Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 2 tháng 10 năm 2021 | 12:41

Ngành nông nghiệp: Giữ đà tăng trưởng lĩnh vực lợi thế; bảo đảm nguồn cung hàng hóa cuối năm

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính chung 9 tháng, GDP vẫn ở mức tăng trưởng dương. Riêng lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng hơn 2,7% đóng góp 23,5% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Khu vực sản xuất nông, lâm, thủy sản (NLTS) tiếp tục đóng vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 khi kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt khá so với cùng kỳ 2020. Để đạt và giữ vững thành quả này, Bộ NN&PTNT đang xây dựng kế hoạch cụ thể cho những tháng cuối năm.

3.jpg
 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

 



Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã có cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ xung quanh nội dung này.

Xin Thứ trưởng phân tích thêm về tình hình sản xuất 9 tháng đầu năm của ngành nông nghiệp để đạt được kết quả tăng trưởng như vừa qua?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng tốc độ tăng giá trị gia tăng khu vực NLTS 9 tháng đạt 2,74%. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,32%; lâm nghiệp tăng 3,30%; thủy sản tăng 1,41%, qua đó đóng góp 23,52% vào mức tăng chung của nền kinh tế.

Đạt được kết quả trên, toàn ngành nông nghiệp đã triển khai quyết liệt những giải pháp cả về sản xuất và thúc đẩy tiêu thụ. 

Theo đó, từ đầu tháng 5 đến nay, Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp; tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; theo dõi nguồn nước để điều tiết nước tại các hồ thủy điện, hồ chứa… nhằm cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân.

Nhờ vậy, vụ lúa Đông Xuân đã thành công ấn tượng với sản lượng đạt 20,6 triệu tấn, tăng 755.100 tấn so với vụ trước dù diện tích gieo cấy giảm gần 17.000 ha; diện tích trồng và sản lượng cây lâu năm đều tăng; chăn nuôi lợn phục hồi nhanh; chăn nuôi gia cầm, nuôi bò tiếp tục phát triển.

Về tiêu thụ, xuất khẩu NLTS, ngoài phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, Bộ NN&PTNT  đã thành lập 2 tổ công tác đặc biệt (ở phía bắc và ở phía nam do 2 lãnh đạo Bộ trực tiếp chỉ đạo) để tập trung triển khai hoạt động này. Dù chỉ hoạt động trong thời gian ngắn nhưng 2 tổ công tác đều được các địa phương, doanh nghiệp đánh giá rất cao vì đã hỗ trợ kịp thời, giúp doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kết nối tiêu thụ hàng hóa rất hiệu quả.

Theo Thứ trưởng, đâu là những giải pháp linh hoạt nhưng đạt hiệu quả nhất mà ngành nông nghiệp đã thực hiện để giữ vững đà tăng trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản phụ thuộc khá nhiều vào những yếu tố khách quan (thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; chất lượng đất, môi trường...). Vì vậy, việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế là giải pháp hiệu quả nhất mà ngành đã thực hiện trong 9 tháng qua.

Căn cứ vào thời tiết, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, dịch COVID-19 tại từng địa phương trong từng thời điểm, ngành đã có chỉ đạo sát thực nhằm góp phần đảm bảo sự phát triển của sản xuất NLTS. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn phải nhờ tới sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự kết hợp hài hòa giữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất với phân công, phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện.

Thời gian tới, sản xuất NLTS vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nên chúng tôi cũng rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp,… trong triển khai nhiệm vụ cấp bách những tháng cuối năm để sớm khôi phục sản xuất NLTS.

2.jpg
Giá trị xuất khẩu lâm sản 9 tháng đầu năm 2021 tăng gần 32% so với cùng kỳ - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

 

Thưa Thứ trưởng, để chuỗi cung ứng và sản xuất không đứt gãy do dịch COVID-19, cần sự vào cuộc sát sao trong công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương. Ngành nông nghiệp đã thực hiện việc này như thế nào để sản xuất của người dân, doanh nghiệp đạt hiệu quả?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Để xử lý các vướng mắc, khó khăn lớn nhất là sự phối kết hợp kịp thời, thông suốt trong chỉ đạo giữa các bộ, cơ quan, ban ngành và địa phương. Từ đó mới có thể tham mưu Chính phủ tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân nhằm đảm bảo vận hành thông suốt tất cả các khâu từ sản xuất, logistic đến phân phối, tiêu thụ nông sản.

Nhận thức được vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ ngành tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 về việc “Thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19”. Trong đó, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện thống nhất các giải pháp cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, địa phương đã chỉ đạo đơn vị ngành dọc khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, hai tổ công tác của Bộ NN&PTNT hoạt động rất tích cực trong phối hợp chỉ đạo sản xuất, xử lý vấn đề còn bất cập cùng với việc kết nối tiêu thụ nông sản.

Các tổ công tác đã tổ chức hiệu quả việc kết nối chuỗi cung ứng nông sản thông qua việc cập nhật hằng ngày danh sách, địa chỉ đơn vị cung ứng. Qua đó hình thành các đầu mối lớn cung ứng nông sản, giúp đẩy nhanh thời gian cung cấp hàng hóa từ các tỉnh về thành phố (tính đến hết tháng 8/2021, đã thực hiện kết nối hơn 1.400 đầu mối cung cấp nông sản, thực phẩm ở phía nam và xây dựng dữ liệu hơn 2.300 đầu mối cung ứng nông sản phía bắc).

Thời gian tới, hai tổ công tác của Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong việc đảm bảo duy trì sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản.

Thứ trưởng suy nghĩ thế nào về ý kiến lo ngại rằng có thể xảy ra tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm dịp cuối năm?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Vừa qua, ở một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19 nên nhu cầu giảm, lưu thông bị ách tắc cục bộ khiến cho một số sản phẩm cây trồng và vật nuôi tiêu thụ khó khăn. Khi đầu ra chậm lại, người sản xuất không mặn mà tái đầu tư để sản xuất lứa cây, con mới nên có thể dẫn tới có rủi do thiếu nguồn cung trong tương lai, nhất là nhu cầu tăng vào dịp Tết Nguyên đán.

Nhận thức được rủi do này, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch sản xuất, ước sản lượng hàng hóa phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu từ giữa năm nay tới hết quý I/2022, trong đó tính toán kỹ tổng cung, tổng cầu để lên phương án cụ thể với những tình huống có thể xảy ra, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Trong công tác chỉ đạo điều hành nhằm duy trì, phát triển sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát tình hình sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản trên địa bàn...

Thời gian tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục kiểm tra, khảo sát thực tế vùng nguyên liệu sản xuất, cơ sở chế biến, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm ở các địa bàn lân cận thành phố Hà Nội, TPHCM để rà soát nguồn cung lương thực, thực phẩm, năng lực chế biến, giết mổ và khả năng đảm bảo cung ứng hàng hóa cho các địa phương trong mọi tình huống.

Xin trân trọng cảm ơn chia sẻ của Thứ trưởng!

 

 

 

Đỗ Hương (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top