.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để triển khai đồng bộ kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện thể chế, tái cơ cấu dịch vụ, tận dụng và khai thác hiệu quả kinh tế số, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, logistics là ngành cốt lõi trong phát triển thương mại, chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam được xếp vào nhóm 20 quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài lớn. Để đón đầu cơ hội này, Việt Nam cần có sự chuẩn bị nhiều mặt, trong đó, việc phát triển hạ tầng nói chung và ngành logistics nói riêng là hết sức quan trọng.

Hiện, ngành này ở Việt Nam còn đứng sau nhiều quốc gia trong khu vực. Vì vậy, một trong những vấn đề quan trọng, theo bà Carolyn Turk, là cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện năng lực quản lý, vận hành và kỹ năng của lao động ngành logistics thông qua triển khai những chương trình đào tạo và đào tạo lại. Thời gian tới, Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong việc xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành logistics.

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top