Hàng loạt doanh nghiệp (DN) nhập khẩu và cơ sở sản xuất tôm giống vừa gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc trứng Artemia bị áp thuế nhập khẩu 5% gây khó khăn cho ngành tôm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng vừa kiến nghị về mức thuế bất hợp lý này nhưng chưa được xem xét giải quyết.
Chất lượng con giống sẽ giảm sút
Theo một số công ty và cơ sở sản xuất tôm giống của Hiệp hội Tôm giống tỉnh Bình Thuận, thương hiệu tôm giống Bình Thuận (được bình chọn là con tôm giống tốt nhất) đang bị đe dọa vì chất lượng giảm sút. Bởi lẽ, Artemia là thức ăn tốt nhất cho tôm giống nhưng phải chịu thuế nhập khẩu 5%, trong khi các loại thức ăn thông thường giá rẻ lại được hưởng thuế suất 0%.
Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, tập thể các nhà sản xuất tôm giống cho biết họ bất bình về việc truy thu thuế nhập khẩu đối với Artemia. Theo các DN, Artemia có giá 2-3,5 triệu đồng/kg nên việc áp thuế sẽ làm tăng chi phí. Điều này dẫn đến tình trạng buộc DN phải cắt giảm Artemia có chất lượng tốt, thay vào đó là sử dụng thức ăn thông thường có giá 200.000-300.000 đồng/kg (rẻ hơn 90%).
Như vậy, chất lượng tôm giống sẽ suy giảm và hậu quả là tôm thương phẩm phải bị nhiều bệnh tật do con giống kém chất lượng. Khi giống kém chất lượng, người nuôi thương phẩm (khách hàng của trại giống) phải sử dụng nhiều kháng sinh để ngăn ngừa bệnh tật, dẫn tới nguy cơ suy thoái môi trường vùng nuôi.
Do đó, các DN và cơ sở nuôi tôm mong muốn Thủ tướng thấu hiểu được những khó khăn mà ngành tôm đang gặp phải. “Mong Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tế nhằm vực dậy ngành tôm giống nói riêng, nuôi thủy sản nói chung. Các vùng nuôi thương phẩm sẽ đạt hiệu quả cao khi có chất lượng con giống được bảo đảm” - các DN và cơ sở nuôi tôm kiến nghị.
DN nhập khẩu khốn đốn
Liên quan đến vấn đề này, theo đại diện Công ty TNHH Thông Thuận (một DN nuôi tôm ở tỉnh Ninh Thuận), công ty đã nhập về 2 mặt hàng dùng làm thức ăn nuôi tôm có xuất xứ từ Mỹ với mã quốc tế khai báo hải quan là HS Code là 2309.9013 (có xác nhận từ nước xuất khẩu). Công ty khai báo mã hàng đúng mã quốc tế này và được thông quan gần 5 năm qua. Thế nhưng, gần đây, mã hàng này bỗng nhiên bị cơ quan quản lý nhập khẩu áp vào mã khác với thuế suất 5% và còn “dọa” sẽ truy thu thuế.
Cụ thể, Chi cục Kiểm tra sau thông quan - Cục Hải quan TP HCM đã yêu cầu kiểm tra và áp lại HS Code là 2309.9013 thành mã HS Code là 0511.9100 (sản phẩm từ cá hoặc động vật giáp xác, động vật thân mềm hoặc động vật thủy sinh không xương sống khác, động vật đã chết, thuộc chương 3 thuế nhập khẩu 5%), đồng thời yêu cầu truy thu thuế 5% cho các lô hàng đã nhập khẩu từ năm 2016 trở về trước.
Trong khi mọi việc đang khiến DN “choáng” thì mới đây, một số nơi nhập Artemia bị thu thuế 5%, như Công ty TNHH Thông Thuận, Công ty TNHH K.N…
Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan, cho biết: “Theo luật, DN khi nhập mặt hàng nào thì phải căn cứ vào danh mục hàng hóa và biểu thuế của Việt Nam đang có hiệu lực (chứ không phải căn cứ theo mã nước khác) để kê khai cho đúng. DN phải chịu trách nhiệm với sự kê khai này”.
Theo các DN nhập khẩu trứng Artemia, họ đã nghiên cứu mã sản phẩm tương ứng với thuế nhập khẩu 0% để nhập và được hải quan chấp thuận, đã chiết tính vào giá thành sản phẩm bán cho nông dân lâu nay. Giờ bị truy thu thuế thì DN không thể đòi lại tiền từ nông dân.
Trả lời câu hỏi vì sao Chi cục Kiểm tra sau thông quan lại chấp thuận khai báo mã hàng với mức thuế 0%, đại diện chi cục giải thích: “Rất bận nên không thể kiểm soát hết các vấn đề này. Hơn nữa, không phải mã hàng nào đơn vị cũng nắm được. Cứ đúng quy định trong 5 năm sẽ rà soát, nếu đúng thì thôi, sai thì điều chỉnh”.
Liên quan đến những bức xúc của DN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VASEP, Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Tôm Bình Thuận đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính đề nghị áp thuế nhập khẩu 0% đối với trứng Artemia. Mới đây, Hiệp hội Tôm Bình Thuận có thêm văn bản đề nghị Bộ Tài chính dừng Thông tư 98 (có hiệu lực từ ngày 13-8) hướng dẫn áp thuế nhập khẩu 3% cho trứng Artemia (thay vì 5% hoặc 0%) để cùng đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các DN.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.